06:17 01/06/2020

Biểu tình chống nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ lan sang New Zealand

Hiệu ứng từ các cuộc biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc trên toàn nước Mỹ đã lan sang Nam bán cầu khi trong ngày 1/6, hàng nghìn người biểu tình đã xuống đường tuần hành tại nhiều thành phố của New Zealand.

Chú thích ảnh
Người biểu tình biểu tình chống lại vụ giết George Floyd ở Auckland, New Zealand, ngày 1/6. Ảnh: Michael Bradley/AFP/Getty Images

Trái ngược với các cuộc biểu tình bạo lực kéo dài nhiều ngày qua tại Mỹ xuất phát từ vụ công dân người Mỹ gốc Phi George Floyd tử vong sau khi bị cảnh sát Mỹ bắt giữ, các cuộc tuần hành tại New Zealand diễn ra trong hòa bình. Tại thành phố Auckland, khoảng 2.000 người đã tuần hành trước Lãnh sự quán Mỹ hô vang các khẩu hiệu "Không có công lý, không hòa bình" và kêu gọi quan tâm tới cuộc sống của người da màu. Khoảng 500 người cũng đã xuống đường biểu tình tại thành phố Christchurch, trong khi một đám đông lớn khác dự kiến sẽ tiến hành lễ thắp nến cầu nguyện bên ngoài các tòa nhà quốc hội ở thủ đô Wellington. 

Phát biểu trước đám đông biểu tình, nhạc sĩ người New Zealand gốc Nigeria Mazbou Q, cho biết các cuộc tuần hành không chỉ bày tỏ sự phản đối sau cái chết của công dân Mỹ Floyd. Ông nhấn mạnh tình trạng ngược đãi và hành xử không đúng mực với cộng đồng người da màu là "một hiện tượng đang diễn ra" và tư tưởng "da trắng thượng đẳng" dẫn tới những vụ bức hại bất công đối với người da màu tại Mỹ cũng đang tồn tại ở New Zealand. 

Các cuộc biểu tình đã xảy ra trên toàn nước Mỹ trong nhiều ngày qua nhằm phản đối tình trạng bạo lực sắc tộc sau vụ người đàn ông da màu Floyd tử vong khi bị cảnh sát bắt ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ. Một đoạn video cho thấy một cảnh sát da trắng, được xác định là Derek Chauvin, đã đè cổ ông Floyd xuống đất bằng đầu gối trong gần 8 phút, trong khi ông này nằm sấp, bị còng tay và nói mình không thở được. Floyd tử vong không lâu sau đó tại một bệnh viện địa phương. Cảnh sát Chauvin đã bị bắt giữ với cáo buộc giết người cấp độ 3 và ngộ sát.

Vụ việc không chỉ làm dấy lên làn sóng biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc tại Mỹ mà còn một số nước như Canada, Anh và Đức. Đêm 31/5 (giờ địa phương), biểu tình biến thành bạo động tại nhiều nơi, đặc biệt tại khu vực xung quanh Nhà Trắng bất chấp lệnh giới nghiêm được đưa ra trước đó khiến lực lượng an ninh phải sử dụng các biện pháp mạnh để trấn áp. Trước tình trạng trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump trên trang Twitter liên tục kêu gọi người biểu tình tuân thủ luật pháp và trật tự, đồng thời kêu gọi các quan chức thành phố và tiểu bang "cứng rắn" với người biểu tình.

Phương Oanh (TTXVN)