05:05 18/05/2018

Biến đổi khí hậu tại vùng núi Đông Bắc-Bài 1: Những ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế-xã hội

Vùng Đông Bắc bao gồm 9 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang và Quảng Ninh với diện tích chiếm khoảng 15,3% diện tích cả nước, dân số hơn 8,5 triệu người chiếm 9,35% dân số cả nước với 20 dân tộc, trong đó tập trung phần lớn là người dân tộc thiểu số Tày, Sán Chay, Sán Dìu, Nùng, Mông, Dao…

Đây là một trong những vùng có tỷ lệ nghèo cao trong cả nước. Đồng thời đồng bào dân tộc thiểu số cũng là đối tượng thuộc nhóm xã hội nhạy cảm, dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Tuy vậy, nhờ đặc trưng của mối quan hệ chặt chẽ giữa cộng đồng dân tộc thiểu số nơi đây với môi trường tự nhiên, nên từ những kinh nghiệm được đút rút trải qua hàng ngàn đời, họ luôn cố gắng tìm cách thích ứng-vừa có thể khai thác, vừa gìn giữ các nguồn lực tự nhiên để phát triển sinh kế bền vững, nhưng vẫn cần những giải pháp khả thi để phát huy được những kinh nghiệm vốn có nhằm ứng phó và thích ứng hiệu quả hơn.

Bài 1: Những ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế-xã hội

Trong những năm gần đây, các tác động gia tăng của biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh mẽ đến điều kiện tự nhiên, hoạt động sản xuất của người dân ở vùng núi Đông Bắc. Phần lớn các nhóm dân tộc thiểu số ở vùng này sinh kế chính là nông-lâm nghiệp và sống dựa vào thiên nhiên. Do đó, những thay đổi về hệ thống khí hậu tác động mạnh mẽ đến điều kiện sống và sản xuất ở nhiều quy mô và cấp độ khác nhau. Mặt khác, các tác động này thay đổi phức tạp, nhiều chiều và khó dự đoán, làm cho tình trạng nghèo đói và bất ổn tại vùng núi Đông Bắc trở nên trầm trọng hơn.

Nhiệt độ xuống thấp khiến trâu bò chết rét bắt đầu xuất hiện ở xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Quốc Đạt/TTXVN

Ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, chăn nuôi


Nghiên cứu của các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho thấy: Biến đổi khí hậu đang làm thay đổi hệ thống thời tiết - khí hậu đặc trưng của vùng núi Đông Bắc, kéo theo những thay đổi phức tạp, đa chiều khác trong hệ thống tự nhiên, gây ra những biến động về tần suất, cường độ và tính cực đoan của các hiện tượng thời tiết nguy hiểm (bão, dông, lốc, mưa đá…). Tình trạng thời tiết khô nóng kéo dài vào mùa hè; rét đậm, rét hại kèm sương muối vào mùa đông; lũ quét, sạt lở vào mùa mưa; hạn hán và thiếu nước tưới nghiêm trọng vào mùa khô.

Cụ thể là ở Lạng Sơn trong vài năm gần đây luôn xuất hiện tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài, nhiệt độ có lúc hạ thấp dưới 0 độ C. Riêng cơn bão số 2/2014 gây mưa lớn trên diện rộng, khu vực Mẫu Sơn có tổng lượng mưa lên tới 416mm. Còn ở tỉnh Hà Giang, từ năm 2004 đến năm 2010 lưu vực sông Con xảy ra 13 trận lũ quét; lưu vực sông Chảy 17 trận, chưa kể 167 điểm sạt lở …

Những thay đổi phức tạp của khí hậu - thời tiết tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, làm ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, năng suất cây trồng, thời vụ gieo trồng và tăng nguy cơ lây lan sâu bệnh. Hạn hán, rét đậm rét hại làm giảm hoặc phá hủy hoàn toàn diện tích đã được gieo trồng. Kết quả nghiên cứu ở vùng Đông Bắc từ năm 2011 đến nay cho thấy, diện tích các cây trồng bị tổn thất hàng năm khoảng trên 9.000 ha.

