02:17 26/02/2013

Bình Thuận không cấp phép dự án titan mới

Theo quy hoạch giới hạn vùng khai thác titan được tỉnh Bình Thuận và Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng phê duyệt, chỉ cho phép duy trì hoạt động khai thác đối với những dự án đã được cấp phép trước đây, không cấp phép các dự án khai thác titan mới trên địa bàn tỉnh.

Ngày 26/2, ông Nguyễn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: Theo quy hoạch giới hạn vùng khai thác titan được tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng phê duyệt, chỉ cho phép duy trì hoạt động khai thác đối với những dự án đã được cấp phép trước đây, không cấp phép các dự án khai thác titan mới trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Bình Thuận chỉ cho phép khai thác, chế biến khoáng sản titan tại khu vực Lương Sơn (huyện Bắc Bình), thuộc vị trí phía Bắc tỉnh Bình Thuận, còn lại các khu vực khác trên địa bàn tỉnh được đưa vào vùng dự trữ cho tương lai, không cấp phép khai thác mới.

Hệ thống vít xoắn để đãi tuyển titan của một doanh nghiệp khai thác titan tại Bình Thuận. Ảnh: baobinhthuan.com.vn


Theo công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Bình Thuận có diện tích chứa quặng titan là 774 km2 với trữ lượng titan chiếm 92% trữ lượng titan cả nước. Riêng khu vực phía bắc Bình Thuận được phép khai thác với diện tích khoảng 150 km2 với trữ lượng lớn.

Ông Nguyễn Ngọc cho biết, theo quy hoạch phân vùng khai thác titan thì tỉnh chỉ cho duy trì hoạt động những dự án đã cấp phép trước đây, còn lại tỉnh sẽ không cấp phép dự án khai thác mới đối với các khu vực khác còn lại trên địa bàn tỉnh. Để hạn chế xuất khẩu titan thô như hiện nay, Bình Thuận cũng đã kiến nghị Chính phủ cho xây dựng 2 khu công nghiệp chế biến sâu titan là khu công nghiệp Song Bình (250 ha) ở huyện Bắc Bình và cụm công nghiệp Thắng Hải (40 ha) tại huyện Hàm Tân.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Bình Thuận, khu vực Lương Sơn, huyện Bắc Bình có trữ lượng titan rất lớn, đặc biệt là dưới tầng sâu 60 mét. Trong quy hoạch phân vùng khai thác titan trình Chính phủ phê duyệt thì titan khai thác phải được chế biến sâu chứ không xuất khẩu thô như hiện nay.

Trước đây khu vực ven biển phía nam Bình Thuận có 18 dự án khai thác titan, nhưng phân tán và gây ảnh hưởng đến môi trường. Tỉnh đã đóng cửa các dự án này, chờ đưa vào cụm công nghiệp Thắng Hải để khai thác, chế biến titan tập trung.

Do lợi nhuận khá cao từ mua bán titan nên tình trạng khai thác và vận chuyển trái phép titan trên địa bàn thời gian qua diễn biến rất phức tạp. Trước thực trạng này, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Sở, ngành địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị khai thác titan để chấn chỉnh kịp thời các sai phạm. Nếu đơn vị nào vi phạm nhiều lần thì kiên quyết thu hồi giấy phép đã cấp.


Nguyễn Thanh