06:17 28/06/2018

Biến đổi gia đình Việt Nam trong mối quan hệ với gia đình trên thế giới

Ngày 28/6, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế “Biến đổi gia đình Việt Nam trong mối quan hệ với biến đổi gia đình thế giới” nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6.

Tại hội thảo, các nhà khoa học cùng thảo luận về chủ đề biến đổi gia đình trong một thế giới động và cung cấp nhiều quan điểm, góc nhìn, luận cứ khoa học cho cộng đồng những nhà khoa học và lập chính sách trong lĩnh vực gia đình.

 

Chú thích ảnh
Các gia đình thi nấu ăn trong Ngày hội “Gia đình ấm áp yêu thương” tại Gia Lai. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN

 

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Chủ nhiệm Chương trình gia đình cho biết: Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế đang đặt ra những vấn đề mới trong sự phát triển của gia đình Việt Nam, như đâu là bản sắc của gia đình Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế? Những thách thức chủ yếu của gia đình Việt Nam hiện nay trong quá trình phấn đấu đạt được mục tiêu gia đình no ấm, tiến bộ và hạnh phúc...

 

Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế cùng thảo luận về đặc điểm và xu hướng biến đổi gia đình Việt Nam trong mối quan hệ với sự biến đổi của gia đình các nước trong khu vực; giải pháp xây dựng gia đình Việt Nam vững mạnh, mở ra những cánh cửa để phát triển sự hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực gia đình giữa các nhà khoa học Việt Nam và thế giới.

 

Việt Nam đang bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh chóng, cùng với đó là những thách thức mà gia đình Việt Nam phải đối mặt như vấn đề chăm sóc trẻ em, người già, việc cân bằng giữa công việc và gia đình, mối quan hệ liên thế hệ, mối quan hệ giữa vợ và chồng... dưới ảnh hưởng của áp lực kiếm sống, di cư và việc tiếp cận các dịch vụ xã hội...

 

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang hội nhập mạnh mẽ vào khu vực và thế giới về mọi mặt, những ảnh hưởng của quá trình khu vực hóa và toàn cầu hóa cũng đang đặt ra nhiều câu hỏi lớn trong việc tìm hiểu về sự biến đổi của gia đình Việt Nam trong sự biến đổi chung của gia đình trên thế giới.

 

Nhận định về đặc trưng cơ bản của hôn nhân ở Việt Nam đang biến đổi nhanh trong thời gian gần đây, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Minh, Phó Chủ nhiệm Chương trình Gia đình cho biết: Khi kinh tế tăng trưởng, đầu tư cho các lĩnh vực xã hội tăng đã giúp bất bình đẳng giới trong giáo dục dần được xóa bỏ, từ đó truyền bá những quan niệm mới, tiến bộ về hôn nhân gia đình.

 

Người con trưởng thành đã dần tăng sự độc lập về kinh tế đối với cha mẹ và có những quyết định độc lập hơn trong hôn nhân. Đồng thời, mức đô thị hóa, công nghiệp hóa tăng cao cũng thay đổi lối sống nông thôn truyền thống. Hiện nay trong xã hội đã hình thành chủ yếu các gia đình hạt nhân, lỏng lẻo hơn mối quan hệ thân thuộc như họ hàng, làng xóm...; xuất hiện nhiều hơn xu hướng độc thân với nữ trên 40 tuổi và nam trên 45 tuổi chưa từng kết hôn.

 

Theo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trong nhiều năm qua, đặc biệt từ năm 1994, “Năm Quốc tế về Gia đình”, các hoạt động nghiên cứu về gia đình ở Việt Nam đã được đẩy mạnh. Cùng với những tổ chức nghiên cứu khác của đất nước, các viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tiến hành nhiều nghiên cứu ở các quy mô và phạm vi khác nhau về gia đình.

 

Kết quả các nghiên cứu này đã góp phần phát hiện và lý giải những vấn đề mới xuất hiện của gia đình, chỉ ra những đặc điểm và xu hướng biến đổi của gia đình Việt Nam trong thời kỳ đổi mới; đồng thời cung cấp các luận cứ khoa học cho việc xây dựng luật, các nghị định, chính sách xã hội nhằm phát huy vai trò to lớn của gia đình trong việc bảo đảm hạnh phúc và phát triển cho các thành viên gia đình cũng như sự ổn định và phát triển xã hội.

 

“Tuy nhiên, những nghiên cứu triển khai trong các thập niên trước về gia đình thường có quy mô không lớn, thiếu tính hệ thống. Các kết quả nghiên cứu chưa đáp ứng được yêu cầu đối với vấn đề hoạch định chính sách có hiệu quả xây dựng gia đình Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế. Đặc biệt nếu tính từ khi có cuộc Điều tra Gia đình Việt Nam 2006 đến năm 2014 thì không có một cuộc điều tra nào ở cấp quốc gia về những vấn đề chung của gia đình. Vì vậy, khó có thể nói đến một bức tranh chung về sự biến đổi đặc điểm gia đình Việt Nam trong những thập niên qua và xu hướng trong thời gian tới”, Tiến sỹ Nguyễn Quang Thuấn nhận định.

 

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện Chương trình “Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế” theo Quyết định số 1004/QĐ-TTg ngày 20/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2016 gồm 12 đề tài thành phần phân tích những lĩnh vực khác nhau thuộc đời sống gia đình như: Hôn nhân, hệ thống giá trị cơ bản của gia đình, an sinh xã hội của gia đình, hoạt động tín ngưỡng và tôn giáo trong gia đình, bạo lực gia đình, ly hôn, đặc điểm gia đình trung lưu, xu hướng biến đổi gia đình Việt Nam...

 

Chương trình nhằm nhận diện những đặc điểm cơ bản của gia đình Việt Nam và xu hướng biến đổi trong giai đoạn hiện nay và thập niên tiếp theo; xác định các yếu tố tác động đến sự biến đổi của gia đình Việt Nam; đề xuất các luận cứ khoa học phục vụ việc hoạch định chính sách xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ và hạnh phúc.

 

Hoàng Nam (TTXVN)