10:23 18/10/2011

Biến ruộng thành hồ…dân thẫn thờ

Theo quy định, sau khi khai thác vàng, các đơn vị khai thác phải hoàn trả mặt bằng, lấy đất sản xuất cho dân. Nhưng họ không làm thế… mà biến thành hồ với cái tên rất kêu: Hồ sinh thái, khiến người dân thôn Chợ Cũ, xã Lạng San, huyện Na Rỳ (Bắc Kạn) thẫn thờ vì sự lừa đảo này.

Theo quy định, sau khi khai thác vàng, các đơn vị khai thác phải hoàn trả mặt bằng, lấy đất sản xuất cho dân. Nhưng họ không làm thế… mà biến thành hồ với cái tên rất kêu: Hồ sinh thái, khiến người dân thôn Chợ Cũ, xã Lạng San, huyện Na Rỳ (Bắc Kạn) thẫn thờ vì sự lừa đảo này.

Chiếc hồ được hình thành khiến nhiều người dân địa phương bức xúc do bị mất đất sản xuất.


Nhìn vẻ mặt của ông Hoàng Văn Xuân, người Nùng, thôn Chợ Cũ, khi nhìn ra cái hồ rộng gần 7 ha vốn là soi bãi trồng ngô của cả thôn thấy rõ sự thất vọng của ông. Ông Xuân nói: Nhà tôi cũng như nhiều nhà ở đây không có một mảnh ruộng nào để cấy lúa, trồng ngô. Trước đây, khi “họ” chưa cấp phép khai thác mỏ vàng tại thôn Chợ Cũ này cho Công ty An Thịnh, tất cả các hộ dân trong thôn đều có một phần trong diện tích đất để trồng ngô. Đất ở đây rất tốt. Khi cấp mỏ cho Công ty An Thịnh, họ có cam kết khi khai thác xong sẽ hoàn thổ để lấy đất cho dân canh tác, không hiểu vì lý do gì, “họ” lại quay sang làm cái hồ gọi là “hồ sinh thái” giữa cái vùng rừng núi cây cối quanh năm xanh tốt này. Đây thực sự trở thành “ao tù”, không có đường thoát nước, bờ ao toàn cây dại mọc, người dân vứt rác, vứt các động vật chết xuống hồ, gây ô nhiễm môi trường.

Ông Trần Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường Bắc Kạn cho biết: Việc hình thành hồ này đã được cấp ủy xã, huyện lúc đó nhất trí, UBND tỉnh Bắc Kạn cũng đã quyết định. Cũng theo ông Nguyên, thì việc hình thành hồ có lợi ích kinh tế và sinh thái. Khi làm hồ đã làm rất “chặt chẽ về thủ tục” từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh.

Không hiểu các cấp chính quyền nghĩ gì, không biết ông Nguyên thấy lợi ích từ hồ này là gì, và lợi cho ai? Những người dân mất đất ở đây đang hàng ngày phải đối mặt với đói, nghèo. Việc không có đất canh tác đẩy người dân đến việc phải làm những việc mà họ không muốn để mưu sinh – đi “làm vàng thổ phỉ”. Trong một thôn 32 hộ thì có đến 26 hộ không một tấc đất canh tác. Với 6,6 ha đất làm hồ, nếu chia đều cho 26 hộ dân hiện không có đất, mỗi hộ có được trên 2.500 m2 đất để canh tác. Với số diện tích này, theo ông Trưởng thôn Lý Văn Huyên, với một vụ lúa, một vụ ngô, toàn bộ số 26 hộ dân này sẽ thoát nghèo. Ông Huyên cũng cho biết, tổng số hộ nghèo và cận nghèo của thôn Chợ Cũ hiện nay là gần 80%, một tỷ lệ rất cao đối với cả tỉnh Bắc Kạn (trên 30% hộ nghèo).

Điều đáng nói là theo cam kết ban đầu, sau khi kết thúc khai thác vàng, doanh nghiệp bắt buộc phải hoàn thổ, bằng việc san lấp mặt bằng, tạo một lớp đất màu trên bề mặt dày từ 30-40 cm để phục vụ cho cấy lúa, trồng ngô.

Ngay cả lợi ích kinh tế từ hồ cho người dân cũng chỉ là “đếm cua trong lỗ”.

Ông bà Thảo Cung, một gia đình vào loại “giàu” có ở thôn Chợ Cũ này, người duy nhất trúng thầu nuôi cá trên hồ. Theo ông Hoàng Văn Cung, gia đình ông đã đầu tư cá giống vào hồ này khoảng vài trăm triệu đồng, tiền nộp thuế cho xã, tiền thuê nhân công trông coi ao cá, mỗi tháng hết 6 triệu đồng, tổng chi phí từ khi trúng thầu đến nay lên đến cả trăm triệu (chưa kể việc mua cá giống, thức ăn cho cá…). Hỏi ông bà đã có thu nhập được bao nhiêu từ việc nuôi cá trên hồ, bà Thảo trả lời ngay: Thất bại ! Chúng tôi đã thả khá nhiều cá, cá cũng lớn đấy nhưng không bắt được, do hồ quá sâu và đặc biệt là bán khó, vì người dân vẫn nghĩ nước hồ có nhiều loại hóa chất độc hại. Ông bà Thảo Cung rất thẳng thắn khi nói đến lợi ích của gia đình mình với lợi ích của cả cộng đồng: Nếu Nhà nước lấp hồ lấy đất cho dân sản xuất vẫn có lợi hơn.

Không phải chỉ có gia đình ông bà Thảo Cung, đa phần những người dân thôn Chợ Cũ, kể cả ông Trưởng thôn Lý Văn Huyên… cũng “mong ước” lấp được hồ để có đất sản xuất.

Tiếp xúc với những người ở thôn Chợ Cũ, xã Lạng San, huyện Na Rỳ, chúng tôi được biết, họ đã nhiều lần kiến nghị trong các lần họp thôn, họp xã và cả tiếp xúc cử tri, nhưng chưa thấy có phản hồi !?

Các cấp chính quyền cần xem xét lại toàn bộ dự án, có phương án hợp lý để người dân khỏi bức xúc. Cơ quan chức năng cũng cần có đánh giá tác động môi trường đối với những giếng nước của một số hộ dân sống cạnh hồ. Nhiều nhà cho rằng nước giếng của họ có mùi hôi khi trở trời, hiện tượng này chỉ xảy ra gần đây, khi có cái gọi là hồ sinh thái này.

Bài và ảnh: Nguyễn Trình