05:18 29/05/2018

Bình Thuận hoàn thiện đội tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ

Những năm qua ngư dân Bình Thuận tận dụng nhiều nguồn vốn đầu tư để đóng thuyền công suất lớn, phục vụ khai thác xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần, chế biến hải sản trên biển. Nhờ đó, đội tàu công suất lớn của tỉnh Bình Thuận đang ngày càng hoàn thiện và phát triển mạnh.

Hiện Bình Thuận có hơn 7.000 tàu, thuyền khai thác hải sản, trong đó tàu cá có công suất từ 90 CV (đánh bắt xa bờ) trở lên hơn 2.700 chiếc.

Bình Thuận được biết đến là nơi có nguồn lợi thủy sản dồi dào, với bờ biển dài 192 km và có ngư trường rộng lớn hơn 52.000 km2. Những năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cho ngư dân phát triển thủy sản. Điển hình có Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản là một trong những chính sách hiệu quả triển khai trên địa bàn tỉnh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, việc triển khai đóng tàu công suất lớn theo Nghị định 67 đã được ngư dân Bình Thuận tham gia hưởng ứng tích cực. Tính đến tháng 4/2018, UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt 179 trường hợp đóng mới, nâng cấp tàu cá xa bờ. Toàn tỉnh có 89 chiếc tàu cá công suất lớn đóng mới theo Nghị định 67 đã được hạ thủy. Kết quả này đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao năng lực đánh bắt của ngư dân, tạo tiền đề vững chắc để ngư dân yên tâm vươn khơi dài ngày trên vùng biển xa.

Tại đảo Phú Quý, là địa phương tiên phong của tỉnh trong việc triển khai đóng tàu cá theo Nghị định 67, đã phát huy hiệu quả tích cực những chuyến biển đầu tiên từ những con tàu này đã mang lại hiệu quả tích cực cho ngư dân. Anh Nguyễn Hưng (xã Tam Thanh - huyện Phú Quý), một trong những ngư dân đầu tiên hoạt động trên những con tàu xa bờ đóng mới cho biết, việc sở hữu tàu cá công suất lớn, trang bị đầy đủ các phương tiện đi biển hiện đại để vươn khơi bám biển dài ngày là ước mơ bấy lâu nay của ngư dân.

Trước đây, anh chỉ hoạt động đánh bắt với tàu công suất nhỏ hoạt động chủ yếu ở vùng biển quanh đảo Phú Quý, nhưng vẫn bất an khi ra khơi vì tàu không có đầy đủ phương tiện. Tuy nhiên, những chuyến biển giờ đây anh cảm thấy rất tự tin vì đã có được con tàu như mơ ước để vươn khơi xa đánh bắt. Tàu của anh hiện đang thường xuyên hoạt động tại khu vực Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Anh Châu Minh Cương (xã Tam Thanh- huyện Phú Quý) cho biết, tàu của anh đã hạ thủy được hơn 1 năm và chủ yếu hoạt động tại khu vực Nhà giàn DK1. Mỗi chuyến đi biển sau khi trừ chi phí tiền vật tư, chia cho anh em thuyền viên, cũng thu lời được gần 100 triệu đồng. Đây là một sự hiệu quả bất ngờ mà bất kỳ ngư dân nào cũng muốn đạt được. Qua nhiều năm đi biển, đây là những chuyến biển anh cảm thấy hạnh phúc nhất. Anh cho biết đang cùng với gia đình và bạn thuyền bàn chuyện đầu tư thêm tàu công suất lớn để vươn khơi.

Thực hiện theo chủ trương của tỉnh trong việc nâng cao năng lực tàu thuyền khai thác xa bờ, từ năm 2015 đến nay, ngư dân trong tỉnh đã huy động các nguồn vốn, đầu tư hơn 900 tỷ đồng đóng mới tàu công suất lớn, sửa chữa, nấng cấp tàu công suất nhỏ. Ngư trường chủ yếu của ngư dân Bình Thuận là Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Bên cạnh việc khuyến khích ngư dân đầu tư đóng mới tàu công suất lớn, tỉnh Bình Thuận cũng khuyến khích phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần (thu mua chế biến hải sản trên biển), nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân bám biển dài ngày, tiết kiệm chi phí vận chuyển, nâng cao giá trị khai thác thủy sản. Hiện toàn tỉnh có hơn 110 chiếc làm tàu làm dịch vụ hậu cần hải sản.

Đây là những con tàu được trang bị hệ thống máy móc hiện đại với công suất mỗi chiếc từ 450-700CV, phục vụ việc thu mua, sơ chế hải sản và cung cấp nguyên liệu cần thiết cho ngư dân. Nhờ đó, sản lượng khai thác hải sản năm 2017 của Bình Thuận tiếp tục tăng và đạt gần 213.000 tấn, tăng 4,4% so với năm 2016.

Ông Phạm Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, thời gian qua, các tàu cá đóng mới, nâng cấp công suất lớn và đặc biệt là việc thực hiện đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 ở Bình Thuận đều bảo đảm chất lượng và bước đầu phát huy hiệu quả. Quá trình tổ chức thực hiện đóng mới từ khâu thiết kế kỹ thuật, phê duyệt thiết kế, giám sát, kiểm tra an toàn kỹ thuật và việc giám sát thực hiện hợp đồng đóng tàu của chủ tàu trong suốt quá trình thi công đã được tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ, đúng qui trình kỹ thuật. Số lượng tàu cá đóng mới được đầu tư đồng bộ, hiện đại, khuyến khích được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển thủy sản, góp phần quan trọng vào việc tái cơ cấu ngành khai thác thủy sản và tổ chức lại sản xuất trên biển.

Hiện nay, song song với việc triển khai thực hiện Nghị định 89/2015/NĐ-CP, Nghị định 17/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67, nhằm tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc chính sách phát triển thủy sản, tỉnh Bình Thuận cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét bổ sung thêm chỉ tiêu cho tỉnh đóng mới tàu cá theo Nghị định 67, đáp ứng nguyện vọng của ngư dân.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai nhân rộng các mô hình như tổ tàu thuyền đoàn kết, nghiệp đoàn tàu cá, để liên kết giúp nhau đánh bắt, khai thác hải sản xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển. Tỉnh cũng chủ trương kết hợp khai thác với đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, tăng cường các biện pháp bảo vệ ngư trường, tái tạo nguồn lợi thủy sản…

Chính nhờ có chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa của Trung ương và địa phương thời gian qua đã mang lại những hiệu quả tích cực, với những chính sách hỗ trợ hiện nay và trong tương lai, chắc chắn sẽ được bà con ngư dân thêm nhiệt tình ủng hộ vươn khơi bám biển, kết hợp bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Bài và ảnh: Nguyễn Thanh (TTXVN)