03:08 25/03/2014

Bình ổn thị trường, kích cầu tiêu dùng

Theo Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2014 trên địa bàn thành phố đã giảm 0,46% so với tháng trước. Lo ngại sức mua của người dân thành phố đang giảm, UBND TP Hồ Chí Minh đã tích cực triển khai chương trình bình ổn thị trường.

Theo Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2014 trên địa bàn thành phố đã giảm 0,46% so với tháng trước. Lo ngại sức mua của người dân thành phố đang giảm, UBND TP Hồ Chí Minh đã tích cực triển khai chương trình bình ổn thị trường. Hiện, nhiều ngân hàng (NH), doanh nghiệp (DN) đã lên kế hoạch tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2014 được triển khai từ 1/4/2014.


Ổn định giá, tăng nguồn hàng


Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, sau 10 năm thực hiện chương trình bình ổn thị trường, hoạt động thương mại của thành phố đã có nhiều khởi sắc. Toàn thành phố đã tổ chức được 7.800 điểm bán hàng bình ổn và 967 chuyến bán hàng lưu động đến các vùng sâu, vùng xa. “CPI giảm là do một phần chương trình bình ổn thị trường của thành phố đạt hiệu quả cao”, bà Nguyễn Thị Hồng nhận định. Tuy nhiên, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, tỏ ra lo ngại CPI tháng 3 tiếp tục giảm là do sức mua của người dân vẫn yếu. Chính vì thế, theo ông Hưng, chương trình bình ổn cần mở rộng thêm nhiều đối tượng và mặt hàng để kích cầu tiêu dùng.

 

 

Chương trình bình ổn thị trường sẽ giúp kích cầu sức mua của người tiêu dùng.

 

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND
TP Hồ Chí Minh:

Chương trình bình ổn gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm

Ngoài tăng nguồn cung đa dạng, giữ giá ổn định, việc đưa hàng bình ổn vào thị trường cũng phải đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho người thành phố. Nếu chương trình đưa được hàng vào các phòng khám, bếp ăn tập thể, phủ kín các khu công nghiệp - khu chế xuất thì chắc chắn sẽ từng bước dẹp được các điểm chợ tự phát. Đây cũng sẽ là một nhiệm vụ lớn của chương trình trong năm 2014. Nhiệm vụ này không đơn giản nhưng các DN tham gia phải cố gắng thực hiện để nâng cao hiệu quả của chương trình.

 

Ông Nguyễn Ngọc Tâm, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP phát triển nhà ĐBSCL (MHB):

Sẵn sàng hỗ trợ nguồn vốn giá rẻ cho DN

Với ý nghĩa thiết thực của chương trình bình ổn thị trường, NH MHB sẵn sàng hỗ trợ trực tiếp nhu cầu về nguồn vốn giá rẻ cho DN để ổn định sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định nền kinh tế vĩ mô. Trong năm 2013, MHB đã dành riêng 600 tỷ đồng cho các DN thành phố vay với lãi suất thấp, nâng tổng số dư nợ cho DN nhỏ và vừa vay lãi suất ưu đãi trên toàn quốc là 3.500 tỷ đồng, vượt 500 tỷ so với dự định ban đầu. Hiện MHB đang tiếp tục triển khai chương trình cho vay với lãi suất chỉ 8,5%/năm. MHB cũng đã tham gia liên tục hai năm liền vào chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo của Chính phủ, qua đó, đã cấp với 2.200 tỷ đồng cho các công ty lương thực thực hiện thu mua.

 

Bà Lê Thị Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh:

Mở rộng các đối tượng tham gia chương trình bình ổn thị trường

Ngoài số lượng các DN tham gia cung ứng và phân phối trực tiếp hàng hóa cho chương trình, các DN vệ tinh tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác đang thực hiện việc liên kết sản xuất cung ứng hàng hóa cũng sẽ được giới thiệu với các tổ chức tín dụng để xem xét vay vốn với lãi suất hợp lý. Thành phố cũng sẽ tăng cường hỗ trợ cho các HTX nông nghiệp trên địa bàn nâng cao năng lực sản xuất và cung ứng hàng hóa... Có như vậy, chương trình bình ổn mới tăng được nguồn hàng. Hiện nay, đã có hơn 350 mặt hàng thiết yếu tham gia chương trình này.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, chương trình bình ổn thị trường năm 2014 được triển khai từ ngày 1/4 tới đây. Theo đó, chương trình sẽ tiếp tục tập trung vào 4 nhóm hàng: các mặt hàng lương thực, thực phẩm; các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm học 2014 - 2015; các nhóm mặt hàng sữa; các mặt hàng dược phẩm thiết yếu. Theo kế hoạch, lượng hàng hóa bình ổn thị trường năm 2014 dự kiến sẽ tăng từ 10 - 15% so với chương trình năm 2013.


