07:10 17/07/2016

Biển Đông: Trung Quốc nên quay về với lẽ phải

Trung Quốc có thể thay đổi quan điểm và thừa nhận là mình đã sai và trên thực tế, lặng lẽ thừa nhận phán quyết của PCA để đảm bảo uy tín và sự thịnh vượng của mình.

Tờ Economist ngày 16/7 đăng bài bình luận với tiêu đề “Quay lại khỏi bờ vực, Bắc Kinh", trong đó chỉ rõ sự gây hấn mà Trung Quốc đã thể hiện trong vài năm qua liên quan đến việc bồi đắp trái phép các đảo, đá, bãi ngầm ở Biển Đông khiến cho những quốc gia láng giềng e ngại. Tuy nhiên, trong tuần qua, phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye, Hà Lan đã bác bỏ hoàn toàn những yêu sách chủ quyền được xác định một cách mơ hồ của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông.

Tàu Hải cảnh của Trung Quốc.

Việc Bắc Kinh phản ứng với phán quyết này có tầm quan trọng địa chính trị đặc biệt. Nếu, trong cơn tức giận của mình, Trung Quốc coi thường phán quyết và tiếp tục sự “thôn tính từ từ” của mình, nước này sẽ vượt lên trên/coi thường luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc "bắt nạt" các nước láng giềng làm tăng nguy cơ một vụ va chạm trong khu vực có thể leo thang thành chiến tranh giữa một siêu cường đang trỗi dậy của thế kỷ này và Mỹ.

Theo phán quyết của PCA, yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong "đường 9 đoạn" là trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Phán quyết khẳng định Trung Quốc đã gây ra những nguy hại lâu dài đối với hệ sinh thái dải san hô ở quần đảo Trường Sa. Trung Quốc không có căn cứ lịch sử nào về vùng biển ở Biển Đông và Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về "các quyền lịch sử" đối với những nguồn tài nguyên trong cái mà Bắc Kinh gọi là "đường 9 đoạn". Phán quyết của PCA còn khẳng định rằng không một đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa tạo cho Trung Quốc quyền có vùng đặc quyền kinh tế. Ngoài ra PCA còn nhấn mạnh Trung Quốc đã can thiệp vào các quyền đánh bắt truyền thống của Philippines tại bãi Scarborough trên Biển Đông.

Đối với Trung Quốc, đây là một sự bẽ mặt. Giới lãnh đạo Trung Quốc đã gọi vụ kiện là bất hợp pháp. Cuộc diễn tập bắn đạn thật quy mô lớn của Bắc Kinh trên Biển Đông mới đây ngụ ý rằng nước này có thể đang lên kế hoạch cho một phản ứng cứng rắn. Điều này có thể bao gồm việc thiết lập một "Vùng nhận dạng phòng không" (ADIZ) như đã từng làm trên Biển Hoa Đông. Hoặc Trung Quốc có thể bắt đầu cải tạo bãi cạn Scarborough, mà Bắc Kinh đã chiếm của Philippines năm 2012.

Đó sẽ là cực kỳ khiêu khích. Mặc dù Mỹ không sẵn sàng mạo hiểm cho một cuộc xung đột nhưng họ luôn khẳng định bất kỳ động thái nào trên bãi cạn Scarborough sẽ được coi là đe dọa lợi ích của Mỹ (Philippines là một đồng minh có hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ).

Có một cách tốt hơn. Trung Quốc có thể thay đổi quan điểm và thừa nhận là mình đã sai và trên thực tế, lặng lẽ thừa nhận phán quyết của PCA. Điều đó có nghĩa là (Trung Quốc) ngừng xây dựng, bồi đắp trái phép các đảo, để các nước khác đánh bắt hải sản ở nơi mà UNCLOS cho phép. Có lý do chính đáng để Bắc Kinh làm điều này: Uy tín và sự thịnh vượng của Trung Quốc phụ thuộc vào một trật tự dựa trên pháp quyền. Bắc Kinh sẽ có lợi ích trong việc bảo đảm hòa bình trong khu vực bằng cách ngồi lại với Philippines, Việt Nam và các nước láng giềng Đông Nam Á khác, tìm cách giải quyết sự khác biệt. Ngay bây giờ các nước này, và Mỹ, cũng nên tránh hành động không cần thiết mà có thể sẽ khiến Trung Quốc tức giận, và thay vào đó tạo cho Trung Quốc cơ hội để quay trở lại từ bờ vực.

Công Thuận (theo The Economist)