Tràn ngập niềm xúc động và tự hào về tuổi trẻ dấn thân, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước là tâm trạng của hơn 350 cựu cán bộ của Đoàn Thanh niên các cơ quan Trung ương Cục miền Nam, tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, do Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Đoàn Thanh niên các Cơ quan Trung ương Cục miền Nam tổ chức ngày 12/4 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng hoa cho đại biểu.
Bồi hồi ôn lại hành trình đầy gian khổ nhưng rực rỡ hào khí của dân tộc, từ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Nguyễn Hữu Châu, Phó Chủ nhiệm Thường trực Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Đoàn Thanh niên các cơ quan Trung ương Cục miền Nam đã ôn lại những kỷ niệm đặc biệt cũng như vai trò của lực lượng đoàn viên, thanh nhiên trong chiến khu “R”. Là căn cứ địa cách mạng chiến khu Bắc Tây Ninh, chiến khu “R” là nơi tập trung 24 cơ quan và hơn 10.000 cán bộ của Trung ương Cục miền Nam, ngày đêm “trui rèn trong lửa đỏ”, sống, chiến đấu, học tập và dành cả tuổi thanh xuân cho quê hương, đất nước, góp phần đào luyện nên một thế hệ với rất nhiều gương mặt ưu tú trong cả thời chiến lẫn những năm tháng hòa bình sau này.
Đi theo tiếng gọi của Tổ quốc khi tuổi đời còn rất trẻ, có những người chỉ mới 13, 14 tuổi đã vào chiến khu “R”, sống trong môi trường khắc nghiệt, khó khăn, thiếu thốn, ngày đêm đối diện với cái chết, nhưng những đoàn viên, thanh niên ngày ấy không màng đến hy sinh, gian khổ, lấy lý tưởng phụng sự Tổ quốc làm lẽ sống. Khẩu hiệu: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên” cùng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã soi đường cho thế hệ trẻ ngày ấy bước qua mọi thử thách, góp phần vào những chiến công vang dội của dân tộc. “Chúng ta có thể tự hào khi khẳng định rằng thế hệ đoàn viên, thanh niên các cơ quan Trung ương cục miền Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Đó là những con người đã sống, chiến đấu và cống hiến hết mình trong khói lửa chiến tranh, làm nên một phần quan trọng của lịch sử dân tộc”, ông Nguyễn Hữu Châu bồi hồi chia sẻ.
Đại biểu dự lễ kỷ niệm.
Vẫn nhớ mãi một thời các đoàn quân từ khắp mọi miền Tổ quốc rầm rập về “R” với khí thế hừng hực, sẵn sàng tình nguyện, nhận mọi nhiệm vụ, bà Nguyễn Thị Đào, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cũng lên chiến khu năm 1966, khi mới 15 tuổi. Đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hành trang mang theo là tình yêu quê hương đất nước, là lòng căm thù quân giặc, bà Đào cùng biết bao thanh niên bấy giờ, sẵn sàng xung phong, vượt qua bom đạn để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. “Ngày ấy mình đối diện với cái chết hàng ngày, khi đi giao liên, tải lương thực, khi tải đạn, một quả bom rơi, đạn lạc là đồng đội anh em ngã xuống trước mắt mình. Tôi nghĩ nay đồng đội hi sinh, ngày mai đến lượt mình, mình không ngại, cứ dấn thân, không sợ chết. Chúng tôi từng nói với nhau, ước gì được sống dù chỉ một ngày trong hòa bình, để xem hòa bình như thế nào, thì đến nay, mình được sống trong không khí ấy, cứ mỗi ngày 30/4 đến là chúng tôi buồn và tiếc nhớ vô cùng những đồng đội của mình”, bà Đào nghẹn ngào.
Nhớ về một thời tuổi trẻ hào hùng, chiến sĩ tình báo, binh vận, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Thôn cũng không giấu được niềm tự hào khi hiến dâng cả tuổi trẻ phụng sự Tổ quốc. Hoạt động trong lòng địch, lấy vũ khí địch đánh địch, vị chiến sĩ tình báo ấy đã góp phần cùng đồng đội phá hủy nhiều kho vũ khí, cản bước tiến của địch. “Tôi ở sân bay Biên Hòa, bí mật đem kíp nổ đặt vào kho bom của Mỹ ngụy, làm cho nó nổ tanh banh hết. Sau đó anh em trong đơn vị bị bắt, bọn chúng lần ra tôi, đưa tôi lên Chí Hòa, ra Côn Đảo, giải phóng tôi mới về trên chuyến tàu thứ 3 của thành ủy”, anh hùng Nguyễn Văn Thôn nhớ lại.
Đại tá Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tại lễ kỷ niệm.
“Là thế hệ anh hùng của một dân tộc Việt Nam anh hùng” như lời của Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc sinh thời, đoàn viên thanh niên các cơ quan Trung ương Cục miền Nam thời chống Mỹ cứu nước đại diện cho một thế hệ trẻ hết mình phụng sự Tổ quốc, chiến đấu vì lý tưởng cách mạng, trui rèn trong lửa đạn, ngời sáng bao tấm gương cách mạng. Hơn 2.000 đoàn viên, thanh niên ngày ấy đã ngã xuống, đổi máu xương lấy hòa bình, độc lập dân tộc ngày hôm nay, để lại nỗi day dứt, nhớ thương cho những đồng đội hôm nay đã ở cái tuổi xưa nay hiếm.
Gửi lời tri ân sâu sắc đến những thế hệ đi trước, những tấm gương trực tiếp lãnh đạo đoàn thanh niên thời ấy, các bậc cha anh, những người đã hy sinh thầm lặng nhưng to lớn để dìu dắt, đào tạo lớp trẻ trưởng thành trong lửa đạn, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết xúc động chia sẻ: “Nhìn lại hơn 50 năm đã qua, lớp trẻ chúng ta có quyền tự hào và mãi mãi tự hào rằng mình đã có những năm tháng sống không hoài phí, đã hiến dâng trọn vẹn tuổi trẻ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Đó là niềm tự hào chính đáng, kiêu hãnh của thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh”.
15 năm hiến dâng tuổi thanh xuân ở chiến trường Bắc Tây Ninh và 50 năm trách nhiệm, nghĩa tình, đoàn Thanh niên các cơ quan Trung ương Cục miền Nam mãi mãi là những tấm gương ngời sáng tinh thần yêu nước, “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không để mất nước, không chịu làm nô lệ”, xứng danh Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.
Các đại biểu xem ảnh, ôn lại kỷ niệm hào hùng một thời.
Nhắc lại câu nói bất hủ của Lênin: “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn”, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết mong muốn các thế hệ hôm nay cần luôn kiên định, giữ vững thành quả cách mạng, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng để đưa đất nước tiến lên, đồng thời luôn ghi nhớ, biết ơn sự hy sinh xương máu của các thế hệ đi trước, là nguồn cội, hành trang cho chặng đường tiến tới tương lai.