Các biện pháp thuế quan mới từ Mỹ có thể khiến GDP của Đức giảm 0,4%, Ireland mất đến 3%... Châu Âu lo ngại làn sóng mất việc và suy giảm đầu tư lan rộng.
Cảng hàng hóa ở Hamburg, Đức. Ảnh: THX/TTXVN
Trong bối cảnh Washington và Brussels đang nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận thương mại, những đe dọa tăng thuế quan từ Mỹ đang phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế của châu Âu. Theo trang tin châu Âu euronews.com, dù tác động chung có thể kiểm soát được, nhưng một số nền kinh tế thành viên EU có nguy cơ chịu thiệt hại nặng nề hơn cả. Đức và Ireland đang nổi lên là hai quốc gia dễ bị tổn thương nhất, với mức độ ảnh hưởng phụ thuộc lớn vào việc liệu Washington có nhắm mục tiêu vào ngành công nghiệp ô tô hay dược phẩm hay không.
Viện nghiên cứu Bruegel có trụ sở tại Brussels đánh giá, Mỹ là đối tác xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của EU vào năm 2024, chiếm 20,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của khối. Điều này cho thấy quy mô đáng kể của mối quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương. Tuy nhiên, tác động của thuế quan sẽ không phân bổ đều. Rory Fennessy, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Oxford Economics, chỉ ra rằng "chỉ riêng thuế quan có thể làm giảm khoảng 8% tổng khối lượng thương mại của EU trong năm năm tới".
Đức: Gánh nặng từ ngành ô tô
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt mức thuế mới 25% đối với ô tô nhập khẩu và phụ tùng ô tô vào tháng 4 vừa qua, Đức ngay lập tức được xác định là quốc gia EU chịu thiệt hại nhiều nhất. Ngành công nghiệp ô tô là xương sống của nền kinh tế Đức, vốn phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu. Gần một phần tư (22,7%) tổng kim ngạch xuất khẩu của Đức đang hướng đến thị trường Mỹ.
Viện Bruegel ước tính rằng thuế quan đối với ô tô có thể khiến GDP của Đức giảm 0,4% trong dài hạn. Andrew Hunter, Phó Giám đốc kiêm chuyên gia kinh tế cấp cao tại Moody's Ratings, chia sẻ với Euronews: "Đức nổi lên là nền kinh tế lớn của châu Âu có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thuế quan của Mỹ và chúng tôi dự kiến tăng trưởng GDP sẽ giảm trong quý 2 và quý 3 (năm nay)". Niclas Frederic Poitiers, nghiên cứu viên tại Bruegel, cũng nhấn mạnh rằng sau năm 2025, tác động tiêu cực dài hạn của thuế quan có thể vào khoảng 0,4% GDP ở Đức, một khi "tác động đã tích lũy hoàn toàn".
Ngoài ra, chuyên gia Hunter cũng lưu ý rằng các nền kinh tế nhỏ hơn như Áo và các quốc gia Trung và Đông Âu, vốn "có sự hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng công nghiệp của Đức, cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề".
Ireland: Nguy cơ đối với ngành dược phẩm
Trong khi ngành ô tô là mối lo ngại hàng đầu đối với Đức, Ireland lại đối mặt với rủi ro đáng kể nếu Mỹ nhắm mục tiêu vào lĩnh vực dược phẩm. Phần lớn nền kinh tế Ireland phụ thuộc vào xuất khẩu, với hơn một nửa (53,7%) lượng hàng hóa xuất khẩu của nước này được đưa sang thị trường Mỹ. Đặc biệt, xuất khẩu dược phẩm chiếm gần 55% kim ngạch xuất khẩu của Ireland.
Ngành công nghiệp dược phẩm dựa trên nghiên cứu là một tài sản quan trọng của nền kinh tế châu Âu, đóng góp 311 tỷ euro giá trị gia tăng (GVA) và 2,3 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp vào năm 2022. Thị trường Mỹ đóng vai trò then chốt, chiếm 49,1% doanh số bán dược phẩm toàn cầu vào năm 2021. Hơn một phần ba lượng dược phẩm xuất khẩu của EU được chuyển tới Mỹ.
Mathieu Savary, chiến lược gia trưởng phụ trách Chiến lược Đầu tư châu Âu của BCA Research, cảnh báo rằng nếu ngành dược phẩm bị ảnh hưởng bởi thuế quan, "Ireland sẽ là nền kinh tế EU chịu rủi ro cao nhất từ những mức thuế quan này". BCA Research ước tính tác động này "có thể làm giảm 4% đến 5% tăng trưởng theo thời gian" đối với GDP của Ireland, và Bruegel dự báo tổng mức tổn thất GDP thực tế của Ireland có thể là 3% vào năm 2028. Các quốc gia nhỏ hơn khác như Đan Mạch, Bỉ và Slovenia cũng được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể nếu thuế quan dược phẩm được áp dụng.
Tác động lan tỏa và những nền kinh tế khác
Mặc dù Đức và Ireland được coi là dễ bị tổn thương nhất, các nền kinh tế khác cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng. Italy, Pháp và Hà Lan cũng nằm trong số các quốc gia có giá trị xuất khẩu hàng hóa cao nhất sang Mỹ. Bruegel ước tính tác động trung bình đối với Pháp sẽ vào khoảng 0,25% GDP.
Ngoài ra, sự bất ổn do chính sách thuế quan của Mỹ có thể dẫn đến mất đầu tư và việc làm trên toàn bộ khối 27 thành viên. Chuyên gia Hunter của Moody's Ratings cho rằng "ngay cả đối với những quốc gia có mức độ tiếp xúc trực tiếp với hàng xuất khẩu của Mỹ tương đối hạn chế, chẳng hạn như Pháp hoặc Tây Ban Nha, tăng trưởng vẫn có khả năng bị kìm hãm bởi sự suy yếu và bất ổn toàn cầu".
Về nguy cơ mất việc làm, Bruegel chỉ ra rằng Italy là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn thứ hai sau Ireland, đặc biệt là trong các lĩnh vực thiết bị vận tải, thời trang, sản xuất ô tô và dược phẩm.
Mặc dù Tổng thống Trump đã đề cập đến khả năng áp thuế 200% đối với các sản phẩm dược phẩm nhập khẩu vào Mỹ, các chuyên gia như Savary của BCA Research cho rằng điều này khó có thể xảy ra. Ông nhận định đây có thể là "một thông điệp mạnh mẽ gửi tới các công ty dược phẩm nước ngoài để họ điều chỉnh giá xuống và đầu tư sản xuất thuốc tại Mỹ", với kết quả cuối cùng là "các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Mỹ và thông báo giảm giá thuốc".
Tóm lại, trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra, các nền kinh tế châu Âu đang đứng trước những thách thức đáng kể. Mức độ ảnh hưởng sẽ phụ thuộc vào chi tiết của các chính sách thuế quan mà Mỹ áp dụng, nhưng rõ ràng Đức và Ireland là hai quốc gia cần đặc biệt chú ý đến những diễn biến này.