Bà Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, căn cứ vào sự thay đổi xu hướng, thị hiếu tiêu dùng của người dân và trên cơ sở đăng ký theo khả năng cung ứng của từng doanh nghiệp, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng sản lượng hàng hóa của từng nhóm mặt hàng bình ổn chiếm khoảng từ 25 - 65,4% nhu cầu thị trường. Điểm mới của chương trình bình ổn thị trường năm nay là sẽ đưa lôgô của chương trình vào các mặt hàng bình ổn nhằm nâng cao khả năng nhận diện cho người tiêu dùng trong quá trình mua sắm, qua đó góp phần tạo sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân về hiệu quả và ý nghĩa của chương trình.

Ngoài ra, chương trình cũng sẽ tập trung nâng cao khả năng sản xuất, cung ứng hàng hóa của các hợp tác xã nông nghiệp nhằm hướng tới mục tiêu các sản phẩm tham gia đều đạt chuẩn VietGAP, phù hợp với xu hướng và nhu cầu thị trường hiện nay.


Mặc dù vậy, theo các DN tham gia bình ổn giá sữa, các mặt hàng sữa đang gặp nhiều khó khăn do giá sữa nguyên liệu trên thế giới tăng khá cao. Bên cạnh đó, nguyên liệu phục vụ cho công tác sản xuất các mặt hàng phục vụ mùa khai trường như tập vở, cặp xách, giá cũng tăng bình quân khoảng 10 - 15%. Tuy nhiên, theo các DN, mặc dù giá đầu vào tăng vẫn có thể giữ được giá bán đầu ra ngang với mức giá năm 2013, bằng cách tăng cường đầu tư, hiện đại hóa quy trình tối ưu hóa sản xuất. Riêng với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, các DN đang có nhiều thuận lợi trong việc đầu tư, phát triển các vùng nguyên liệu cung ứng cho chương trình.


Tăng nguồn vốn ưu đãi


Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, hiện đã có 72 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn với tổng nguồn vốn thực hiện là 8.150 tỷ đồng, tăng 6.190 tỷ đồng so với năm 2013. Để chủ động nguồn vốn hỗ trợ, tránh phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, UBND TP Hồ Chí Minh đã kêu gọi các NH vào cuộc cho DN vay ưu đãi với lãi suất từ 6 - 10%/năm.


Đại diện NH Sacombank cho biết, NH đã dành 290 tỷ đồng cho 6 DN tham gia bình ổn thị trường vay ưu đãi với lãi suất 6% đối với các khoản vay ngắn hạn và từ 11% đối với cho vay trung - dài hạn. Sáu DN này, gồm: Công ty TNHH Ba Huân, Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Nutifood, Công ty cổ phần giấy Phùng Vĩnh Hưng, Công ty TNHH San Hà, Công ty TNHH Phạm Tôn và Công ty cổ phần phát triển nông nghiệp Thanh niên xung phong. Bên cạnh đó, Sacombank cũng dành nguồn vốn ưu đãi để các nhà cung ứng cho DN bình ổn cũng được vay vốn với lãi suất từ 7 - 8%/năm.


Là một trong những đơn vị chính tham gia chương trình, ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết năm nay, Saigon Co.op vẫn tham gia bình ổn 9 nhóm hàng như các năm vừa qua: Gạo - nếp, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản. Bên cạnh đó, các hệ thống Co.opmart, Co.op Food, Co.opXtra cũng đưa vào kinh doanh các mặt hàng của những nhà cung cấp tham gia chương trình, như: các sản phẩm sữa Vinamilk và Nutifood, mì ăn liền của Vifon, thủy sản đông lạnh của Phú Cường, nước mắm của Liên Thành, cá hộp của Seapemex... Còn theo Công ty may túi xách Hương Mi (Hami), hiện Hami đã dự trữ được hơn 50% nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất các mặt hàng cặp sách phục vụ mùa khai trường. Chính vì thế, giá bán của Hami sẽ không tăng so với mùa khai trường năm 2013.

Trong khi đó, ông Trương Chí Thiện, Giám đốc công ty cổ phần Vĩnh Thành Đạt, cho biết do ảnh hưởng dịch cúm gia cầm nên mặt hàng trứng gia cầm có thể bị “sốt” giá. Vì vậy, đơn vị đã tăng tổng đàn vịt đẻ lên 50.000 con để đưa tỷ lệ trứng vịt tự cung ứng cho thị trường lên 50%. Đối với mặt hàng trứng gà công nghiệp, năm 2014, công ty đã hoàn thành việc liên kết với đối tác để nâng tỷ lệ sản xuất và cung ứng trứng đạt 100%, chấm dứt việc đi thu gom trứng từ nguồn bên ngoài, đảm bảo đủ lượng hàng cung ứng cho chương trình bình ổn nói riêng và thị trường nói chung.

 

Hải Yên