09:22 11/09/2012

Bí mật dự án trực thăng cho tổng thống Mỹ - Kỳ cuối: Tổng thống vẫn “xài” trực thăng cũ

Các quan chức của hãng Lockheed Martin cho rằng, nguyên nhân của việc chi phí bị đội lên và chương trình bị chậm là do chính phủ khăng khăng yêu cầu tiến hành nhiều cải tiến đối với phiên bản trực thăng chuyên cơ đầu tiên.

Các quan chức của hãng Lockheed Martin cho rằng, nguyên nhân của việc chi phí bị đội lên và chương trình bị chậm là do chính phủ khăng khăng yêu cầu tiến hành nhiều cải tiến đối với phiên bản trực thăng chuyên cơ đầu tiên. Tháng 3/2009, chính phủ đưa ra một báo cáo với nội dung vấn đề an ninh hậu vụ khủng bố 11/9 đã dẫn đến một “chiến lược mua sắm mạnh mẽ”, những nhầm lẫn về đặc tính kỹ thuật và các quy trình chế tạo, thử nghiệm và sản xuất là những nguyên nhân khiến dự án bị đổ bể.


 

Chương trình trực thăng trinh sát vũ trang RAH-66 Comanche của Lục quân Mỹ đã bị hủy bỏ vào năm 2004.

Tuy nhiên, việc chấm dứt dự án này đã dẫn đến những phản đối ở Quốc hội. Đến thời điểm đó, Hải quân đã chi khoảng 3,3 tỉ USD và 9 máy bay đã ra đời. Các máy bay thử nghiệm loại VH-71A và toàn bộ 5 mẫu sản xuất cũng đã được xuất xưởng.


Chuyên gia phân tích của Ủy ban nghiên cứu của Quốc hội O’Rourke ước tính, việc ngừng sản xuất máy bay trực thăng VH-71, nâng cấp phi đội hiện nay và tiến hành một chương trình sau đó sẽ tốn kém từ 14 - 21 tỉ USD. Và việc bắt đầu lại từ đầu cũng có nghĩa là phi đội trực thăng chuyên cơ của tổng thống sẽ phải đợi đến năm 2024 mới hoàn thành. Nếu như vậy, một số máy bay trực thăng hiện đang được sử dụng như là Marine One sẽ có tuổi hoạt động đến 50 năm. Một số nghị sỹ khuyên Hải quân tiếp tục với chương trình VH-71 sửa đổi để phát huy những gì đã đạt được của khoản đầu tư 3,3 tỉ USD và để sớm cung cấp cho tổng thống một máy bay tốt hơn.


Tháng 7/2009, Ủy ban phân bổ ngân sách của Thượng viện phê duyệt một khoản ngân sách trị giá 485 triệu USD để đưa 5 máy bay đã được sản xuất vào hoạt động.


Trực thăng Marine One chở Tổng thống G. W. Bush cất cánh từ tàu sân bay USS Iwo sau chuyến thị sát khu vực bị tàn phá trong trận bão Katrina năm 2005.

 

Nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, trong một phiên điều trình trước Quốc hội, đã gọi chương trình này là “một ví dụ điển hình cho một quy trình mua sắm sai lầm” và cho rằng không mẫu thiết kế trực thăng nào có thể đáp ứng được những yêu cầu cho việc đi lại thường xuyên của tổng thống và đảm bảo an toàn cho tổng thống khi đứng trước mối đe dọa khủng bố lớn như hiện nay.


Theo thông báo của Hải quân Mỹ, lực lượng này sau đó đã chấm dứt hoàn toàn chương trình trực thăng VH-71 và chuyển toàn bộ phần ngân sách còn lại sang nâng cấp và kéo dài thời hạn sử dụng của những trực thăng hiện đang sử dụng. Kế hoạch đó đang tiếp tục được tiến hành. Đề nghị ngân sách của tổng thống cho năm tài khoá 2012-2013 bao gồm một khoản trị giá 58 triệu USD để “nâng cấp phần kết cấu” và hệ thống điện tử cho các trực thăng VH-3D và VH-60N.


