02:02 25/02/2014

Biến mục tiêu giảm khí nhà kính thành hiện thực

Mục tiêu phát triển xanh và giảm khí phát thải đang là một trong những nỗ lực của TP Hồ Chí Minh trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Mục tiêu phát triển xanh và giảm khí phát thải đang là một trong những nỗ lực của TP Hồ Chí Minh trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Mới đây, các chuyên gia đến từ Bộ Môi trường Nhật Bản và thành phố Osaka, Nhật Bản, đã bắt tay vào nghiên cứu phương án hỗ trợ TP Hồ Chí Minh cắt giảm phát thải khí nhà kính (giảm phát thải khí carbon).

 

Tiềm năng nhiều, rào cản không ít


Theo kết quả quan trắc thường xuyên của Chi cục Bảo vệ môi trường TP Hồ Chí Minh về ô nhiễm không khí của thành phố, 98% mẫu kiểm tra không đạt tiêu chuẩn cho phép, luôn ở mức nguy hại cao cho sức khỏe con người, trong đó lượng bụi lơ lửng sinh ra từ khói, bụi đang gây ô nhiễm nghiêm trọng không khí trên địa bàn. Nguyên nhân chủ yếu là do khí thải từ các loại xe lưu thông thường xuyên. Bên cạnh đó, tình trạng kẹt xe xảy ra liên tục trên địa bàn khiến hiện tượng ô nhiễm không khí do chì cũng gia tăng nhanh chóng, vượt xa chuẩn cho phép.

Chỉ mới có 5% lượng rác thải sinh hoạt ở TP.HCM được tái chế. Đây là một lãng phí trong mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.


Hoạt động sản xuất của nhà máy công nghiệp nằm ở các khu vực ngoại thành hoặc nằm ngay trong nội thành như các khu công nghiệp Tân Bình, khu chế xuất Tân Thuận, khu chế xuất Linh Trung, các nhà máy Xi măng Hà Tiên, Nhà máy Thép Thủ Đức... và rất nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng là nguyên nhân hàng đầu khiến không khí bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.


Tại hội thảo “Thành phố phát thải carbon thấp” do Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh phối hợp thành phố Osaka (Nhật Bản) tổ chức vừa qua, bà Vũ Thùy Linh, Phó chánh văn phòng Biến đổi khí hậu TP Hồ Chí Minh cho biết: “Tăng trưởng xanh và giảm phát thải là xu hướng chung của thế giới. Nếu không theo kịp xu hướng này, các sản phẩm của Việt Nam có thể sẽ không được thị trường thế giới chấp nhận”.


Thống kê tại TP Hồ Chí Minh, mức tiêu thụ tính trên một đơn vị sản phẩm (lương thực - thực phẩm, nhiên liệu, năng lượng…) của thành phố thường cao hơn từ 3-5 lần so với các nước khác. Bà Linh đưa ra vài dẫn chứng, như: tỷ lệ thất thoát nước là 35% (tương đương 600.000 - 700.000 m3/ngày), khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ 8.000 - 9.000 tấn/ngày nhưng tỉ lệ thu gom, xử lý mới đạt 70 - 80% (trong số này mới 5% lượng chất thải được tái chế, còn lại là chôn lấp)… Từ thực trạng này cho thấy, vấn đề giảm phát thải carbon của thành phố đang có rất nhiều tiềm năng, nhưng cũng lại đang bị nhiều rào cản, như: vốn đầu tư, lựa chọn công nghệ và hệ thống quản lý nhà nước.


Theo kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013 - 2015 của TP Hồ Chí Minh, 7 lĩnh vực sẽ được ưu tiên cắt giảm phát thải khí nhà kính là: quy hoạch, năng lượng, giao thông vận tải, quản lý nguồn nước, nông nghiệp, y tế - sức khỏe cộng đồng, quản lý chất thải. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này hiệu quả, thành phố rất cần phải thay đổi,“phá bỏ” đi nhiều rào cản hiện nay.


Giảm phát thải khí nhà kính


Tháng 10/2013, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh và Thị trưởng thành phố Osaka đã ký biên bản ghi nhớ hướng tới phát triển “thành phố phát thải carbon thấp” giữa TP Hồ Chí Minh và thành phố Osaka, trong đó đề cập việc Osaka sẽ hợp tác với TP Hồ Chí Minh trong việc lập kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu đến 2015.


Theo tính toán của Viện Nghiên cứu chiến lược môi trường toàn cầu Nhật Bản, ước tính 100 bộ đèn đường chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời sẽ giảm phát thải 24 tấn CO2/năm, 90.000 bóng đèn đường chuyển sang sử dụng đèn LED tiết kiệm năng lượng sẽ giảm được 16.000 tấn CO2/năm. Dự án cải tạo và quản lý hệ thống thoát nước sẽ giúp giảm tỷ lệ thất thoát nước từ 38% xuống 32%, giảm được 22.000 tấn CO2/năm. Lượng rác thải chuyển từ chôn lấp sang tái chế thành phân compost sẽ giảm được 600.000 tấn CO2/năm. Việc chuyển đổi các phương tiện giao thông và thay đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu hóa lỏng sẽ cắt giảm được 4.800 tấn CO2/năm. Thêm vào đó, việc đưa vào vận hành hệ thống metro cũng giúp giảm được 25.000 tấn CO2/năm.

