11:14 30/11/2021

Biến thể Omicron dường như gây bệnh nhẹ hơn - cách COVID-19 chuyển sang bệnh đặc hữu?

COVID-19 sẽ trở nên ít nghiêm trọng hơn khi nó chuyển sang cấp độ bệnh đặc hữu. Các nhà khoa học cho rằng biến thể Omicron có thể là bước đầu tiên trong quá trình này.

Chú thích ảnh
Biến thể Omicron được cho là lây lan nhanh hơn Delta nhưng bệnh nhân ở Nam Phi lại có triệu chứng rất nhẹ. 

Đây mới là những ngày đầu thế giới hiểu về biến thể Omicron. Những gì chúng ta đã biết là biến thể này có một lượng lớn các đột biến, đặc biệt là ở protein gai và nó dường như đang lan truyền nhanh chóng ở một số khu vực trên thế giới.

Nhưng những dấu hiệu sớm từ châu Phi cho thấy biến thể Omicron không gây ra bệnh đặc biệt nghiêm trọng (mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo cần thận trọng với những dữ liệu còn hạn chế hiện tại). Và tại thời điểm này, vẫn chưa rõ liệu Omicron có khả năng tránh vaccine lớn hơn các biến thể khác như Delta hay không. 

Việc virus trở nên kém độc lực hơn (tức là ít khả năng gây bệnh nặng hơn) là rất phổ biến khi chúng đã hiện diện rộng rãi trong một quần thể. Một ví dụ điển hình là bệnh myxomatosis (nấm da ở thỏ) đã giết chết 99% thỏ nhiễm bệnh khi lần đầu tiên lây nhiễm ở Australia, nhưng hiện tại bệnh này gây tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều.

Một số chuyên gia đã dự đoán COVID-19 cũng sẽ trở nên ít nghiêm trọng hơn khi nó chuyển sang cấp độ bệnh đặc hữu, tức là mô hình bệnh xuất hiện phổ biến, liên tục có thể dự đoán được ở một khu vực địa lý nhất định. Các nhà khoa học cho rằng biến thể Omicron có thể là bước đầu tiên trong quá trình này.

Tại sao một số biến thể trở nên thống trị?

Sinh học tiến hóa cho thấy các biến thể có nhiều khả năng phát triển hơn nếu chúng lây lan nhanh hơn trong cộng đồng người so với các chủng hiện tại. Điều này nói lên hai điều: Thứ nhất, các chủng có hệ số R (hệ số lây nhiễm cơ bản - tức là số người trung bình mà một người nhiễm virus có khả năng lây nhiễm cho) sẽ thay thế các chủng có hệ số R thấp hơn; Thứ hai, những chủng khiến vật chủ có khả năng lây nhiễm nhanh hơn sẽ thay thế những chủng có khả năng lây nhiễm chậm hơn. Điều này xảy ra với biến thể Delta, vốn có thời gian ủ bệnh ngắn hơn so với các chủng trước đó.

Sự tiến hóa của chủng virus cần được xem xét trong quần thể cụ thể mà biến thể xuất hiện. Diễn tiến của dịch bệnh sẽ khác nhau ở nhóm dân số có mức độ tiêm chủng thấp so với nhóm có mức độ tiêm chủng cao hơn.

Ở một nơi phần lớn dân số chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19 như Nam Phi, với chỉ khoảng 25% dân số đã được tiêm chủng, và biến thể Omicron lần đầu tiên được phát hiện, các chủng có hệ số R cao sẽ có cơ hội tiến hóa tốt hơn. Nhưng trong một quần thể có tỉ lệ tiêm chủng cao, các chủng có khả năng tránh vaccine tốt hơn sẽ có nhiều khả năng chiếm ưu thế hơn, ngay cả khi chúng có hệ số R thấp hơn ở những người chưa tiêm chủng.

Chú thích ảnh
Đeo khẩu trang và kính chống giọt bắn vẫn là một trong những biện pháp phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 cần thiết.

Các triệu chứng nhẹ có thể thúc đẩy virus lây lan 

Từ thực tế trên, một câu hỏi đặt ra là liệu có khả năng một biến thể với các triệu chứng COVID-19 ít nghiêm trọng hơn sẽ phát triển mạnh hay không? Câu trả lời thực sự phụ thuộc vào sự cân bằng giữa các triệu chứng và khả năng lây truyền.

Nếu các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn, người dân sẽ ít muốn đi xét nghiệm hơn và do đó ít có khả năng bị cách ly hơn. Một số người có thể không tự nhận ra họ mắc COVID-19. Dó đó, một chủng có độc lực thấp (tức là ít có khả năng gây ra triệu chứng nghiêm trọng hơn) lại có thể có khả năng lây truyền cho nhiều người hơn so với các chủng có độc lực cao.

Mặt khác, giống như trường hợp của biến thể Delta, một số biến thể có thể gây ra nhiễm virus máu (viraemia) cao hơn những biến thể khác – có nghĩa là tải lượng virus trong cơ thể người bị nhiễm cao hơn.

Càng có nhiều virus, người đó càng có nhiều khả năng truyền bệnh thành công hơn. Điều này là do mối quan hệ giữa liều lượng và phản ứng – liều gây nhiễm càng cao thì khả năng nhiễm virus cũng càng cao.

Người ta vẫn chưa hiểu tại sao biến thể Omicron dường như có khả năng lây truyền cao, ít nhất là trong bối cảnh ở châu Phi, vì vậy ở giai đoạn này, chúng ta cũng không biết liệu nó có tạo ra mức virus máu cao hơn các chủng khác hay không. Lây truyền virus là một quá trình nhiều giai đoạn phức tạp, vì vậy nhiều yếu tố có thể là nguyên nhân dẫn đến tốc độ lây truyền cao của biến thể Omicron.

Điều gì xảy ra tiếp theo vẫn chưa được xác định. Các chuyên gia sẽ tìm kiếm thêm thông tin về khả năng lây truyền của Omicron, mức độ virus máu mà nó tạo ra và khả năng tránh được các loại vaccine hiện có hoặc tránh các phản ứng miễn dịch của cơ thể do đã nhiễm virus trước đó.

Biến thể Omicron có thể hoạt động khá khác biệt ở một nhóm dân số được tiêm chủng cao - chẳng hạn như ở Australia - so với nhóm dân số có mức độ tiêm phòng rất thấp như hầu hết các quốc gia vùng cận Sahara ở châu Phi. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể mới này càng nhấn mạnh rằng nỗ lực tiêm chủng hiệu quả trên toàn thế giới là cần thiết để vượt qua đại dịch COVID-19

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Conversation)