10:21 11/10/2019

Bình Định xử lý nghiêm các ngư dân vi phạm lãnh hải nước ngoài

Chiều 11/10, Đoàn công tác Ủy ban khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Định về tình hình thi hành Luật Thủy sản 2017 tại Bình Định.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi làm việc. 

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định Phan Trọng Hổ cho biết: Từ đầu năm 2019 đến nay, Bình Định có 17 tàu cá cùng 119 thuyền viên vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài bị bắt giữ và xử lý. Bên cạnh đó, có 52 trường hợp vi phạm bị cảnh báo qua hệ thống giám sát vệ tinh Movimar. UBND tỉnh Bình Định đã quyết định xử phạt hành chính 7 tàu vi phạm khai thác vùng nước ngoài, mỗi tàu bị phạt 85 triệu đồng; đồng thời, thu hồi vĩnh viễn giấy phép khai thác thủy sản của toàn bộ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, các địa phương tổ chức kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan đến tàu cá bị nước ngoài bắt giữ; công bố danh sách tàu cá vi phạm trên phương tiện thông tin truyền thông để răn đe, cảnh báo cho ngư dân.

Đến nay, Bình Định đã lắp đặt 424 thiết bị giám sát hành trình Movimar cho tàu cá, trong đó 70 tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên; 354 tàu cá có chiều dài từ 15 - 24 m đã được lắp đặt thiết bị hành trình. Theo lộ trình, 1.384 tàu (có chiều dài từ 15 - 24m) làm nghề câu cá ngừ và lưới kéo phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước ngày 1/1/2020; 1.566 tàu (có chiều dài từ 15 - 24 m làm nghề khai thác khác phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước ngày 1/4/2020. Việc kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất nhập bến tại cảng cá được quản lý chặt; kịp thời cấp giấy xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản.

Để thúc đẩy tháo gỡ thẻ vàng IUU, lực lượng liên ngành tỉnh Bình Định phối hợp, tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác thủy sản trên biển; phát hiện, ngăn chặn các tàu cá có dấu hiệu vi phạm khai thác bất hợp pháp trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Phan Trọng Hổ, tình hình tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài còn nhiều và đang diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu dừng lại, chủ yếu là nhóm tàu hoạt động ở vùng biển phía Nam, không về địa phương nên khó khăn trong công tác quản lý tàu thuyền và xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, công tác thu thập chứng cứ để xử lý vi phạm cũng gặp nhiều khó khăn bởi khi tàu cá vi phạm cơ quan chức năng tỉnh chỉ nhận được thông báo của nước sở tại qua đường ngoại giao, cơ quan thực hiện xử lý không có biên bản vụ việc. Việc thực hiện các quy định của Luật Thủy sản và các văn bản dưới luật tại các địa phương trong cả nước chưa đồng bộ, tạo ra sự khó khăn trong công tác triển khai luật.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu đề nghị Đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị Chính phủ tăng cường các lực lượng chấp pháp trên biển như kiểm ngư, cảnh sát biển, hải quân tuần tra, kiểm soát góp phần ngăn chặn tàu cá Việt Nam có ý định xâm phạm lãnh hải nước ngoài, đồng thời, ngăn chặn tàu nước ngoài xâm phạm trái phép vùng biển Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tăng cường đàm phán hợp tác khai thác hải sản với các nước trong khu vực, tạo điều kiện để mở rộng ngư trường đánh bắt hải sản cho ngư dân khai thác hợp pháp. Thiết lập đường dây nóng để xử lý các vụ việc tàu cá bị bắt giữ giữa các nước trong khu vực, có phương án bảo vệ ngư dân, không để các đối tượng môi giới lợi dụng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có ý kiến về việc đề nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp cảng cá tại Tam Quan từ cảng cá loại 2 qua nhóm cảng loại 1, đồng thời, quan tâm đầu tư nâng cấp mở rộng cảng cá Tam Quan vì quá tải nghiêm trọng.

Kết luận tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá cao việc thi hành Luật Thủy sản 2017 tại Bình Định, nhất là sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền tỉnh Bình Định về thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Tuy nhiên, nên đánh giá tổng kết tìm nguyên nhân vì sao chính quyền và ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhưng tình trạng ngư dân vi phạm khai thác trái phép vùng biển nước ngoài vẫn không giảm và diễn biến ngày càng phức tạp. Tỉnh Bình Định cần tăng cường quản lý nhà nước về thủy sản; triển khai đầy đủ các nội dung của Luật Thủy sản 2017; quan tâm đầu tư các cảng cá loại 2 thuộc quản lý của tỉnh; đồng thời, tính toán lại giá dịch vụ tại các cảng cá để đảm bảo nguồn thu phục vụ sự phát triển.

Cùng ngày, Đoàn công tác Ủy ban khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã khảo sát việc thi hành Luật Thủy sản tại cảng cá Quy Nhơn (thành phố Quy Nhơn). Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đánh giá cảng cá Quy Nhơn thuộc cảng cá loại 1, tuy nhiên các tiêu chí về diện tích, độ sâu và phương tiện cơ giới chưa đạt theo quy định; trang thiết bị cơ giới hầu như chưa được đầu tư; xử lý vệ sinh môi trường tại cảng cá cũng chưa đảm bảo. Cảng cá Quy Nhơn cũng thường xuyên bị quá tải vì lượng tàu thuyền cập bến ngày càng nhiều, trong khi nguồn thu không đủ chi phí dẫn đến nguồn lực để tái đầu tư không có. Đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã ghi nhận những khó khăn, kiến nghị của đơn vị và sẽ có những đề nghị lên cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.

Tin, ảnh: Nguyên Linh (TTXVN)