02:10 16/02/2012

Bình Thuận: Hiệu quả từ mô hình dạy nghề lưu động cho nông dân

Bằng mô hình dạy nghề lưu động, các huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, La Gi, Tuy Phong bình quân hàng năm giải quyết việc làm cho 3.000 – 4.000 lao động, trong đó khoảng 70 - 90% lao động sau khi học có việc làm phù hợp, ổn định, góp phần tăng thu nhập, đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình.

Theo thống kê, tỉnh Bình Thuận hiện có hơn 300.000 lao động ở nông thôn, trong đó, số lao động được đào tạo nghề mới chiếm gần 20%. Đa số lao động ở nông thôn thường sản xuất theo tập quán, mùa vụ. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất không nhiều, dẫn đến năng suất lao động chưa cao, hiệu quả thấp, thu nhập và đời sống một bộ phận lớn nông dân còn khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Bình Thuận đã chủ động kết hợp với nhiều cơ quan chức năng tổ chức nhiều lớp dạy nghề cho nông dân với mục đích giúp cho người nông dân tạo ra năng suất cao và hiệu quả trên cùng diện tích canh tác.

Cơ sở dạy nghề đan lát nhằm tạo việc làm và thu nhập cho người dân trong xã. Ảnh: Duy Khương – TTXVN


Những năm qua, mô hình dạy nghề lưu động cho nông dân, nhất là các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa… đã được các huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong, thị xã La Gi phối hợp tổ chức các lớp đào tạo ngắn ngày truyền đạt kỹ năng trồng, chăm sóc cao su, cây thanh long, đan lát, dệt thổ cẩm, may công nghiệp… tạo điều kiện cho lao động nông thôn có kiến thức mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có hiệu quả. Bên cạnh đó, các trung tâm còn liên kết, phối hợp với các trường cao đẳng, đại học, trung tâm, trạm trại khuyến nông, khuyến ngư, đào tạo các lớp chuyên ngành xây dựng dân dụng, may công nghiệp, tin học văn phòng, cơ khí, điện, lái xe, thủ công mỹ nghệ, chăn nuôi, thú y, trồng trọt, mộc dân dụng… chuyển giao công nghệ, hướng dẫn kinh nghiệm làm ăn cho nông dân. Nhờ vậy, hơn 70% lao động ở nông thôn sau học nghề có việc làm ổn định.

Bằng mô hình dạy nghề lưu động, các huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, La Gi, Tuy Phong bình quân hàng năm giải quyết việc làm cho 3.000 – 4.000 lao động, trong đó khoảng 70 - 90% lao động sau khi học có việc làm phù hợp, ổn định, góp phần tăng thu nhập, đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình.

Ông Trương Đại Hưng - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bình Thuận cho biết: Dạy nghề lưu động tiết kiệm được thời gian và chi phí học tập cho lao động nông thôn, đem lại hiệu quả rõ nét. Nhưng khi triển khai thực hiện, cái khó của ngành, các địa phương và các trung tâm dạy nghề là còn thiếu giáo viên, trang thiết bị, giáo trình… Qua khảo sát, đa số lao động nông thôn cần được đào tạo những nghề mang lại lợi ích thiết thực. Nên dạy nghề phải đáp ứng đúng nhu cầu của người học, tránh tình trạng cái cần thì không dạy lại dạy cái không cần.
Bám sát nhu cầu thực tế của từng địa phương, tỉnh Bình Thuận tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, giới thiệu, giải quyết việc làm cho lao động, nhất là dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Theo đó, tỉnh yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể triển khai thực hiện tốt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” và Chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm giai đoạn 2011-2015 của tỉnh với mục tiêu giải quyết việc làm cho 120.000 lao động (bình quân hàng năm 24.000 người), giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới mức 4%; phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 55%. Trong đó, có chú ý đối tượng lao động ở nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bãi ngang ven biển.

Trước mắt, tỉnh chỉ đạo các địa phương, các ngành liên quan tổ chức điều tra, phân tích, đánh giá đúng thực trạng nguồn lao động, khảo sát, nắm chắc nhu cầu học nghề của lao động nông thôn; nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động dạy nghề và đa dạng hóa các hình thức đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Tỉnh Bình Thuận cũng thực hiện chính sách hỗ trợ 100% lãi suất vay tín dụng cho lao động học nghề và việc làm ổn định ở nông thôn; chính sách đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường, trung tâm đào tạo, dạy nghề trong tỉnh và huyện.

Năm 2012, toàn tỉnh Bình Thuận phấn đấu giải quyết việc làm cho 24.000 lao động, đào tạo nghề cho 15.500 lao động, trong đó có 12.800 lao động nông thôn được đào tạo, tăng 28% số lao động nông thôn được đào tạo nghề so với năm 2011, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ; tạo nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Tấn Hùng