12:10 03/12/2021

Biến thể Omicron – Hồi chuông cảnh báo cho tỉ lệ tiêm chủng thấp ở châu Á

Sự xuất hiện của Omicron đã làm nổi bật hệ quả của bất bình đẳng vaccine trên toàn cầu. Các chuyên gia cho rằng biến thể mới này cũng là hồi chuông cảnh báo cho những quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng thấp ở châu Á. 

Chú thích ảnh
Chỉ 35% dân số Indonesia được tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ. Ảnh: Reuters 

Theo tờ Straitstimes, châu Phi chỉ có 10,4% dân số đã được tiêm một mũi vaccine. Trong khi đó, 64% dân số ở Bắc Mỹ và 62% dân số châu Âu đã đươc tiêm chủng đầy đủ. Còn tại châu Á, tỉ lệ tiêm chủng dù đã bứt tốc nhưng vẫn ở mức thấp.

Trong khi đó, các nhà khoa học cảnh báo số lượng lớn dân số chưa được tiêm chủng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho virus đột biến và phát triển, tạo ra một biến thể mới tương tự Omicron. Các nhà phân tích và nhà dịch tễ học châu Phi đã rất phẫn nộ khi lục địa của họ bị “bỏ lại phía sau” trong chương trình tiêm chủng và phải hứng chịu hậu quả nghiêm trọng như hiện tại.

Trước tình hình này, giới khoa học cảnh báo sự xuất hiện của biến thể Omicron cũng là bài học để những quốc gia châu Á tránh mắc phải sai lầm tương tự khi vẫn còn số lượng lớn người dân chưa tiêm chủng.

Dù đã đạt được bước tiến tích cực trong nỗ lực tiêm chủng cho người dân, nhưng khả năng tiếp cận vaccine ở một số quốc gia châu Á vẫn rất hạn chế. Hầu hết các nước trong khu vực đều triển khai vaccine tương đối muộn, phần lớn là do khả năng sản xuất vaccine còn hạn chế, những thách thức về hậu cần và sự chậm trễ trong việc chuyển giao vaccine. 

Myanmar là một trong những quốc gia cần được quan tâm trong bối cảnh nền kinh tế của nước này trên đà suy thoái. Tính đến nay, Myanmar mới tiêm chủng đầy đủ cho 20% dân số. 

Các chuyên gia cho biết tình hình ở Indonesia và Ấn Độ cũng rất đáng lo ngại. Bà Laurie Garrett, nhà văn khoa học từng đoạt giải Pulitzer, người đã viết sách về đại dịch, chia sẻ: “Tôi lo lắng cho Ấn Độ và Indonesia”. 

Theo công cụ theo dõi tiêm chủng trên thế giới của The New York Times, tại Ấn Độ, chỉ có 32% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Con số này ở Indonesia là 35% và Myanma là 19%.

Chú thích ảnh
Các nhân viên y tế  ở Chennai, Ấn Độ đến tận nhà tiêm chủng cho người dân. Ảnh: AFP

Bà Laurie cho biết Trung Quốc và Ấn Độ chủ yếu dựa vào vaccine nội địa để phòng dịch. Trong khi đó, Indonesia phải phụ thuộc vào các lô vaccine được viện trợ và lượng đặt mua ít ỏi. Quốc gia này cũng đang gặp nhiều thách thức trong việc phân phối vaccine cho người dân ở các hòn đảo xa xôi. 

Nhìn vào châu Phi, Tiến sĩ Mohga Kamal-Yanni, cố vấn tại Liên minh Vaccine Nhân dân, cho biết tình trạng thiếu hụt vaccine ở phần lớn khu vực này là do chính con người gây ra. 

Vào đầu năm 2021, các quốc gia giàu có đã gây áp lực buộc các công ty dược phẩm chia sẻ bí quyết và công nghệ sản xuất vaccine cho một hệ thống của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Hệ thống này được thành lập để các công ty dược phẩm lớn ở khu vực Nam Á – bao gồm Ấn Độ, Indonesia và một số các quốc gia khác – sản xuất vaccine, giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung của thế giới. Tuy nhiên, nhiều quốc gia vẫn bị bỏ lại phía sau với tỉ lệ tiêm chủng chậm chạp. Trong khi đó, sự xuất hiện của biến thể Omicron là điều không ai mong đợi. 

