08:00 06/08/2012

Biến đổi khí hậu trừng phạt lối sống của con người

Theo mạng tin "economywatch.com", trong nhiều năm qua, các nhà khoa học đã cảnh báo thế giới về những mối đe dọa nghiêm trọng của biến đổi khí hậu do con người gây ra vì sử dụng quá nhiều các loại nhiên liệu hóa thạch như than, dầu, khí tự nhiên.

Theo mạng tin "economywatch.com", trong nhiều năm qua, các nhà khoa học đã cảnh báo thế giới về những mối đe dọa nghiêm trọng của biến đổi khí hậu do con người gây ra vì sử dụng quá nhiều các loại nhiên liệu hóa thạch như than, dầu, khí tự nhiên. Nồng độ khí cácbon, một sản phẩm phụ của việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, đang tăng nhanh trong khí quyển sẽ làm hành tinh nóng lên và làm thay đổi lượng mưa cũng như mô hình của các cơn bão và làm tăng mực nước biển.


 

Một cánh đồng chết khô vì nắng nóng và hạn hán ở hạt Fulton, bang Illinois - Mỹ.

Ngày nay, những thay đổi này không được sự quan tâm, thậm chí các công ty vận động hành lang đầy thế lực và nhà truyền thông khổng lồ như Rupert Murdoch cũng đang cố gắng phủ nhận sự thật này.


Trong những tuần gần đây, nhiều khu vực ở nước Mỹ đã rơi vào tình trạng hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử. Vùng trung tây và các bang có đồng bằng phì nhiêu, những vựa lúa lớn của nước Mỹ đã rơi vào tình trạng khô hạn nghiêm trọng. Cách đó nửa vòng Trái đất, khu vực thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) đã phải gánh chịu những tổn thất nặng nề từ các cơn mưa lớn, gây lũ lụt, ách tắc giao thông và cướp đi không ít mạng sống. Nhật Bản cũng phải đối mặt với những thảm họa tương tự. Trong khi đó, hai vùng đất khô cằn nghèo khó của châu Phi là Sừng châu Phi ở phía Đông và Sahel ở phía Tây, đã trải qua các đợt hạn hán kéo dài gây ra nạn đói nghiêm trọng trong suốt 2 năm qua.


Con người không chỉ tác động đến khí hậu của Trái đất mà còn tác động đến thành phần của nước biển, các môi trường sống trên đất và biển của hàng triệu loài; làm thay đổi chất lượng không khí và nước, cũng như các chu kỳ tuần hoàn của nước, nitơ, phốt pho và các thành phần cần thiết khác vốn là nền tảng cơ bản cho cuộc sống trên hành tinh. Trong nhiều năm trước đây, nguy cơ của biến đổi khí hậu được xem như vẫn còn rất xa vời. Tuy nhiên giờ đây, người ta đã hiểu rõ hơn về biến đổi khí hậu và cũng hiểu rằng nguy cơ đó đang xảy đến cho chính thế hệ của chúng ta ngày nay. Loài người đã bước vào một kỷ nguyên mới đầy nguy hiểm. Đối với giới trẻ, biến đổi khí hậu và những hiểm họa môi trường khác do con người gây ra sẽ là yếu tố quan trọng trong suốt đoạn đời còn lại của họ.


Các nhà khoa học đã lưu ý về sự khác biệt giữa khí hậu và thời tiết. Khí hậu là mô hình tổng thể của nhiệt độ và lượng mưa ở một nơi nhất định. Thời tiết là nhiệt độ và lượng mưa ở nơi đó vào một thời điểm cụ thể. Khi xem xét các điều kiện tự nhiên bất thường xảy ra như nhiệt độ quá cao hoặc lượng mưa quá nhiều hay quá ít, các nhà khoa học đã luôn nỗ lực tìm cách đánh giá về nguyên nhân gây ra có phải là kết quả của biến đổi khí hậu trong dài hạn hoặc đơn giản chỉ phản ánh một sự biến đổi hoàn toàn bình thường. Và bởi vậy, câu hỏi đặt ra là hạn hán ở Mỹ hay ở châu Phi hoặc lũ lụt dữ dội ở Bắc Kinh, phải chăng là trường hợp thời tiết xấu ngẫu nhiên, hay chỉ đơn thuần là hậu quả lâu dài của biến đổi khí hậu do con người gây ra?


Trong một thời gian dài, các nhà khoa học đã không thể trả lời một câu hỏi như vậy một cách chính xác. Họ không dám khẳng định thảm họa thời tiết cụ thể là do con người gây ra chứ không phải là một sự biến đổi tự nhiên. Tuy nhiên trong những năm gần đây, ngành khoa học khí hậu đã có những tiến bộ rất lớn trong cả nghiên cứu và thực nghiệm. Một số nghiên cứu đã cho thấy sự thay đổi khí hậu dài hạn ngày càng mang tính cực đoan hơn, chẳng hạn như sóng nhiệt, mưa lớn, hạn hán nghiêm trọng và các cơn bão mạnh. Bằng cách sử dụng các mô hình nghiên cứu khí hậu tiên tiến, các nhà khoa học không chỉ phát hiện sự thay đổi khí hậu trong dài hạn mà còn xác định được trong một số trường hợp đặc biệt có sự tác động của con người.


Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy loài người đang rơi vào tình trạng nguy hiểm của biến đổi khí hậu do chính con người gây ra. Và bởi vậy, cộng đồng toàn cầu cần phải có hành động nhanh chóng và kiên quyết hơn để chuyển đổi từ một nền kinh tế dựa trên nhiên liệu hóa thạch sang một nền kinh tế dựa trên công nghệ mới, tiên tiến, với nguồn năng lượng sạch, ít thải khí cácbon. Người dân trên hành tinh này đã sẵn sàng nghe và hành động theo thông điệp đó. Tuy nhiên thật đáng tiếc, các chính trị gia ở khắp mọi nơi đều tỏ ra nhút nhát, đặc biệt là khi các công ty dầu mỏ và than đá có những quyền lực chính trị đáng kể.


Thanh Hải (P/v TTXVN tại Canađa)