Biến đổi khí hậu, đặt biệt là sự thay đổi nhiệt độ và lượng mưa đã tác động lớn đến sinh thái cây trồng, đồng thời cũng tác động tới sự thay đổi tập quán sản xuất của đồng bào các dân tộc. Chẳng hạn như đồng bào buộc phải thay đổi tập đoàn cây trồng, lựa chọn nhiều loại cây có sức chống chọi với biến đổi khí hậu dần được thay thế các loại cây có sức chịu đựng kém. Ví dụ như thảo quả, hồi, lê, quýt ở Lạng Sơn; chè shan tuyết, cam, chanh ở Hà Giang; giảo cổ lam, chè dây ở Cao Bằng…

Đối với ngành chăn nuôi ở vùng núi Đông Bắc, biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh trên vật nuôi. Cụ thể như hiện tượng sốc nhiệt của vật nuôi do nhiệt độ môi trường tăng cao cùng với biên độ dao động nhiệt độ lớn, làm cho vật nuôi không kịp thích ứng. Việc bùng phát dịch cúm gia cầm do khí hậu thay đổi phá vỡ sự vận động và di trú tự nhiên của các loài chim hoang dã, khiến chúng tiếp xúc nhiều hơn với gia cầm. Dịch bệnh lở mồm long móng, tai xanh ở trâu bò và lợn cũng xảy ra ngày càng nhiều hơn, thậm chí cả trên gia súc đã được tiêm phòng.

Theo báo cáo thống kê của Cục Thú y năm 2015, dịch lở mồm long móng xuất hiện nhiều hơn trong giai đoạn 2006-2015 ở các tỉnh Đông Bắc. Trong đó các tỉnh có đàn gia súc thường xuyên mắc bệnh này là Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn. Năm 2015, tại tỉnh Bắc Kạn vi rút gây bệnh lở mồm long móng là một chủng loại mới thuộc type A làm chết hàng trăm con trâu bò.

Ảnh hưởng của giá rét kéo dài cũng là nguyên nhân gây ra rất nhiều thiệt hại cho ngành chăn nuôi trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. Nhiệt độ thấp (rét đậm và rét hại) làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể, tăng nguy cơ mắc bệnh từ đó gây chết vật nuôi. Đợt lạnh ở vùng núi phía Bắc vào năm 2008 đã làm chết hơn 54.000 con trâu bò, trong đó riêng tỉnh Hà Giang có 18.000 con.

Nguy cơ gia tăng nghèo đói

Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng tác động tiêu cực đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu nhập và tiếp cận dịch vụ xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Đông Bắc. Trước hết là nhiệt độ thay đổi thất thường làm tăng thêm số lượng người mắc bệnh ho, sốt, viêm xương khớp, viêm phổi, tiêu chảy…nhất là ở trẻ em và người già. Nhiệt độ tăng cao và kéo dài gây hạn hán làm cạn kiệt nguồn nước cũng ảnh hưởng thêm đến sức khỏe người dân, tăng thêm gánh nặng cho phụ nữ và trẻ em vùng cao trong việc bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho gia đình họ.

Khu vực đã và đang thiếu nước nghiêm trọng nhất là 4 huyện vùng cao thuộc cao nguyên đá Đồng Văn là Quảng Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang. Hiện 14/19 xã của huyện Mèo Vạc, 13/19 xã của huyện Yên Minh, 10/13 xã của huyện Quảng Bạ bị thiếu nước trầm trọng trong mùa khô hạn.

Cùng với đó là thiên tai diễn ra ở vùng này với tần suất cao hơn và cường độ lớn hơn. Chỉ tính riêng hoàn lưu cơn bão số 2 vào tháng 7/2014 đã gây thiệt hại cho tỉnh Lạng Sơn 460 tỷ đồng, làm chết 4 người, 8.500 ngôi nhà bị ngập nước, 5.600ha lúa bị ngập úng; 2.300 gia súc bị chết…

Biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo của đồng bào vùng cao Đông Bắc, thông qua việc làm giảm khả năng sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Để có thêm thu nhập, người dân vùng núi nơi đây buộc phải di cư xuống vùng thấp và đến các thành thị để tìm kiếm việc làm. Những người này hầu hết trong độ tuổi lao động và chủ yếu là nam giới, chỉ còn phụ nữ, trẻ em, người già ở lại quê hương và là những đối tượng dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu.

Mặt khác, những bất ổn về điều kiện sản xuất, chăn nuôi và sinh sống làm suy giảm sinh kế, giảm thu nhập. Do đó những chi phí tái đầu tư sản xuất, chi phí  cho y tế và giáo dục sẽ giảm xuống, làm cho tình trạng đói nghèo, bệnh tật, thất học trầm trọng
hơn.

Bài cuối: Kinh nghiệm và giải pháp phát huy khả năng thích ứng
Văn Hào (TTXVN)