Thực hiện biên bản này, dự kiến trong năm nay, Nhật Bản sẽ hỗ trợ TP Hồ Chí Minh lập bảng kiểm kê khí nhà kính. Đây là một bước hết sức quan trọng, nhằm nắm bắt lượng khí nhà kính cụ thể, xác định nguồn phát thải chính để lấy làm điểm chuẩn, nhằm lựa chọn biện pháp giảm nhẹ. Trên cơ sở đó, các chuyên gia sẽ xây dựng biện pháp giảm lượng khí nhà kính và kế hoạch hành động thích ứng với biến đổi khí hậu.


Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng sẽ hỗ trợ một phần vốn đầu tư công nghệ ban đầu thông qua các dự án JCM (cơ chế tín dụng song phương). “Để đạt được thành công trong việc cắt giảm khí nhà kính, Nhật Bản đã thất bại và sai lầm nhiều. Vì thế, chúng tôi mong muốn Việt Nam nghiên cứu kỹ để tránh “vết xe đổ” của Nhật Bản”, ông Kawamata, Giám đốc Văn phòng hợp tác quốc tế (Bộ Môi trường Nhật Bản) nhấn mạnh.


Để hiện thực hóa việc giảm thải khí nhà kính, dự án JCM sẽ là giải pháp tài chính cho TP Hồ Chí Minh. Theo đó, thực hiện dự án JCM, Nhật Bản sẽ hỗ trợ các kỹ thuật carbon thấp tiên tiến, hỗ trợ chi phí ban đầu. Sau đó, hỗ trợ đánh giá định lượng thành quả của việc cắt giảm, hấp thụ lượng khí nhà kính để đạt được mục tiêu giảm lượng khí thải như của Nhật Bản.


Các công ty tiết kiệm năng lượng (ESCO) sẽ chịu chi phí ban đầu đầu tư lắp đặt công nghệ tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp có nhu cầu. Đổi lại, các doanh nghiệp sẽ lấy lợi nhuận thu được từ việc tiết kiệm đó, trả dần cho các công ty ESCO. Đến khi hoàn được vốn lắp đặt ban đầu, hệ thống tiết kiệm năng lượng sẽ thuộc về doanh nghiệp. Ngoài ra, để thay đổi tâm lý người sử dụng công nghệ, cần trực quan hóa hiệu quả. Các công ty ESCO sẽ phân tích, niêm yết các con số chứng minh hiệu quả của việc tiết kiệm năng lượng cũng như phát thải carbon thấp,… để thực hiện việc trực quan hóa hiệu quả này.

 

Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) TP HỒ CHÍ MINH: Giá thành công nghệ còn quá cao

Sở KHCN được giao nhiệm vụ thẩm định công nghệ mới đưa vào thành phố. Tuy nhiên, giá thành đang là vấn đề khó khăn lớn. Hiện tại, công nghệ lò đốt do Nhật Bản giới thiệu có giá thành đốt 1 tấn rác cao hơn công nghệ của một số nước khác (như Hàn Quốc) từ 30 - 40 USD/tấn.

 

Ông Kotaro Kawamata, Giám đốc Văn phòng hợp tác quốc tế, Bộ Môi trường Nhật Bản: Tránh sa vào công nghệ không thân thiện môi trường

Tôi cho rằng, nếu cứ nhìn vào vấn đề giá đầu tư chi phí lớn thì sẽ có xu hướng lựa chọn công nghệ không thân thiện môi trường. Nếu không thay đổi tư duy nhận thức thì sẽ sa vào xu hướng lựa chọn các công nghệ lạc hậu. Tôi đề xuất: Việt Nam nên đặt ra bộ tiêu chí phát thải với những con số cụ thể, mà nếu hàng hóa sản xuất dưới các con số này sẽ không được phép lưu thông.

 

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP HỒ CHÍ MINH: Đầu tư công nghệ theo yêu cầu thực tế

Cạnh tranh về giá thành công nghệ là yếu tố cần bàn kỹ. Vấn đề trước mắt Nhật Bản nên hỗ trợ thành phố là xây dựng chương trình điện toán đám mây để quản lý các hộp đen trên các phương tiện giao thông, đây là công nghệ mà TP Hồ Chí Minh chưa có. Công nghệ này nhằm giúp quản lý hành trình và giảm thiểu nhiên liệu sử dụng của các phương tiện. Tôi cho rằng, TP Hồ Chí Minh không chỉ là đơn vị sử dụng mà còn là nơi cung cấp sản phẩm khoa học công nghệ cho Việt Nam, nên cần xem xét đưa vào thành phố hệ thống phân phối khoa học công nghệ. Khánh Lê