08:17 13/08/2019

Biểu tình trước các đại sứ quán Brazil để phản đối nạn chặt phá rừng Amazon

Ngày 13/8, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra trước các Đại sứ quán Brazil ở nhiều nơi trên thế giới để phản đối nạn chặt phá rừng Amazon và những hành động mà họ gọi là bạo lực chống lại người bản địa sống tại đây.

Chú thích ảnh
 Khoảng rừng Amazon bị chặt phá tại bang Para, Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại thủ đô London của Anh, nhóm biểu tình Extinction Rebellion (Chống lại sự tuyệt diệt) đã bôi sơn màu đỏ vào tòa đại sứ Brazil. Theo nhóm này, đây là hành động nhằm phản đối Chính phủ Brazil về "tình trạng lạm dụng các quyền con người và phá hoại môi trường sinh thái" tại rừng mưa Amazon.

Nhóm Extinction Rebellion cho biết cuộc biểu tình này trùng với một cuộc tuần hành của các phụ nữ người bản địa ở Brasilia, Brazil và các hành động phản đối tương tự tại các đại sứ quán của Brazil ở các nước Chile, Bồ Đào Nha, Pháp, Switzerland và Tây Ban Nha.

Đại sứ quán Brazil tại London hiện chưa bình luận gì về sự việc.

Các cuộc biểu tình nổ ra sau khi số liệu chính thức do Viện Nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (INPE) vừa công bố cho biết trong tháng 7 vừa qua, diện tích rừng mưa Amazon bị chặt phá tại Brazil cao gấp 4 lần so với cùng thời điểm năm 2018. Chỉ tính riêng trong tháng này, diện tích rừng "biến mất" là 2.254 km2, tăng 278% so với diện tích 596,6 km2 rừng bị chặt phá hồi tháng 7/2018.

Đây là những con số đáng báo động khi trong tháng 6/2019, diện tích rừng bị chặt phá so với cùng kỳ năm 2018 mới chỉ tăng 88%. Dữ liệu cũng cho thấy chỉ trong vòng 12 tháng qua đã có 6.833 km2 diện tích rừng bị biến mất, tăng 40% so với một năm trước đó.

Brazil là quốc gia sở hữu diện tích "lá phổi xanh" của Trái Đất lớn nhất thế giới, nhưng cũng là nước mất nhiều rừng nhất năm 2018 với gần 16.187 km2. Nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng phá rừng để chăn nuôi gia súc, trồng đậu nành hay khai mỏ.

Rừng mưa Amazon có diện tích 7 triệu km2, chiếm 60% lãnh thổ Brazil và trải dài trên lãnh thổ 8 nước gồm Brazil, Peru, Bolivia, Ecuador, Colombia, Venezuela, Guyana và Suriname. Đây là bể chứa khí carbon lớn nhất thế giới và được xem là "tấm khiên sống" bảo vệ Trái Đất trước sự nóng lên toàn cầu. Theo số liệu thống kê, hơn 40.000 loài thực vật, 1.300 loài chim và hơn 4.200 loài động vật hiện đang sinh sống tại phần rừng nhiệt đới Amazon nằm trên lãnh thổ của Brazil.

Bích Liên (TTXVN)