04:09 12/04/2025

Bình Thuận: Ghi nhận thêm một trường hợp tử vong nghi do bệnh dại

Thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận, địa phương vừa ghi nhận thêm một trường hợp tử vong nghi do bệnh dại sau 2 tháng bị mèo cào.

Đây là ca tử vong thứ 3 kể từ đầu năm 2025 đến nay vì bệnh dại, dấy lên cảnh báo về sự chủ quan khi không tiêm phòng kịp thời sau khi bị chó, mèo cào, cắn.

Trường hợp đáng tiếc đó là một bệnh nhân nam sinh năm 1989, cư trú tại xã Gia An, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Ngày 9/2, bệnh nhân bị mèo hoang cào vào bắp chân, vết thương nông, chảy máu ít. Bệnh nhân không đi tiêm phòng vaccine ngừa dại và huyết thanh kháng dại. Tới ngày 3/4, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng đau bụng, mệt mỏi và sau đó là các triệu chứng sợ gió, khó thở, co giật. Sau khi thăm khám ở cơ sở y tế tư nhân và được chẩn đoán nghi dại, bệnh nhân được chuyển vào điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với virus dại. Người nhà bệnh nhân xin cho bệnh nhân xuất viện. Ngày 5/4, bệnh nhân tử vong.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm 2025 đến nay trên địa bàn đã có ba người tử vong do bệnh dại. Hầu hết các nạn nhân tử vong vì bệnh dại đều có điểm chung là chủ quan không tiêm phòng hoặc tiêm không đầy đủ, đúng lịch sau khi bị chó, mèo cắn. Hiện nay, tình trạng người dân bị chó, mèo tấn công gây thương tích ngày càng gia tăng. Ba tháng đầu năm, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 1.000 trường hợp điều trị dự phòng bệnh dại bằng vaccine hoặc huyết thanh kháng dại.

Vì sự chủ quan, không ít trường hợp đã phải trả giá đắt bằng mạng sống. Mỗi một ca tử vong vì bệnh dại là một câu chuyện đầy tiếc nuối, vì bệnh này hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng vaccine.

Bệnh dại hiện chưa có thuốc đặc trị nên vẫn là mối nguy hiểm lớn đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là khi người dân thiếu ý thức phòng ngừa bằng vaccine. Ngành Y tế Bình Thuận khuyến cáo, cách phòng ngừa bệnh dại duy nhất hiện nay là tiêm vaccine dại ngay sau khi bị động vật cắn hoặc cào, tiêm đủ liều và đúng lịch theo chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, người dân nuôi chó, mèo cần chú ý tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Khi nuôi chó phải xích và nhốt cẩn thận, khi ra đường phải mang rọ mõm và đeo dây dẫn để ngăn chặn nguy cơ cắn người xung quanh. Khi thời tiết nắng nóng, bệnh dại trên động vật có nguy cơ gia tăng mạnh. Vì vậy, mọi người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh dại.

Bệnh dại do một loại virus có tên là Rhabdovirus có trong nước bọt của những động vật bị bệnh dại. Bệnh dại lây từ nước bọt của động vật bị dại thông qua vết cắn, liếm. Ngoài chó, virus dại cũng được phát hiện ở mèo, chồn, dơi và các động vật có vú khác.

Ngay khi vào cơ thể, virus dại xâm nhập vào các dây thần kinh ngoại biên, chạy dọc theo các dây thần kinh đến tủy sống và não bộ. Thời gian ủ bệnh dại có thể dưới 1 tuần hoặc trên 1 năm, phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách từ vết thương đến hệ thần kinh trung ương… Khi đến não bộ, người bệnh mới thật sự có những dấu hiệu lâm sàng rõ ràng; khi phát bệnh, lên cơn dại, tỷ lệ tử vong là 100%.

Hồng Hiếu (TTXVN)