02:00 28/02/2014

"Biệt đội chó dù” trong Thế chiến II - Kỳ cuối

Rồi ngày quyết định cũng đã đến, ngày D-Day, 6/6/1944, khi quân đồng minh tiến hành cuộc đổ bộ vào Normandy mang mật danh “Chiến dịch Overlord”.

Rồi ngày quyết định cũng đã đến, ngày D-Day, 6/6/1944, khi quân đồng minh tiến hành cuộc đổ bộ vào Normandy mang mật danh “Chiến dịch Overlord”. Đây được xem là cuộc đổ bộ lớn nhất trong lịch sử chiến tranh hiện đại, với sự tham gia của hơn 150.000 quân Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Ba Lan...

Lính dù quân đồng minh đổ bộ xuống Normandy ngày 6/6/1944.


Đối với Tiểu đoàn dù 13, công việc được tiến hành từ đêm ngày 5/6. Ba máy bay cất cánh lúc 23 giờ 30 phút, mỗi chiếc chở theo 20 lính dù và một “chiến sĩ đặc biệt” hướng về đất Pháp. Khoảng 1 giờ 10 phút sáng ngày 6/6, các máy bay đã đến Normandy. Mọi thứ dường như diễn ra khá hoàn hảo đối với các “lính dù đặc biệt”, nhưng đến khi chuẩn bị bật dù thì rắc rối xuất hiện. Các máy bay bị những làn đạn vọt lên từ dưới đất bủa vây, tiếng nổ đùng đoàng, âm thanh hỗn loạn, hỏa lực quân Đức như muốn xé toạc bầu trời. Bailey ngồi cùng chiếc máy bay với Bing, là những người nhảy cuối cùng. Khi Bailey bật nhảy, thì kì lạ thay, chú “lính dù” bốn chân kia cứ nhìn quanh, ngồi thu lu trên sàn. Theo lời kể của binh sĩ điều phối, họ đã phải ra lệnh bằng đài, ôm Bing và cuối cùng là dường như phải đẩy nó ra khỏi khoang máy bay. Nhưng chuyện chưa dừng ở đó. Điều tệ hơn là cú nhảy của Bing đã không suôn sẻ như lúc tập. Ngay trước khi tiếp đất, dù của Bing đã bị vướng vào cành cây. Sau hai tiếng, một lính dù khác mới có thể đến giải cứu Bing, lúc này đã bị hai vết xước trên mặt, có vẻ như do đạn của quân Đức gây ra.

Bing tại buổi lễ nhận huân chương Dicken.


Nhưng cũng kể từ đây, Bing và hai “đồng nghiệp” Ranee và Monty đã thực sự phát huy hiệu quả, nhất là trong việc xác định bãi mìn, bẫy mìn. Chúng đánh hơi trong vài giây, ngồi xuống, ngoái lại phía sĩ quan chỉ huy với bộ dạng đắc thắng - như là cách ra dấu, trao tín hiệu. Không chỉ vậy, bộ ba này còn giúp xác định điểm đóng quân của quân Đức, gián tiếp giúp cứu mạng nhiều quân đồng minh.


Thế nhưng, ngoài việc là những chiến binh quả cảm cứu mạng nhiều người, thì chúng cũng trở thành nạn nhân. Monty bị thương nặng đúng ngày D-Day, Ranee bị mất dấu chỉ ít lâu sau khi đáp xuống Normandy và không bao giờ trở lại. Bing sống sót và thậm chí còn có dịp tham gia Chiến dịch Varsity, với hơn 30.000 lính dù đồng minh đổ bộ vào lãnh thổ nước Đức. Tại đây, Bing nhận nhiệm vụ cảm tử do thám một căn nhà. Khi tiến lại gần, chú phát hiện ra dấu vết của quân Đức, tìm cách ra hiệu cho viên sĩ quan chỉ huy. Ngôi nhà bị bao vây, tên tù binh người Đức bị bắt, Bing một lần nữa trở thành người hùng.

Lính dù Anh chụp ảnh bên cạnh tượng của Bing.


Chiến tranh kết thúc, Bing được trao lại cho người chủ cũ là Betty Fetch. Ngày 26/4/1947, Bing được nhận huân chương Dicken, huân chương cao quý nhất của Anh giành cho động vật, vì đã “thể hiện lòng quả cảm đáng kính, sự quên mình vì nhiệm vụ”. Nhưng đó chưa phải là phần thưởng duy nhất. Khi Bing chết năm 1955, cựu “lính dù” đặc biệt đã được chôn cất trong một nghĩa trang tôn vinh các loài động vật ở đông bắc London. Trên bia mộ của chú chó dũng cảm này có ghi dòng chữ: “Vì sự quên mình cho chiến dịch Overlord và chiến dịch Varsity đã cứu nhiều mạng người”. Ngày nay, du khách đến Bảo tàng Trung đoàn dù và kị binh bay ở Duxford có thể tìm thấy bức tượng của Bing bằng sáp, khoác trên mình bộ cánh dù, bên cạnh là huân chương Dicken cao quý. Năm 2006, tấm huân chương Dicken của Bing được đem ra bán đấu giá và một nhà sưu tập đã mua lại nó với giá 15.000 bảng.


Cho đến nay, những cựu binh của Tiểu đoàn dù 13 vẫn coi Bing, Ranee và Monty là những “đồng đội” thực sự của mình. Cựu binh Sir Peter, 89 tuổi, nhớ lại: “Như những lính dù khác, chúng sẽ làm bật tung chiếc dây thừng buộc dù khi nhảy. Cùng làm nhiệm vụ với các chú chó khiến chúng tôi cảm thấy an toàn hơn. Bing và Monty đã cứu mạng nhiều binh sĩ trong trận chiến Normandy”.


Hoài Thanh