“Việc tiếp tục đầu tư cho phi đội trực thăng chuyên cơ sẽ đảm bảo sự an toàn và tin cậy cho các chuyến bay cho đến tận khi loại máy bay mới được đưa vào sử dụng”, các quan chức hải quân phát biểu như vậy trong một phiên điều trần trước Quốc hội. Trong kế hoạch ngân sách có khoản 108,1 triệu USD đầu tư cho một chương trình nghiên cứu trực thăng chuyên cơ mới có tên là VXX.


Bất chấp thất bại cay đắng của dự án VH-71, chương trình mới này đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều công ty. Lockheed đã từng đưa tin rằng hãng này sẽ phối hợp với Sikorsky để chào bán loại trực thăng S-92. Hãng Boeing cũng thu hút được sự quan tâm của chính phủ Mỹ đối với loại trực thăng AW101 và tuyên bố sẽ đưa loại máy bay này ra cạnh tranh với các đối thủ khác trong chương trình VXX.


Nhưng nỗ lực này đã bị hoãn lại khi Carter, Thứ trưởng Quốc phòng, đánh giá chương trình này cũng như các chương trình mua sắm khác là chưa cần thiết vào lúc này.


Trong khi đó, Hải quân đang đàm phán với hãng Lockheed về những phí tổn do việc chấm dứt hợp đồng. Năm 2009, mức chi phí này ước tính lên đến 555 triệu USD. Một phần khoản tiền phạt do chấm dứt hợp đồng sẽ được lấy từ việc bán 9 khung máy bay VH-71A cho Canađa để lấy phụ tùng thay thế cho loại máy bay trực thăng tìm kiếm cứu nạn CH-149 (CH-149 được phát triển dựa trên phiên bản của loại máy bay AW101). Thương vụ đó đã được Bộ trưởng Quốc phòng Canađa Peter G. MacKay khẳng định và được cho là sẽ mang về cho Mỹ 164 triệu USD, bằng 5% khoản đầu tư trị giá 3,3 tỉ USD của Hải quân.


Trong những năm gần đây, Không quân và Lục quân Mỹ đã rút ra được những bài học tương tự khi nỗ lực nghiên cứu và đưa vào biên chế các máy bay trực thăng mới. Mỗi lực lượng đều có hai dự án chế tạo trực thăng bị hủy bỏ hoặc trì hoãn trong thời gian diễn ra dự án mua sắm phi đội Marine One.


Năm 2009, ông Gates đã ra lệnh chấm dứt nỗ lực thứ hai của Không quân nhằm mua sắm một loại trực thăng tìm kiếm cứu nạn trong chương trình CSAR-X. Ông cũng yêu cầu hoãn một chương trình trực thăng thông thường để thay thế cho loại trực thăng UH-1 đang được sử dụng tại các căn cứ Minuteman và để vận chuyển khách VIP.


Trong khi đó, chương trình trực thăng trinh sát vũ trang RAH-66 Comanche của Lục quân đã bị hủy bỏ vào năm 2004 sau 22 năm nghiên cứu và phát triển và tiêu tốn 6,9 tỉ USD. Chương trình thay thế cũng bị xóa sổ vào năm 2008, buộc Lục quân phải tiếp tục nâng cấp loại trực thăng OH-58 Kiowa Warriors.


Giờ đây, một nỗ lực mới của Hải quân nhằm mua sắm một loại trực thăng chuyên cơ với giá cả phù hợp hơn lại đang đứng trước nguy cơ đổ bể khi Lầu Năm Góc phải đối phó với tình trạng cắt giảm ngân sách quốc phòng trong 10 năm tới.


Như vậy, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Phó Tổng thống Joe Biden và các quan chức cao cấp khác của chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng những máy bay trực thăng cũ trong thập niên tới. Việc này rõ ràng là không phù hợp với môi trường an ninh hậu 11/9/2001.


Khánh Chi (tổng hợp)