01:20 20/01/2012

Bình Phước xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế tập thể và hộ gia đình nông dân

Nhằm thúc đẩy kinh tế tập thể (KTTT) ở tỉnh Bình Phước phát triển mạnh và đúng hướng, ông Trần Phụng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bình Phước cho biết: Bình Phước đã chọn 20 xã để xây dựng thành công xã nông thôn mới (NTM) trong năm 2020.

Nhằm thúc đẩy kinh tế tập thể (KTTT) ở tỉnh Bình Phước phát triển mạnh và đúng hướng, ông Trần Phụng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bình Phước cho biết: Bình Phước đã chọn 20 xã để xây dựng thành công xã nông thôn mới (NTM) trong năm 2020.

Cán bộ Liên minh HTX tỉnh Bình Phước thăm mô hình sản xuất lúa nước ở HTX Hưng Chiến, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh.


Trong các tiêu chí về xã NTM thì việc cần thiết phải có các hình thức phát triển KTTT là một trong những tiêu chí đóng vai trò quan trọng. Thực tế trong thời gian qua, việc phát triển KTTT đã được các cấp, các ngành chú trọng vì đây chính là hình thức quan trọng nâng cao thu nhập cho người dân. Một trong những mục tiêu quan trọng của việc phát triển NTM chính là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn. Vì vậy việc phát triển các hình thức KTTT được nhiều người quan tâm.

Ông Trần Phụng cho biết: “Theo tôi, thành tựu lớn nhất của KTTT và HTX ở Bình Phước là việc các HTX kiểu cũ cơ bản đã được chuyển đổi xong theo Luật HTX năm 2003. Việc chuyển đổi khu vực KTTT đã mang lại hiệu quả xã hội khá cao, giải quyết được việc làm cho nhiều lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nghèo có đất sản xuất, tăng thu nhập, góp phần xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống các tầng lớp nhân dân”.

Để củng cố và đẩy mạnh tiến độ phát triển, đưa lĩnh vực KTTT trở thành trụ cột trong nền kinh tế quốc dân, trong thời gian tới, theo ông Trần Phụng có 2 vấn đề cốt lõi cần tập trung giải quyết: Đó là đổi mới mạnh mẽ về tư duy kinh tế hợp tác và HTX theo hướng chỉ hợp tác với nhau ở những lĩnh vực mà mỗi con người, gia đình, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp thật sự có nhu cầu. Ở lĩnh vực nông nghiệp, người nông dân cần hợp tác với nhà khoa học để được hướng dẫn, lựa chọn trồng cây gì, nuôi con gì, đào tạo tập huấn, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, hiệu quả; hợp tác với doanh nghiệp để giải quyết đầu vào và giải quyết đầu ra cho sản phẩm (chế biến, tiêu thụ, thông tin giá cả thị trường). Ở lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ cũng vậy, tìm những lĩnh vực mà thực sự con người có nhu cầu. Bên cạnh đó, đổi mới mạnh mẽ về mô hình KTTT và HTX. “Mỗi nông dân riêng lẻ chỉ vài sào, vài ha đất không thể sản xuất lớn, mà nhiều nông dân hợp tác lại với nhau thành tổ hợp tác, HTX, những nông trường, công ty lớn mới có điều kiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn được. Mỗi doanh nghiệp nhỏ lẻ không đủ vốn liếng, không có điều kiện đầu tư trang thiết bị hiện đại, mà nhiều doanh nghiệp hợp tác lại thành tập đoàn kinh tế mạnh mới đủ sức thực hiện các công trình to lớn trong tỉnh, trong nước và xuyên quốc gia” – ông Trần Phụng nói.

Bài và ảnh: Văn Việt