12:08 06/12/2012

Biên giới Tây Nam “nóng” vì buôn lậu - Bài 1: Đường đi của hàng lậu

Dịp cuối năm thường là thời điểm hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng hoành hành trên thị trường. Mặc dù, các cơ quan chức năng đã triển khai rất nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng vấn nạn này vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp do các đối tượng ngày càng có thủ đoạn tinh vi và manh động hơn.

Dịp cuối năm thường là thời điểm hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng hoành hành trên thị trường. Mặc dù, các cơ quan chức năng đã triển khai rất nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng vấn nạn này vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp do các đối tượng ngày càng có thủ đoạn tinh vi và manh động hơn.

 

Bài 1: Đường đi của hàng lậu


Các tỉnh biên giới Tây Nam có đường biên giới dài, bằng phẳng nên làm cho các đối tượng buôn lậu dễ dàng hoạt động. Cuối năm, hàng lậu được chuyển về Việt Nam qua con đường biên giới ngày càng rầm rộ hơn, nhiều mặt hàng thao túng thị trường hàng hóa trong nước.

 

Thuốc lá lậu đang được chia lẻ để tuồn về thành phố tiêu thụ.

Tại khu vực các tỉnh giáp biên giới như: Long An, Tây Ninh, An Giang được xem là những địa bàn có tình hình buôn lậu diễn biến phức tạp nhất. Tại những khu vực giáp ranh hai nước Việt Nam - Campuchia không chỉ là nơi vận chuyển hàng hóa mà còn là địa điểm tập kết hàng lậu của các trùm buôn lậu. Các mặt hàng nhập lậu chủ yếu vẫn là thuốc lá điếu, rượu, đường cát, thuốc bảo vệ thực vật...


Qua ghi nhận của phóng viên mỗi ngày hàng ngàn gói thuốc lá lậu, rượu lậu được hệ thống các đầu lậu vận chuyển bằng nhiều con đường khác nhau từ biên giới Campuchia về xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa (Long An) và xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng (Tây Ninh). Chúng tôi có mặt tại điểm nóng buôn lậu thuốc lá trên địa bàn tỉnh Tây Ninh chính là điểm giáp ranh với bến đò Lộc Giang (Đức Hòa, Long An). Tại đây, hàng lậu được tập kết chủ yếu là thuốc Jet, Hero và đường cát trắng. Các loại hàng này được bỏ vào bao tải đen được các đầu nậu vận chuyển bằng xe máy hoặc bằng ghe thuyền đôi khi chúng còn sử dụng cả ca nô với mã lực lớn. Để qua mặt các cơ quan chức năng, thuốc lá lậu được giấu dưới những chiếc ghe 2 đáy hoặc gói vào bọc nilông để dìm xuống lòng sông, rồi thả trôi theo dòng nước vào ban đêm. Những phương tiện vận chuyển này thường có công suất lớn, lao vun vút trên Rạch Tràm, ranh giới hành chính giữa các xã vùng biên của hai tỉnh Tây Ninh và Long An. Khi thấy động, dân vận chuyển có thể cho phương tiện quay ngược về hướng Campuchia.


Còn theo đường bộ từ bến đò Lộc Giang các đầu nậu men theo đường tỉnh lộ 825 đưa hàng về các địa điểm tập kết. Các địa điểm tập kết của chúng thường được ngụy trang bằng những quán nước ven đường, quán đánh bida hoặc những cửa hàng tạp hóa lụp sụp. Cũng theo ghi nhận của chúng tôi, từ bến đò Lộc Giang về địa bàn Tây Ninh đi qua tỉnh lộ 825 rất nhiều ổ gà và đường quanh co thế nhưng, những đầu nậu này chất hàng lậu vượt đầu người nhưng vẫn đánh võng, lao đi ầm ầm khiến cho người đi đường không khỏi kinh hoàng.


