02:10 02/02/2023

Biến động trên thị trường sau quyết định tăng lãi suất của FED

Việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố đợt tăng lãi suất cơ bản đầu tiên trong năm 2023 lập tức đã gây biến động trên các thị trường tại Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Chú thích ảnh
Bên ngoài Sàn Giao dịch chứng khoán New York trước thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên trong năm 2023. Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN

Chiều 1/2 (theo giờ Mỹ), FED đã công bố quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm, qua đó đưa biên độ lãi suất lên 4,5 - 4,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007. Đây là lần thứ 8 liên tiếp, Fed tăng lãi suất trong nỗ lực kiềm chế cơn bão lạm phát nghiêm trọng nhất trong hơn 4 thập kỷ ở nước này.

Theo phóng viên TTXVN tại New York, dù giới chuyên gia trước đó dự đoán FED sẽ siết chặt chính sách tiền tệ và chỉ tăng nhẹ lãi suất trong lần công bố này, quyết định của Fed cũng gây ra không ít biến động trên các thị trường tài chính. Hầu hết các mã chứng khoán lớn của Mỹ đều giảm điểm ngay sau công bố của FED, trước khi quay đầu tăng mạnh vào cuối phiên giao dịch ngày 1/2.

Cụ thể, chỉ số S&P 500 đã tăng 1% sau khi giảm gần 1%. Chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 1,8% khi chốt phiên sau khi giảm 0,3%. Chỉ số công nghiệp Dow Jones cũng đảo chiều tăng nhẹ sau khi giảm hơn 500 điểm xuống mức thấp nhất trong ngày.

Trong khi đó, trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm của Mỹ, vốn nhạy cảm với các quyết định lãi suất của FED, đột ngột giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong ngày, chỉ ở mức khoảng 4,12%. Đồng USD cũng trượt giá nhẹ so với các ngoại tệ khác. Đồng bitcoin và thị trường tiền kỹ thuật số nói chung ổn định hơn, trong đó bitcoin, đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất tính theo vốn hóa thị trường, giao dịch ở ngưỡng 23,029 USD, tăng nhẹ 0,3%. 

Trên thị trường dầu mỏ, sắc đỏ xuất hiện nhiều hơn. Dầu thô WTI giao kỳ hạn giảm 2,76% xuống còn 76,6 USD/thùng; Dầu thô Brent cũng giảm 2,83% xuống còn 83,04 USD/thùng. 

FED không đưa ra các dự báo tăng trưởng kinh tế sau cuộc họp lần này, song tái khẳng định cam kết mạnh mẽ trong nỗ lực đưa tỷ lệ lạm phát về ngưỡng trung bình 2%.  

Trong khi đó, chuyên gia phân tích tài chính của Bankrate, ông Greg McBride nhận xét “dù áp lực lạm phát đã phần nào hạ nhiệt, song nỗ lực của FED vẫn chưa dừng lại… Lãi suất có thể sẽ tăng cao hơn nữa và được duy trì trong một thời gian lâu hơn”. 

Về phần mình, phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày, Chủ tịch Fed Jerome Powel cho biết nếu như lạm phát diễn ra theo đúng dự báo, FED có thể sẽ đẩy lãi suất lên biên độ 5-5,25% và dừng lại. Theo ông Powel, nền kinh tế Mỹ đang ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc hơn, như thị trường lao động và giá cả tiêu dùng, song khẳng định “hiện vẫn còn quá sớm để ăn mừng”.

Tại châu Á, thị trường chứng khoán Hàn Quốc đã phản ứng tích cực trước quyết định nâng lãi suất cơ bản của Fed.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, chỉ số giá cổ phiếu tổng hợp Hàn Quốc (KOSPI) đã tăng 23,98 điểm, tương đương 0,98%, lên 2.473,78 điểm trong 15 phút đầu tiên của phiên giao dịch ngày 2/2.
Cũng trong sáng 2/2, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho đã triệu tập cuộc họp khẩn về tình hình kinh tế vĩ mô sau quyết định tăng lãi suất của FED.

Phát biểu tại cuộc họp với các quan chức tài chính, ngân hàng hàng đầu, Phó Thủ tướng Choo Kyung-ho cho biết bất ổn trên thị trường tài chính quốc tế đã giảm bớt với việc tăng lãi suất bước nhỏ lần này của Mỹ. Tuy nhiên, Hàn Quốc sẽ vẫn theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường để có các bước đi thích hợp.

Thị trường chứng khoán Tokyo của Nhật Bản cũng đã khởi sắc vào đầu phiên giao dịch ngày 2/2. 

Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 chuẩn tăng 0,45%, tương đương 122,19 điểm, lên 27.469,07 trong khi chỉ số Topix rộng hơn tăng 0,15%, tương đương 2,94 điểm, lên 1.975,17. Trong khi đó, đồng USD đứng ở mức 128,45 yen/USD so với 128,90 yen/USD.

Ông Toshiyuki Kanayama, nhà phân tích thị trường cao cấp của Monex, nhận định thị trường Tokyo được cho là "có khởi đầu vững chắc sau đà tăng của Mỹ".

Thanh Tuấn - Khánh Vân - Minh Châu  (TTXVN)