11:09 12/11/2016

Biển Đông: Thách thức không thể xem nhẹ của Mỹ thời ông Trump

Theo CNN, cả Trung Quốc và Mỹ đang trong một trò chơi "nguy hiểm" ở Biển Đông. Cạnh tranh ảnh hưởng Trung-Mỹ tại đây có thể sẽ dẫn đến nguy cơ nổ ra một cuộc xung đột trong tương lai.

Phát biểu trước đám đông người ủng hộ ở bang Indiana trong tháng 5, ông Trump tuyên bố: "Chúng ta không thể tiếp tục cho phép Trung Quốc cướp đoạt đất nước của chúng ta và đó là những gì chúng ta sẽ làm".

Biển Đông, một trong những tình hình địa chính trị căng thẳng nhất của thế giới. Ảnh: N.S

Nhưng giữa Mỹ và Trung Quốc hiện có 659 tỷ USD tổng giá trị thương mại về sản phẩm và dịch vụ. Mối quan hệ kinh tế giữa hai nước không chỉ quan trọng đối với sức khỏe nền tài chính của mỗi bên, mà còn đối với cả nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù hai cường quốc kinh tế thế giới này có mối quan hệ chặt chẽ về mặt kinh tế, nhưng họ không có quan điểm chung về rất nhiều vấn đề khác.

Bắt đầu với vấn đề Biển Đông, một trong những câu chuyện địa chính trị căng thẳng nhất của thế giới. Hành động xây dựng (phi pháp) đảo nhân tạo của Trung Quốc đã dẫn đến cảnh báo ở Mỹ. Mối quan ngại ở Washington là Trung Quốc có thể sẽ trở thành một cường quốc bá chủ trên thực tế, gia tăng ảnh hưởng lên các quốc gia Đông Nam Á, những nước đang có tranh chấp lãnh hải trong khu vực nhưng không có sức mạnh quân sự thực sự để hỗ trợ.

Biển Đông cũng là một trong những tuyến đường vận tải biển quan trọng nhất của thế giới. Hàng nghìn tỷ USD sản phẩm đi qua khu vực này mỗi năm - và Mỹ lo ngại rằng sự mở rộng của Trung Quốc có thể cuối cùng sẽ cho phép họ kiểm soát toàn bộ những tuyến đường này, do đó, có khả năng tác động đến dòng chảy tự do thương mại.

Có nhiều vấn đề Trung Quốc khác mà ông Trump phải đối mặt, bao gồm mối lo ngại về an ninh mạng và chuyện Trung Quốc có thao túng tiền tệ hay không. Nhiều nhà kinh tế bình luận rằng sự suy giảm kinh tế đang diễn ra của Trung Quốc có thể có những tác động tiêu cực trên toàn cầu. Và việc tiêu thụ than quy mô lớn của Trung Quốc đang làm gia tăng tình trạng nóng lên toàn cầu.

Nhưng mối quan ngại trực tiếp nhất có lẽ chỉ là Trung Quốc. Thực vậy, hãy nhìn vào Philippines, nơi Tổng thống Rodrigo Duterte đang đi ngược lại với truyền thống chính sách đối ngoại đã có nhiều thập kỷ.

Mỹ coi Philippines có lẽ là đồng minh mạnh mẽ nhất ở Đông Nam Á. Nhưng trong chuyến công du gần đây tới Bắc Kinh, ông Duterte cho biết muốn "chia tay Mỹ" cả về kinh tế và quân sự, và theo đuổi mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc.

Những gì xảy ra tiếp theo có thể làm thay đổi cán cân quyền lực ở Biển Đông. Để đối phó với sự thay đổi bất ngờ này trong mối quan hệ giữa Mỹ-Philippines - và điều đó có thể ảnh hưởng tới tham vọng khu vực của Bắc Kinh thế nào - nên là ưu tiên hàng đầu của ông Trump.

Cả Trung Quốc và Mỹ đang trong một trò chơi "nguy hiểm" ở Biển Đông. Những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp) cùng những trang bị mà Bắc Kinh triển khai trên đó, sẽ không được rút đi sớm. Và quân đội Mỹ, theo chính sách được vạch ra với sự giúp đỡ của bà Hillary Clinton khi còn là Ngoại trưởng Mỹ, đã chuyển nhiều sự tập trung của mình hơn sang Trung Quốc.

Chúng đều là những chiến lược dài hạn, và cả hai nước có những nguồn lực để thực hiện chúng. Cuộc cạnh tranh ảnh hưởng của hai cường quốc toàn cầu về một trong những tuyến đường biển quan trọng chiến lược của thế giới có thể sẽ dẫn đến nguy cơ nổ ra một cuộc xung đột trong tương lai - một thách thức mà vị tổng thống mới sắp tới của Mỹ không thể xem nhẹ.


Công Thuận (Theo CNN)