Theo các đầu nậu, khu vực đường biên giới giữa xã Mỹ Quý Đông huyện Đức Huệ - Long An chạy qua tỉnh Svay Riêng (Campuchia) được bọn buôn lậu cho là con đường huyết mạch để vận chuyển hàng lậu từ Campuchia về Việt Nam. Từ đây, con đường này có hai hướng chính để chuyển hàng, đó là, hướng chạy về khu vực huyện Đức Huệ (Long An), hướng còn lại là về xã Phước Chỉ, Trảng Bàng (Tây Ninh) rồi đưa hàng ra bến đò Lộc Giang huyện Đức Hòa, Long An. Từ đó, các loại hàng lậu được vận chuyển qua đường bộ theo tỉnh lộ 2, 8, 7 vào quốc lộ 22 rồi về các huyện Củ Chi, Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh). Còn đường thủy thì chúng đi theo sông Vàm Cỏ Đông, qua kênh Thầy Cai rồi về thành phố.


Khoảng gần giữa trưa trên tuyến quốc lộ 22 (đường Xuyên Á) đã tấp nập đội ngũ vận chuyển hàng lậu thuê. Các đội ngũ vận chuyển này thường đánh võng, nẹt pô chạy ầm ầm trên đường quốc lộ. Ở các điểm nóng về buôn lậu và tập kết hàng thuộc địa bàn tỉnh Tây Ninh, nhiều đối tượng buôn lậu thuốc lá tập hợp thành từng đoàn khoảng 10 xe gắn máy chạy với tốc độ cao, hoặc họ đánh “quả lẻ” theo kiểu manh mún nhằm giảm sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Ngoài ra, từ cửa khẩu Mộc Bài về thị xã Gò Dầu, thuốc lá lậu được chúng bỏ vào các vỏ hộp bia, mì ăn liền... rồi giao cho cửu vạn vận chuyển qua các chốt kiểm soát. Khi bị truy đuổi, chúng dễ gây ra tai nạn giao thông cho người đi đường, đồng thời, nếu cần, chúng sẵn sàng bỏ hàng và phương tiện chạy thoát thân, hoặc đồng bọn tràn tới cản trở để cho những đối tượng này tẩu thoát.


Một cán bộ của lực lượng phòng chống buôn lậu cho biết: Để hàng lậu được trung chuyển về các điểm tập kết một cách an toàn, bọn buôn lậu thường lập một đường dây rất chặt chẽ. Mỗi đường dây gồm các bộ phận cảnh giới, dẫn đường, chuyển hàng, hộ tống và bộ phận theo dõi các cơ quan chức năng như: Hải quan, Công an, Chi cục quản lý thị trường, bộ đội Biên Phòng... đối tượng buôn lậu chủ yếu là những thành phần chuyên nghiệp. Các loại xe dùng để trung chuyển hàng lậu thường là dùng xe máy xoáy nòng, độn sen hoặc ghe nhỏ, trang bị máy có sức ngựa lớn, vận chuyển đến điểm trung chuyển và tỏa đi tiêu thụ.


Không riêng gì Long An, Tây Ninh tình hình buôn lậu cũng diễn ra rầm rộ tại tỉnh An Giang. Điểm nóng trong vận chuyển hàng lậu của An Giang là thị xã Châu Ðốc, huyện Tịnh Biên, huyện An Phú với các mặt hàng đường cát Thái Lan, rượu, thuốc lá điếu, bánh kẹo, mỹ phẩm... Để qua mặt cơ quan kiểm tra, kiểm soát bọn buôn lậu chẻ nhỏ hàng hóa, mang vác theo nhiều kiểu cách khác nhau, đi công khai giữa cánh đồng chung biên giới.


Được biết, các trùm buôn lậu ở những khu vực biên giới này thường không ra mặt mà chỉ thuê những người dân sống dọc vùng biên mang vác, chạy vỏ lãi dọc đường biên giới về Việt Nam.


Bài và ảnh: Đan Phương - Hoàng Tuyết

 

Bài 2: Cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh): Nhức nhối nạn gom hàng miễn thuế