03:11 29/03/2019

Bị Mỹ kêu gọi ‘tẩy chay’, Huawei vẫn lập kỷ lục doanh thu trên 100 tỉ USD

Mảng kinh doanh của Huawei, trong đó chủ lực là smartphone, đã trở thành nhánh đóng góp lớn nhất vào doanh thu kỷ lục trên 100 tỉ USD của “người khổng lồ” công nghệ Trung Quốc trong năm 2018. 

Chú thích ảnh
Huawei đạt doanh thu "khủng" nhờ doanh số bán ra cao của mảng điện thoại thông minh. Ảnh: Reuters

Theo thông báo đưa ra ngày 29/3, nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới Huawei đạt doanh thu 721,2 tỉ nhân dân tệ (tương đương 107,1 tỉ USD) trong năm 2018, tăng 19,5% so với năm trước. Như vậy, tập đoàn này đã kết thúc thắng lợi 1 năm đối mặt nhiều trở ngại, trong đó có vụ Canada bắt giữ Giám đốc Tài chính Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ và việc Washington ra lệnh cấm các cơ quan chính phủ sử dụng thiết bị Huawei, đồng thời kêu gọi các đồng minh thực thi chính sách tương tự nhằm ngăn cản Huawei phát triển mạng lưới 5G ra toàn thế giới.

Với kết quả tài chính mới nhất, Huawei đã gia nhập câu lạc bộ 100 tỉ USD gồm nhiều công ty công nghệ đa quốc gia như Apple, Google.

Tốc độ tăng trưởng doanh thu của Huawei trong năm 2018 đã tăng mạnh hơn so với mức 15,7% của năm 2017. Huawei cũng cho biết họ đã đầu tư 101,5 tỉ nhân dân tệ vào nghiên cứu và phát triển trong năm 2018, chiếm gần 14% doanh thu.

Công bố tài chính của Huawei được đưa ra một ngày sau khi Anh tuyên bố tập đoàn công nghệ Trung Quốc đặt ra nguy cơ lớn đối với các mạng lưới viễn thông của nước này do Huawei chưa lấp được những lỗ hổng an ninh được phát hiện trong các thiết bị và phần mềm mà họ cung cấp. Kết luận này được một cơ quan tư vấn thuộc chính phủ đưa ra. Tuy nhiên, bản báo cáo không xem nguy cơ Chính phủ Trung Quốc can thiệp thông qua mạng lưới của Huawei là một nguyên nhân gây rủi ro an ninh.

Chú thích ảnh
Điện thoại 5G Mate X có thể gập được của Huawei đã ra mắt ngày 24/2. Ảnh: Bloomberg

Trước đó, cũng trong tuần này Ủy ban Châu Âu đã bỏ qua lời kêu gọi của Mỹ về việc cấm các thiết bị của Huawei, khi công bố một loạt khuyến nghị về an ninh mạng đối với mạng lưới 5G tại châu Âu nhưng không đưa ra lệnh cấm nhà mạng Trung Quốc.

Hiện tại nhiều nước châu Âu muốn Huawei xây dựng mạng 5G trên đất nước họ vì tập đoàn Trung Quốc cung cấp một trong những dịch vụ tốt nhất với giá rẻ. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Trump lại có quan điểm hoàn toàn khác. Washington lo ngại việc cho phép một công ty Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng như vậy là một rủi ro an ninh quốc gia nghiêm trọng và đã cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể sử dụng mạng lưới này để theo dõi thế giới. Mỹ đã cấm Huawei thực hiện bất kỳ dự án nào với các cơ quan chính phủ cũng như với các nhà thầu của chính phủ. Washington cũng thúc ép các nhà lãnh đạo châu Âu làm điều tương tự, thậm chí đe dọa ngừng chia sẻ thông tin tình báo với chính phủ nào hợp tác với Huawei.

Đáp lại những cáo buộc và lo ngại từ Mỹ và một số đồng minh như Ba Lan, Australia, Nhật Bản,  Chủ tịch luân phiên mang công nghệ của Huawei ông Guo Ping phát biểu với truyền thông ngày 29/3 rằng: “Bảo vệ an ninh mạng và an ninh cá nhân chắc chắn là ưu tiêu hàng đầu trong chương trình của chúng tôi. Chúng tôi tin tưởng rằng các công ty lựa chọn hợp tác với Huawei sẽ là những công ty cạnh tranh cao nhất trong kỷ nguyên 5G”. Ông Guo Ping nói thêm rằng những quốc gia lựa chọn Huawei sẽ “giành lợi thế trong làn sóng tăng trưởng mới của nền kinh tế kỹ thuật số”.

Chú thích ảnh
Chủ tịch luân phiên mảng công nghệ của Huawei, Guo Ping phát biểu tại Triển lãm thương mại MWC Barcelona tháng 2/2019. Ảnh: AFP 

Trước đó, Giám đốc Tài chính của Huawei Mạnh Vãn Chu, con gái nhà sáng lập tập đoàn Nhậm Chính Phi, luôn là người công bố các kết quả tài chính thường niên. Hiện tại bà Mạnh Vãn Chu đối mặt với phán quyết dẫn độ từ Canada sang Mỹ để chịu xét xử về những cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt chống Iran. Huawei phản đối vụ bắt giữ và cho rằng đây là hành động vi phạm các quyền hợp hiến của bà Mạnh. Đầu tháng 3 này, công ty đã nộp đơn kiện Chính phủ Mỹ ra tòa án liên bang nhằm lật lại phán quyết cấm các thiết bị của hãng này tại Mỹ.

Trong khi Huawei công bố các thắng lợi tài chính, thì tập đoàn đối thủ cạnh tranh của họ là ZTE, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn số 2 Trung Quốc, thông báo khoản lỗ kỷ lục 6,98 tỉ nhân dân tệ trong năm 2018 do phải ngừng các hoạt động quan trọng trong gần 4 tháng kể từ tháng 4/2018. ZTE đã đồng ý trả 1 tỉ USD tiền phạt cho Bộ Thương mại Mỹ và nộp bảo lãnh 400 triệu USD trong thỏa thuận dàn xếp về vụ vi phạm lệnh cấm bán thiết bị cho Iran.

Tăng trưởng doanh thu kỷ lục của Huawei được hỗ trợ chủ yếu nhờ tăng trưởng mạnh ở lĩnh vực kinh doanh tiêu dùng, trong đó mảng điện thoại di động là thành phẩn chủ lực. Lãnh đạo mảng kinh doanh điện thoại của Huawei ông Richard Yu Chengdong đã cam kết sẽ giành 50% thị phần smartphone Trung Quốc vào cuối năm 2019 và đặt mục tiêu “hạ bệ” người khổng lồ Samsung của Hàn Quốc khỏi vị trí số 1 toàn cầu không muộn hơn năm 2020.

Với mảng công nghệ 5G, đầu tháng 3 này, Huawei khẳng định họ đã ký được 30 hợp đồng 5G, trong đó có 18 hợp đồng tại châu Âu, 9 tại Trung Đông, 3 tại châu Á – Thái Bình Dương. Trong khi đó, Ericsson công bố ký được 16 hợp đồng 5G, với 5 tại châu Âu; và Nokia giành được trên 70 hợp đồng trên toàn cầu.

Thu Hằng/Báo Tin tức