01:18 08/01/2022

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh: Biến đau thương thành hành động, tăng tốc khôi phục và phát triển kinh tế

Chiều 8/1, phát biểu kết luận Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 do UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, năm 2021 là một năm thử thách chưa có tiền lệ đối với Đảng bộ, người dân Thành phố khi kẻ thù vô hình COVID-19 bùng phát dữ dội.

Chú thích ảnh
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu chỉ đạo. Ảnh: TTXVN phát

Để có được ngày hôm nay khi dịch COVID-19 đã được khống chế, Thành phố chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, Thành phố đã phải trải qua nhiều giây phút khó khăn. Điều này càng thôi thúc mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân Thành phố không thể quên về những người không thể vượt qua đại dịch, không thể quên công ơn của những người đã hết sức giúp đỡ, hỗ trợ, đồng cam cộng khổ cùng Thành phố. Điều này cũng thôi thúc Thành phố phải "biến đau thương thành hành động, mau chóng khôi phục và phát triển kinh tế". 

Thu ngân sách vượt chỉ tiêu, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng, hệ thống ngân hàng và một số ngành có mức tăng trưởng… là những điểm sáng, góp phần để Thành phố đạt được gần 50% chỉ tiêu lớn đã đề ra trong năm 2021. Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, Thành phố cũng đã phải chấp nhận một số tổn thất khi một số ngành kinh tế bị đứt gãy chuỗi cung ứng như: logictics, dịch vụ, một số doanh nghiệp đóng cửa, nhiều lao động không có việc làm, nhiều chủ cơ sở kinh doanh phải vay mượn để trả tiền thuê đất… 

“Vượt qua những chướng ngại vật đó, với tâm thế và suy nghĩ mới, Thành phố sẽ hành động quyết liệt để tăng tốc, đạt được các kế hoạch đề ra cho năm 2022. Trong đó có những nhiệm vụ trọng tâm như: Củng cố hoạt động chính quyền đô thị, sơ kết Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù để tiếp tục có những kiến nghị, đề xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, tập trung chuyển đổi số kinh tế, xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, năng động sáng tạo…”, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh. 

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: TTXVN phát

Trước đó, phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, bước vào năm 2022, Thành phố vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức; trước mắt cần giải quyết 3 vấn đề lớn gồm: quản trị, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông cơ sở dữ liệu trong hoạt động, tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng Thành phố trong tương lai. Muốn đạt được các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra trong năm 2022, Thành phố phải nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền cơ sở, cải thiện mạnh môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cấp chính quyền. 

Năm 2022, Thành phố đề ra 19 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) đạt từ 6 - 6,5%; duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%. Tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP; chi đầu tư cho khoa học và công nghệ đạt bình quân trên 0,75%/GRDP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm; thu ngân sách đạt 386.568 tỷ đồng... 

Chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế Thành phố giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, giai đoạn 1 phục hồi từ nay đến hết năm 2022, Thành phố sẽ khắc phục các hệ lụy, khôi phục những đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; giúp những doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường, phục hồi sản xuất, kinh doanh; tạo việc làm, chăm lo an sinh xã hội và các hoạt động văn hóa - xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19. 

Giai đoạn 2 phát triển, từ năm 2023 - 2025, Thành phố tiếp tục kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh; giải quyết các điểm nghẽn đối với sự phát triển nhanh và bền vững của Thành phố; tập trung mọi nguồn lực để phát huy các thế mạnh về kinh tế, tài chính, thương mại - mua sắm, dịch vụ logistics, du lịch, đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ, dịch vụ chất lượng cao về y tế, giáo dục.

Trần Xuân Tình (TTXVN)