02:09 23/02/2021

Bình Thuận kiến nghị bổ sung dự án điện vào Quy hoạch VIII

Bình Thuận đã phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét đưa các dự án điện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030.

Triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Bộ Trưởng Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương nghiên cứu, xem xét đưa các dự án điện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 có xét đến năm 2045 (Quy hoạch VIII). 

Chú thích ảnh
Các tổ máy sản xuất điện từ năng lượng gió của Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN) tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Theo đó, tỉnh đề xuất bổ sung vào Quy hoạch điện VIII các dự án: Điện khí LNG mũi Kê Gà (công suất đề xuất 3.600 MW); 15 dự án điện mặt trời (tổng công suất 759MW); 11 dự án điện gió (gồm 3 dự án trên đất liền, 8 dự án ngoài khơi) với tổng công suất dự kiến 22.342 MW. Việc phát triển dự án điện gió ngoài khơi sẽ góp phần đảm báo giá điện theo hướng cạnh tranh hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân; đồng thời nâng cao tỉ lệ nội địa hóa. Nhà đầu tư cũng cam kết đầu tư đường dây truyền tải nếu được Chính phủ Việt Nam cho phép.

Bình Thuận đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương xem xét đưa các dự án điện nêu trên trên địa bàn tỉnh Bình Thuận vào Quy hoạch điện lực quốc gia, nhất là Dự án điện khí LNG mũi Kê Gà nhằm tạo tính đột phá, tạo động lực phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng khí và kinh tế - xã hội của địa phương; phát huy hiệu quả hệ thống truyền tải 500kV từ Hàm Thuận Nam - Bình Thuận về Long Thành (Đồng Nai) và Bình Dương.

Cùng đó, tỉnh Bình Thuận đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương xem xét xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho điện gió ngoài khơi gắn với chiến lược biển Việt Nam, cần xem xét cách thức bổ sung quy hoạch, đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư (khảo sát, đầu tư), tính toán giá điện, hợp đồng mua bán điện, phương án đấu nối với hệ thống điện lưới quốc gia của các dự án điện gió ngoài khơi theo cơ chế ưu tiên cho các dự án đi tiên phong, mang lại các hiệu quả kinh tế - xã hội, qua đó tạo môi trường đầu tư hấp dẫn cho các dự án tiếp theo.

Theo tỉnh Bình Thuận, hiện một số dự án điện gió, điện mặt trời trên địa bàn đang nằm trong vùng Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan và vùng quy hoạch dự trữ khoáng sản titan nên chưa triển khai đầu tư xây dựng được. Do vậy, tỉnh đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan và vùng quy hoạch dự trữ khoáng sản titan theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 293/TB-VPCP ngày 13/8/2020 của Văn phòng Chính phủ.

Chú thích ảnh
Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) gồm 4 dự án nhà máy nhiệt điện với tổng công suất 5.600 MW, cung cấp điện cho miền Nam giai đoạn 2013 - 2020. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh), Bình Thuận được quy hoạch đầu tư 2 Trung tâm Điện lực lớn là Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, Trung tâm điện lực Sơn Mỹ và hệ thống truyền tải giải phóng công suất của các nguồn cung điện trên địa bàn. Đến nay, tỉnh có 42 nhà máy điện đang hoạt động phát điện với tổng công suất 6.225 MW. Sản lượng điện thiết kế của những nhà máy điện trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 31 tỷ kWh/năm.

Giai đoạn 2021 – 2030, dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thành nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3, Sơn Mỹ I, Sơn Mỹ II và 9 dự án điện gió trên đất liền. Với vị trí địa lý thuộc khu vực miền Đông Nam bộ, nằm cận kề vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và có hệ thống đường dây truyền tải 500 kV và 220 kV, Bình Thuận rất thuận lợi để phát triển các dự án điện và năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi và điện khí LNG để cung cấp điện cho các tỉnh phía Nam.

Nguyễn Thanh (TTXVN)