“Virus liên tục đột biến. Và môi trường lý tưởng nhất khiến virus sinh sôi là môi trường có cả những người đã tiêm vaccine và những người chưa tiêm chủng. Song, đây không hẳn là một tình huống không thể tránh khỏi. Tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi xem bản đồ tiêm chủng của thế giới. Châu Phi giống như lục địa bị lãng quên”, Tiến sĩ Yanni nói.

Theo Our World in Data, các quốc gia giàu có chỉ cung cấp 14% trong số 1,7 tỷ liều vaccine cam kết phân phối cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình tính cho đến tháng 9/2022. Trong khi đó, theo công cụ theo dõi của The New York Times, có tới 74% liều vaccine đã được phân phối cho người dân ở các quốc gia có thu nhập cao và trung bình. Chỉ 0,7% được phân phối cho các nước thu nhập thấp. 

Tiến sĩ Richard Hatchett, Giám đốc điều hành Liên hiệp đổi mới phòng chống dịch bệnh CEPI, một đối tác toàn cầu đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình sản xuất và phân phối vaccine, nhận định rằng sự xuất hiện của biến thể Omicron phù hợp với những dự đoán của các nhà khoa học cho rằng virus liên tục đột biến và lây lan ở những khu vực có khả năng tiếp cận vaccine còn hạn chế.  

“Sau khi tiêm phòng đầy đủ cho ít hơn 1/4 dân số của mình, Botswana và Nam Phi đã tạo ra một môi trường màu mỡ cho sự tiến hóa của virus. Virus là một kẻ cơ hội, tàn nhẫn và sự bất bình đẳng giờ đã trở thành nguyên nhân của sự xuất hiện biến thể mới”, ông nói.

Chú thích ảnh
Các nghiên cứu đang được tiến hành ở Nam Phi để hiểu rõ hơn về cấu tạo gien của biến thể mới. Ảnh: Reuters

Tiến sĩ Ayoade Alakija, đồng Chủ tịch của Liên minh phân phối vaccine châu Phi, cho rằng sự xuất hiện của biến thể mới là điều không thể tránh khỏi. Ông cho rằng đây là hậu quả của việc thế giới không tiêm chủng một cách công bằng, khẩn cấp và nhanh chóng. Đó là hệ quả của hành động tích trữ vaccine của những nước thu nhập cao trên thế giới.

Trên Tạp chí Y khoa Anh tuần trước, Tiến sĩ Ayoade cũng cảnh báo: “Nếu chúng ta không giải quyết được tình trạng bất bình đẳng sức khỏe toàn cầu, thế giới sẽ phải đối mặt với đại dịch tiếp theo và chúng ta sẽ không thể thoát khỏi chu kỳ này”.

Hôm 29/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết chuyển trực tiếp 600 triệu liều vaccine và cử 1.500 chuyên gia y tế tới châu Phi. Trung Quốc đã hứa sẽ cung cấp 1 tỉ liều vaccine cho lục địa này, 400 triệu liều còn lại sẽ được cung cấp qua các kênh khác như hợp tác sản xuất giữa doanh nghiệp Trung Quốc và các nước châu Phi. 

“Chúng ta cần đặt con người và cuộc sống của người dân lên hàng đầu, dựa trên những định hướng khoa học, hỗ trợ từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19 và đảm bảo khả năng tiếp cận và khả năng thanh toán cho lô vaccine ở châu Phi để thu hẹp khoảng cách tiêm chủng”, ông Tập nói tạiDiễn đàn về Hợp tác Trung Quốc-Châu Phi.

Trước đó, hồi tháng 9, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã cam kết cung cấp 1,1 tỉ liều vaccine cho các quốc gia khác trong năm tới. Theo một nghiên cứu, trong khi các quốc gia có thu nhập cao đã mua được hơn 7 tỷ liều vaccine, các quốc gia có thu nhập thấp chỉ có thể mua được khoảng 300 triệu liều.

“Việc phân phối vaccine không đồng đều không chỉ tạo bất công cho người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, những người có nguy cơ mắc bệnh và lây lan COVID-19 cao, mà còn tạo ra khả năng phát triển các biến thể mới, một số trong số đó có thể kháng lại các loại vaccine hiện có”, Liên minh Y tá toàn cầu và Tiến bộ quốc tế cảnh báo.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Straitstimes)