01:14 28/01/2011

Biến di sản thành sản phẩm du lịch độc đáo

Hà Nội là Thủ đô 1000 năm tuổi. Và cùng với bề dày về thời gian, Hà Nội hào hoa và thanh lịch còn có bề dày về truyền thống văn hóa, lịch sử làm nên hồn cốt Thăng Long, đầy hấp dẫn.

Hà Nội là Thủ đô 1000 năm tuổi. Và cùng với bề dày về thời gian, Hà Nội hào hoa và thanh lịch còn có bề dày về truyền thống văn hóa, lịch sử làm nên hồn cốt Thăng Long, đầy hấp dẫn.


Tuy nhiên, làm thế nào để những tiềm năng này trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo, đủ sức hấp dẫn, lôi cuốn du khách trong và ngoài nước đang là trăn trở của những người làm du lịch Hà Nội.

“Vẻ đẹp” vẫn... tiềm ẩn

Thủ đô Hà Nội có trên 5.000 di tích, chiếm tới 40% di tích của cả nước, trong đó có gần 1.000 di tích được cấp bằng di tích cấp quốc gia. Riêng trong năm 2010, năm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đã có 3 di sản được UNESCO vinh danh, gồm: 82 Bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới; Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Khách tham quan di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Lê Phú.

Ngoài di tích lịch sử văn hóa, Hà Nội còn có những không gian văn hóa làng cổ, phố cổ, phố cũ, thắng cảnh, tạo nên những nét đặc sắc, làm nên hồn cốt của Thăng Long ngàn năm văn hiến. Đây là một lợi thế mà Hà Nội dự kiến đưa vào quy hoạch chiến lược phát triển du lịch Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020.

Tiềm năng phong phú là vậy, nhưng với những người làm du lịch, những di sản Hà Nội vẫn chưa thể thành một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh để chào bán tới du khách quốc tế. Có chăng, những di sản văn hóa này chủ yếu phục vụ khách nội địa, du lịch nội vùng.
 
Ông Nguyễn Xuân Quỳnh, Giám đốc Công ty du lịch Tương lai Việt cho biết, nhiều hãng lữ hành đưa ra không ít các sản phẩm du lịch như: Nghỉ dưỡng, biển, mạo hiểm… để giới thiệu tới du khách nước ngoài nhưng hiếm có đơn vị lữ hành nào mạnh dạn xây dựng tour chuyên đề về di sản văn hóa Hà Nội để chào bán thường xuyên.

Có chăng, chỉ khi nào khách đăng ký, họ mới tổ chức tour khám phá, tìm hiểu các nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán hoặc tổ chức ghép với sản phẩm tour xuyên Việt khác.

Đầu tư để hấp dẫn khách

Các tour dành cho khách quốc tế khi đến thăm các di sản văn hóa Hà Nội thường theo hành trình: Văn Miếu - đền Quán Thánh - chùa Trấn Quốc - Lăng Bác - Bảo tàng Dân tộc học - thăm phố cổ bằng xích lô hoặc đi bộ. Thường tour này khép kín trong một ngày, nếu khách ở lại 2 ngày sẽ đi xe đạp thăm làng nghề trên tuyến: Làng cổ Đường Lâm, chùa Thầy…

Anh Lại Văn Quân, Trưởng phòng Điều hành của Công ty du lịch Mai Linh cho biết: Trong 3 di sản mà UNESCO công nhận, Văn Miếu có nhiều khách tham quan nhất do được quảng bá mạnh và cơ sở hạ tầng khá hoàn thiện. Với lễ hội Gióng sẽ khó khăn trong việc giới thiệu khách quốc tế bởi thời gian tổ chức cố định.

82 bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới. Ảnh: Lê Phú

Tuy nhiên, lễ hội Gióng sẽ hấp dẫn khách nội địa với điểm tham quan tượng đài Thánh Gióng và Học viện Phật giáo gần đó. Riêng với Hoàng thành Thăng Long, đã có một số công ty du lịch đưa vào giới thiệu trong tour, nhưng chỉ có khách có am hiểu về văn hóa mới đăng ký tour này. “Với Hoàng thành Thăng Long, phần lớn giá trị văn hóa nằm dưới lòng đất và chỉ có nhà chuyên môn mới hiểu được.
 

Do đó, để khách hiểu đầy đủ về giá trị lịch sử Hoàng thành Thăng Long, cần phải có đội ngũ thuyết minh viên tại chỗ có trình độ, đồng thời bố trí sơ đồ khoa học để khách dễ hiểu”, ông Phạm Hoàng Tuấn, Trưởng phòng Xúc tiến của Vietnamtourist tại Hà Nội nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, anh Trần Quốc Hùng, hướng dẫn viên của Hanoi Redtour cho biết: “Tôi có hướng dẫn một vài đoàn khách quốc tế đến Hoàng thành Thăng Long, khách rất ấn tượng với đôi rồng đá ở thềm điện Kính Thiên.
 
Còn với các hiện vật khác, nếu không phải là hướng dẫn viên giỏi, sẽ khó chuyển tải giá trị di sản này tới khách, nhất là khách quốc tế am hiểu văn hóa sẽ hỏi rất cặn kẽ, so sánh với những hiện vật họ đã từng xem ở các nơi khác”.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội cho biết: Khu di tích hiện tại bằng 1/50 của Cấm thành Thăng Long cũ. Trục chính tâm còn tương đối rõ. Khi khai quật phát hiện nhiều dấu tích của các triều đại khác nhau.

Các di vật đều nằm ở độ sâu 1,5 – 2 m, nhiều nơi sâu đến 4 m. Việc bảo tồn khu di tích được Chính phủ ưu tiên quan tâm và trung tâm đang trưng cầu ý kiến chuyên gia trong và ngoài nước để bảo tồn. Đối với việc phát triển đây thành điểm du lịch, trung tâm đang phối hợp với Sở VH,TT&DL Hà Nội giới thiệu trên các ấn phẩm quảng bá du lịch, hỗ trợ đào tạo hướng dẫn viên.

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội cho biết: 3 di sản văn hóa được UNESCO công nhận và một số điểm văn hóa nổi bật đã được ngành du lịch lập một đề án riêng trong việc quy hoạch và phát triển.

Bên cạnh việc phối hợp với Văn phòng UNESCO mở lớp đào tạo hướng dẫn viên di sản, ngành du lịch Hà Nội và ngành hữu quan lập đề án tái tạo Hoàng thành Thăng Long bằng công nghệ 3D, giúp du khách có cái nhìn trực quan. Trong quy hoạch phát triển, ngành du lịch Hà Nội tập trung xây dựng 3-4 tuyến điểm du lịch văn hóa nổi bật để quảng bá thu hút khách.

Xuân Cường