11:11 25/11/2018

Biến thách thức thành cơ hội - Bài 1: Thích ứng với khó khăn

Nằm ở hạ lưu sông Tiền, tiếp giáp với biển Đông, Tiền Giang là một trong những tỉnh thuộc duyên hải Nam bộ chịu đựng ảnh hưởng biến đổi khí hậu rõ rệt, thường xuyên đối mặt thiên tai, hạn mặn rồi sạt lở bờ sông rạch, bờ biển; mất rừng phòng hộ… đe dọa nghiêm trọng sản xuất và đời sống nhân dân.

Nặng nhất là các huyện nằm duyên hải phía Đông. Trước tình hình trên, địa phương đã có nhiều biện pháp nhằm thích ứng với tình hình, biến những thách thức đối với đời sống và sản xuất thành cơ hội để phát triển một cách bền vững địa bàn khó khăn, giúp nhân dân an tâm an cư lạc nghiệp.

Chú thích ảnh
Rừng phòng hộ Gò Công ngày càng bị thu hẹp do xâm thực (ảnh chụp tại xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông). Ảnh: Minh Trí/TTXVN

Bài 1: Thích ứng với khó khăn

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, các huyện phía Đông có diện tích tự nhiên trên 101.000 ha, chiếm 40,36% diện tích tự nhiên cả tỉnh; trong đó, diện tích đất nông nghiệp gần 73.000 ha, riêng cây lúa chiếm gần 33.500 ha, sản lượng mỗi năm trên 490.000 tấn lúa, còn lại là các cây trồng khác như rau màu, cây ăn quả, cây công nghiệp…

Do đặc thù địa hình nên hàng năm đều bị ảnh hưởng hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài 3 tháng đến 6 tháng mỗi năm. Riêng huyện cù lao Tân Phú Đông, mỗi năm có từ 6 tháng đến 9 tháng bị nhiễm mặn, cuộc sống bà con sở tại rất khó khăn. Năm 2016, khu vực duyên hải phía Đông tỉnh đã có trên 5.000 ha lúa, gần 130 ha vườn cây ăn trái, hàng nghìn ha rau màu bị chết do hạn mặn, thiệt hại lên đến 105 tỷ đồng.

Trước tình hình trên, Tiền Giang triển khai đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông đến năm 2025”. Mục tiêu nhằm chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tạo sự thích nghi dần từ tư duy đến hành động mà trọng tâm là xác định cơ cấu mùa vụ và cây trồng phù hợp, hiệu quả, giúp nhân dân vùng đất khó an cư lạc nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Theo đề án, đến năm 2025, toàn vùng chỉ tổ chức sản xuất 2 vụ lúa/năm hoặc luân canh lúa màu, phát triển nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ vùng ven biển... Riêng đối với huyện cù lao Tân Phú Đông không còn trồng lúa trên đất nhiễm mặn kiểu độc canh một vụ/năm bấp bênh, thay vào đó chuyển sang trồng các loại cây thích nghi thổ nhưỡng vùng đất nhiễm mặn, xây dựng vùng chuyên canh rau màu giá trị kinh tế cao hoặc nhân rộng các mô hình lúa cá, lúa tôm…

Mặt khác, tỉnh coi trọng công tác quy hoạch các vùng và tiểu vùng sản xuất phù hợp, áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với mô hình cánh đồng lớn và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được coi là trọng tâm, yếu tố then chốt dẫn đến thành công.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, tổng nguồn vốn đầu tư của đề án lên đến trên 1.658 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách gần 243 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp trên 45 tỷ đồng và vốn nhân dân đóng góp khoảng 1.370 tỷ đồng.

“Biến đổi khí hậu vừa là thách thức vừa là thời cơ để các vùng đất khó khăn như duyên hải Gò Công chuyển đổi và phát triển bền vững. Do đó, tỉnh phải có chương trình, kế hoạch mang tính trọng tâm, trọng điểm và đầu tư một cách căn cơ”, ông Phạm Anh Tuấn cho biết.

Ông Nguyễn Quốc Kiệt, Giám đốc hợp tác xã Chăn nuôi - thủy sản Gò Công (thị xã Gò Công) hồ hởi khi đón nhận tin vui về đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông đến năm 2025” mà tỉnh đang triển khai.

Theo ông Kiệt, trồng lúa tại vùng Gò Công theo kiểu độc canh 3 vụ/năm không thể làm giàu được mà còn nhiều rủi ro. Do vậy, cần phải chuyển trọng tâm sang những đối tượng cây trồng, vật nuôi khác trong một cơ cấu mùa vụ sản xuất hợp lý như con gà ta Gò Công là một vật nuôi có giá trị kinh tế cần chú ý phát triển.

Hợp tác xã đã xây dựng thương hiệu gà ta Gò Công, đầu tư chăn nuôi theo hướng liên kết chuỗi giá trị từ giải quyết vật tư đầu vào đến hợp đồng bao tiêu đầu ra cho sản phẩm, xã viên hưởng lợi. Trên cơ sở liên kết tiêu thụ, hàng tháng, hợp tác xã cung ứng cho Công ty San Hà và Công ty Phạm Tôn (TP Hồ Chí Minh) 10.000 con gà ta Gò Công thịt, doanh thu 1,5 tỷ đồng. 100% xã viên trước đây nghèo khó nay đều có thu nhập và mức sống ổn định.

Ông Nguyễn Văn An, Giám đốc hợp tác xã rau an Gò Công đánh giá, đề án đã mở ra hướng đi mới cho nông dân vùng Gò Công trước tình hình thời tiết ngày càng cực đoan. Theo ông, đưa cây rau xuống chân ruộng và thâm canh theo hướng GAP (VietGAP, GlobalGAP) cho ra sản phẩm an toàn, truy xuất được nguồn gốc là con đường phát triển tất yếu ở vùng duyên hải Gò Công.

Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, cho biết qua hai năm triển khai đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông đến năm 2025”, diện tích cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng toàn vùng đã lên đến gần 17.000 ha trong đó chuyển đổi từ cây lúa sang trồng cây ăn quả, cây rau màu, cây trồng khác đạt gần 2.000 ha, còn lại là diện tích chủ động cắt vụ để phòng chống hạn mặn những địa bàn khó khăn.

Để hỗ trợ người dân nâng cao kỹ năng chuyển đổi sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, trong hai năm qua, toàn vùng đã tổ chức 336 cuộc tập huấn, tuyên truyền thu hút trên 12.000 lượt nông dân; xây dựng 2 mô hình trồng lúa chịu mặn, 3 mô hình trồng cây ăn quả, 3 mô hình luân canh lúa màu…

Minh Trí (TTXVN)