12:13 16/12/2017

Bình Thuận đưa vào sử dụng Khu Liên hợp xử lý chất thải đầu tiên

Sáng 16/12, tại thị xã La Gi, Khu Liên hợp xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp và sản xuất phân hữu cơ đầu tiên của tỉnh Bình Thuận đã khánh thành và đi vào hoạt động giai đoạn 1.

Khu Liên hợp xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp và sản xuất phân hữu cơ nằm tại xã Tân Bình, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận với diện tích gần 30 ha. Đây là khu xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp (nguy hại và không nguy hại) phát sinh trên địa bàn thị xã La Gi và các vùng lân cận.

Quy mô dự án đáp ứng việc xử lý khoảng 200 tấn rác sinh hoạt và 255 tấn rác công nghiệp mỗi ngày. Với công nghệ tiên tiến từ dây chuyền nhập khẩu, rác sinh hoạt, công nghiệp sẽ được phân loại. Chất hữu cơ được tái chế để làm phân bón sinh học phục vụ nông nghiệp.

Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, khu liên hợp còn tái chế một số sản phẩm như nhựa, nylon, cao su và sản xuất gạch block thân thiện với môi trường. Khí thải và nước thải của Khu liên hợp được xử lý đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường.

Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, thị xã La Gi đang phát triển với tốc độ nhanh, hình thành một trung tâm thương mại dịch vụ và du lịch. Việc xử lý rác theo kiểu chôn lấp đã không còn phù hợp và đặc biệt không còn đáp ứng với tiêu chuẩn về môi trường đối với một đô thị.

Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua đề án đề nghị công nhận thị xã La Gi là đô thị loại 3. Khu Liên hợp xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp và sản xuất phân hữu cơ đi vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng vào việc công nhận thị xã La Gi là đô thị loại 3 và quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đia phương; giải quyết vấn đề bức xúc về rác thải, giảm ô nhiễm môi trường ở La Gi và các vùng lân cận, đồng thời tạo việc làm cho lao động ở địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và địa phương phối hợp với chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn để nhà máy đi vào hoạt động, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vận hành có hiệu quả, đúng mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Bình Thuận đến năm 2030.

Theo quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Bình Thuận đến năm 2030, toàn tỉnh có 4 khu xử lý chất thải cấp tỉnh, 12 khu xử lý rác thải cấp huyện và 2 khu xử lý chất thải đặc thù với tổng công suất hơn 5.400 tấn/ngày.

Hồng Hiếu (TTXVN)