08:23 09/08/2018

Bình Định chưa quyết liệt khắc phục 'thẻ vàng' IUU:

Ngày 9/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Trần Châu phê bình Chủ tịch UBND huyện Phù Cát vì không triển khai thực hiện việc chống khai thác đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không quản lý (IUU) theo cảnh báo của Liên minh châu Âu – EU.

Chú thích ảnh
Tàu cá của ngư dân Hoài Nhơn cập bến cá Tam Quan để tiêu thụ sản phẩm cá ngừ đại dương. Ảnh: baobinhdinh.com.vn

Ông Châu cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, huyện Phù Cát là địa phương có nhiều tàu thuyền xâm phạm vùng biển nước khác để khai thác hải sản nhất. Thực tế này gây ảnh hưởng lớn đến nỗ lực khắc phục "thẻ vàng" của EU đối với thủy sản Việt Nam.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, ông Phan Trọng Hổ cho biết: Trong quá trình khắc phục thẻ vàng của EU đối với thủy sản Việt Nam, huyện Phù Cát là huyện 3 chưa: chưa triển khai, chưa xử lý và chưa tổ chức ký kết với các chủ tàu, thuyền trưởng.

Huyện Phù Mỹ cũng được ông Trần Châu nhắc nhở vì không quyết liệt ngăn chặn ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cũng bị phê bình vì không triển khai kiểm tra quyết liệt, thường xuyên những hoạt động này của các địa phương để báo cáo.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, từ đầu năm đến nay đã có 13 tàu thuyền mang số hiệu tỉnh Bình Định xâm phạm vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, trong số này chỉ có 1 tàu thường xuyên hoạt động tại Bình Định, xuất bến, cập bến từ các cảng cá tại Bình Định. 12 tàu thuyền còn lại đều hoạt động ở các tỉnh, thành khác. Có trường hợp, tàu thuyền đã được bán cho ngư dân tỉnh khác hoặc đã hoạt động từ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu từ năm 1998 đến nay nhưng vì vẫn mang số hiệu tàu cá của Bình Định nên vẫn được tính là ngư dân Bình Định xâm phạm lãnh hải nước ngoài.

Các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định cho rằng, việc ngăn chặn tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp trên vùng biển nước khác của ngư dân đang gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất, vì nguồn lợi lớn, các tàu thuyền xâm phạm vùng biển nước khác thường là tàu thuyền cũ kỹ, chỉ cần một, hai chuyến đi trót lọt thì lợi nhuận có thể đủ mua sắm tàu mới, nên ngư dân làm liều. Thứ hai, hầu hết các tàu bị các nước trong khu vực bắt giữ, quanh năm hoạt động ở ngư trường ngoài tỉnh và cập bến ở các tỉnh phía Nam là chính nên tỉnh Bình Định không quản lý được. Bên cạnh đó, các chế tài hiện nay chưa đủ sức để ngăn chặn triệt để tình trạng này.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, ông Phan Trọng Hổ nói, từ nay đến 1/1/2019, EU sẽ tiếp tục kiểm tra đối với các cảng cá của Việt Nam, địa điểm cụ thể sẽ do đoàn kỹ thuật của họ chọn. Do vậy, nếu không triển khai quyết liệt việc ngăn chặn tình trạng khai thác bất hợp pháp, không quản lý, không khai báo thì sẽ khó khắc phục "thẻ vàng", hoặc có thể nặng hơn là sẽ bị phạt "thẻ đỏ".

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu đã yêu cầu các ngành, cơ quan chức năng của tỉnh Bình Định triển khai ngay và quyết liệt hơn nữa các giải pháp để khắc phục "thẻ vàng" thủy sản của EU. Bộ đội Biên phòng, Chi cục Thủy sản, các cảng cá thành lập ngay các tổ liên ngành hoạt động 24/24h, quản lý tất cả các tàu thuyền xuất, cập bến tại các cảng trên địa bàn; phải ký kết không xâm phạm vùng biển nước khác trước khi xuất bến; cấm tắt máy định vị tầm xa...

Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền mạnh đến các chủ tàu, thuyền trưởng và những người liên quan đến khai thác hải sản xa bờ về Luật Thủy sản, về IUU...; xử phạt thật nặng và cấm hoạt động tất cả những lĩnh vực liên quan đến nghề cá đối với những chủ tàu, thuyền trưởng xâm phạm vùng biển nước khác để khai thác hải sản.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định và Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định tham mưu để UBND tỉnh Bình Định xử lý ngay các hoạt động nghề giã cào. Mới đây, khi EU tổ chức kiểm tra việc quản lý tàu thuyền, nguồn gốc hải sản khai thác tại cảng cá Quy Nhơn thì đã có 2 tàu thuyền hành nghề giã cào cập bến mà không khai báo.

Phạm Kha (TTXVN)