07:11 09/07/2014

Biển đảo lại nóng trong đề thi địa lý

Đề thi toán ở cả 2 khối khá vừa sức, thí sinh có học lực khá có thể đạt 7 điểm trở lên. Môn địa (khối C) “nóng” với đề thi liên quan đến biển đảo, chủ quyền hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Sáng 9/7, các thí sinh đã thi các môn địa (khối C), môn toán (khối B,D). Theo đánh giá chung, đề thi toán ở cả 2 khối khá vừa sức, thí sinh có học lực khá có thể đạt 7 điểm trở lên. Đề thi môn địa (khối C) “nóng” với chủ đề biển đảo và chủ quyền hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.


Đề thi môn địa khối C năm nay được các thí sinh đánh giá cao. Nhiều thí sinh nhận định, đề có 4 câu hỏi thì đa phần đều đề cập đến vấn đề gắn với đời sống, thực tế. Đặc biệt câu 1 với nội dung: “Trình bày vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việc đánh bắt hải sản của ngư dân nước ta ở ngư trường quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa có ý nghĩa như thế nào về an ninh quốc phòng?” được nhiều thí sinh thích thú.


Thí sinh Nguyễn Thị Đào (Bắc Ninh) cho biết: “Trong 4 câu hỏi, em thích nhất là câu hỏi số 1 về vấn đề biển đảo. Đây là vấn đề thời sự, nhiều người quan tâm. Trong bài thi em đã khẳng định: Các ngư dân đánh bắt tại các ngư trường của nước ta ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là những “cột mốc chủ quyền” của đất nước, đóng vai trò quan trọng khẳng định chủ quyền của đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 ở vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của nước ta, thì vấn đề bảo đảm cho ngư dân đánh bắt ở đây càng quan trọng hơn bao giờ hết”.

Đề thi môn địa nóng với vấn đề biển đảo.


Một số thí sinh khác cũng cho biết, đề thi môn địa không chỉ giúp thí sinh thể hiện kiến thức, mà còn giúp các em có thể thể hiện quan điểm và suy nghĩ của mình về những vấn đề mà cả dân tộc đang hướng tới.


Thí sinh  Tống Văn Đức, tại điểm thi trường ĐH Luật, cho biết, đề địa lý với dạng mở, khá phù hợp với kiến thức của học sinh hiện nay, đặc biệt cho vấn đề biển Đông vào trong đề sẽ giúp thí sinh tìm hiểu và nắm bắt tình hinh đất nước tới đâu. Đức cũng cho biết, em thường xuyê xem thời sự, đọc báo, nghe đài về tình hình biển Đông, vì vậy có rất nhiều kiến thức để có thể làm bài. “Với đề sáng nay em được bày tỏ ý kiến, quan điểm về vấn đề biển đông”, Đức nói.


Đối với câu hỏi số 1 liên quan đến hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, Đức cho biết, em làm câu này trong khoảng 15 phút với nội dung: “Việc ngư dân đánh bắt hải sản trên hai quần đảo này đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam, với việc đánh bắt như vậy dân và quân ở hai quần đảo này sẽ vững tin để bảo vệ lãnh thổ”.


Với môn toán khối B, đề thi được đánh giá là không quá khó, vừa sức đối với thí sinh. Tại điểm thi trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhiều thí sinh ra trước giờ thi và tự tin đạt điểm 7 trở lên.


Đề toán khối B được đánh giá vừa sức thí sinh.


Thí sinh Dương Mạnh Đạt (Hà Nội) thi khoa Sư phạm Sinh học tại ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, đề thi năm nay có 9 câu với các nội dung: khảo sát, tính xác suất, phương trình, tích phân… khá vừa sức thí sinh. So với năm ngoái, đề chủ yếu thay đổi về hình thức ra đề, đề thi năm nay không bao gồm phần thi bắt buộc và tự chọn như những năm trước mà toàn bộ câu hỏi là phần bắt buộc. “Câu 8 và câu 9 là hai câu hỏi khó nhất, với nội dung về giải hệ phương trình và tính giá trị nhất, là những nội dung khó và ít được ôn luyện nên em không tự tin lắm. Dự tính em sẽ đạt 7,5 điểm”, Đạt cho biết.


Còn thí sinh Nguyễn Thị Thanh Hương (Quốc Oai, Hà Nội) đánh giá, với những bạn học lực khá có thể dễ dàng đạt điểm 7 với môn toán. “So với năm ngoái, đề không có phần để thí sinh tự chọn. Em thấy nếu có phần tự chọn sẽ giúp thí sinh “có lợi” hơn”, Hương chia sẻ.


Môn toán khối D cũng được đánh giá là vừa sức với thí sinh. Đề thi có 9 câu hỏi, trong đó, nội dung giải hệ phương trình được đánh giá là khó nhất. Tại điểm thi ĐH Sư phạm sáng 9/7, đa phần thí sinh nhận định đề thi môn toán khối D năm nay khó hơn năm 2013, thậm chí còn khó hơn đề toán khối A năm nay.  Thí sinh Trần Thị Lan Phương (Phú Thọ) cho biết, đề thi gồm cả nội dung nâng cao, cần vận dụng nhiều kiến thức mới có thể làm được. “Em làm được khoảng 70 %, nhiều bạn cùng phòng em có học lực tốt thì làm xong sớm và tự tin đạt điểm 9, 10”, Phương cho biết.


Đề thi môn toán khối D.


Em Nguyễn Bích Ngọc (THPT Nguyễn Tất Thành) cho biết, đề thi toán năm nay nằm trong chương trình phổ thông, tuy nhiên đa phần các câu hỏi đều khó và phân loại được thí sinh. Ngọc nói: “Đề thi năm nay khó nhất câu hỏi hình học và câu tìm giá trị nhỏ nhất. Mặc dù em đã ôn tập khá kỹ nhưng vẫn bất ngờ với đề thi này. Em làm được khoảng 70%, phòng em có nhiều bạn ra sớm vì đề khó, không làm được hết”.


Thí sinh bàn luận về bài làm sau giờ thi sáng nay.


Thí sinh Nguyễn Thị Thanh (Hải Dương) thì nhận xét, đề thi toán khối D có độ khó đồng đều giữa các câu hỏi, không có những câu dễ để gỡ điểm như đề thi khối A.  Thanh cũng nhận định, câu hỏi khó nhất là tìm giá trị nhỏ nhất của biểu thức. Đây là câu phân loại thí sinh, chỉ những bạn học giỏi hoặc có ôn tập dạng bài này rất kỹ mới có thể làm được. Nguyễn Thị Thanh chia sẻ, đề thi năm nay hơi quá sức với những học sinh có học lực trung bình, nếu không học kỹ chỉ đạt được 4-5 điểm.


Thu Trang