09:06 21/09/2016

Binh sĩ Bỉ mệt mỏi với việc tuần tra đường phố

Sự tham gia của quân đội vào chiến dịch tuần tra kéo dài trên đường phố Bỉ bắt đầu ngày 15/1 nhằm đảm bảo an ninh đã khiến lực lượng này kệt sức và buộc phải kêu gọi sự giúp đỡ của lực lượng khác.

Binh sĩ Bỉ đã quá mệt mỏi sau thời gian dài tuần tra trên đường phố.

Sáu tháng sau khi Tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tiến hành tấn công tại sân bay Zaventem và ga tàu điện ngầm Maelbeek ở thủ đô Brussels khiến 32 người thiệt mạng, điều mà mọi người nhìn thấy rõ nhất ở “trái tim châu Âu” hiện nay là cảnh báo an ninh vẫn duy trì ở mức 3 với sự hiện diện của quân đội trên đường phố.

Mức cảnh báo được áp dụng từ đầu tháng 1/2015, sau vụ đọ súng giữa cảnh sát và các nghi can khủng bố ở thành phố Verviers, trong đó cảnh sát tiêu diệt 2 đối tượng. Cảnh báo an ninh thường xuyên được Cơ quan phối hợp phân tích các mối đe dọa (OCAM) xem xét, đánh giá.

Mới đây, chính phủ Bỉ đã quyết định kéo dài việc triển khai binh sĩ tuần tra trên đường phố và tại các nhà ga đường sắt với số lượng 1.828 người cho đến ngày 2/10 tới, trong chiến dịch “Cảnh giác bảo vệ”.

Việc quân đội tham gia vào một chiến dịch an ninh trong nước chưa từng có kể từ cuộc tổng đình công hồi mùa đông năm 1960-1961 nhằm phản đối “đạo luật duy nhất”, đã bắt đầu mang đến sự chán nản cho binh sĩ. Công đoàn quân đội cho rằng chiến dịch này “quá nhàm chán”.

Sự tham gia của quân đội vào chiến dịch tuần tra trên đường phố bắt đầu ngày 15/1 với 150 binh sĩ nhằm đảm bảo an ninh cho khoảng 15 cơ sở nhạy cảm ở thủ đô Brussels và thành phố Anvers. Họ là những binh sĩ thuộc lực lượng bộ binh với số lượng “trên giấy tờ” là 12.671 người nhưng trên thực tế chỉ có 10.492 người hoạt động (82%).

Việc tiếp tục kéo dài sự tuần tra dường như khiến quân đội “kiệt sức”. Từ vài tuần nay, quân đội đã phải kêu gọi sự hỗ trợ lực lượng từ những đơn vị khác như hậu cần, xây dựng, viễn thông. Nhưng các đơn vị này chỉ cung cấp được 10% số lượng binh sĩ được huy động.

Và chỉ khoảng 30-40% quân số của đơn vị bộ binh được triển khai trong kế hoạch “Cảnh giác chống giặc”. Chính vì vậy, trách nhiệm chính đều dồn vào các lực lượng thuộc đơn vị chiến đấu, mà đôi khi họ phải “bám trụ” trong 5 tuần liên tiếp như trong mùa hè này. Điều này đã gây ra không ít ảnh hưởng về mặt xã hội cũng như gia đình.

Theo một vị quan chức thuộc Công đoàn xã hội, Bộ Quốc phòng, khoảng 12.000 binh sĩ ít nhất được huy động một lần tham gia hỗ trợ lực lượng cảnh sát liên bang. Người đứng đầu quân đội, tướng Marc Compernol, mới đây đã rung lên tiếng chuông báo động khi yêu cầu phải giảm số lượng binh sĩ triển khai trên đường phố do lo ngại quân đội “mất khả năng” trong chiến dịch “Cảnh giác bảo vệ” này.

Trong một phát biểu mới đây trên báo chí, tướng Marc Compernol khẳng định việc tăng cường cho cảnh sát liên bang không phải nhiệm vụ hàng đầu của quân đội và nó là gánh nặng đối với các binh sĩ. Hơn nữa, do phải tăng cường cho cảnh sát liên bang trong việc tuần tra, các binh sĩ không có thời gian tham gia huấn luyện và như vậy, khả năng chiến đấu của họ sẽ mai một dần.

Tướng Marc Compernol còn cảnh báo nếu việc tuần tra cứ tiếp diễn thì sẽ tạo ra một thế hệ “mất mát” các sĩ quan vì các binh sĩ chỉ biết làm mỗi nhiệm vụ tuần tra mà không có điều kiện nâng cao khả năng của mình. “Chúng ta đang khiến họ bị mất một giai đoạn học nghề”, tướng Marc Compernol nhấn mạnh.

Hồi năm ngoái, có những binh sĩ phải làm nhiệm vụ canh gác đến 22 tuần liền. Họ mất cả thời gian tham gia huấn luyện lẫn nghỉ phép. Đó chính là nguyên nhân khiến họ chán nản.

Trong hàng ngũ các binh sĩ, điều này rõ nhất ở những người mà họ là trụ cột chính trong gia đình. Những binh sĩ “quá mệt mỏi” đã nộp đơn xin ra khỏi quân đội do không chịu được sức ép công việc, trong khi họ không có quyền “biểu tình phản đối”.

Việc triển khai binh sĩ trên đường phố cũng khiến ngân sách của chính phủ bị hao hụt khá nhiều. Chỉ trong quý 1 năm nay, chi phí đã lên tới 34 triệu euro, trong khi chính phủ không tăng ngân sách dành cho quốc phòng.

Bài và ảnh: Hương Giang (P/v TTXVN tại Bỉ)