06:08 14/06/2012

Bí mật đồng xu rỗng: Kỳ 3: Truy tìm điệp viên “Mikhail”

Tại ngôi nhà bình dị của gia đình Hayhanen ở đường Dorislee, Peekskill, New York, các đặc vụ FBI tìm thấy những đồng xu giống như đồng 50 Markka của Phần Lan. Chúng được khoét rỗng bên trong và có một lỗ nhỏ trên chữ “a” đầu tiên của từ “Tasavalta” ở trên mặt sau của đồng xu này.

Tại ngôi nhà bình dị của gia đình Hayhanen ở đường Dorislee, Peekskill, New York, các đặc vụ FBI tìm thấy những đồng xu giống như đồng 50 Markka của Phần Lan. Chúng được khoét rỗng bên trong và có một lỗ nhỏ trên chữ “a” đầu tiên của từ “Tasavalta” ở trên mặt sau của đồng xu này.


Hôm 17/5/1957, các chuyên gia Phòng kỹ thuật của FBI tiến hành nghiên cứu đồng xu Phần Lan này. Ngay lập tức, họ nhận thấy nó rất giống với đồng xu mạ kền mang hình Tổng thống Jefferson mà cậu bé bán báo ở khu Brooklyn đã phát hiện vào năm 1953. Hai đồng xu đã được sử dụng để làm thành đồng 50 Markka giả này. Cả hai đồng xu này đều có một lỗ nhỏ ở trên một chữ cái, vì thế có thể dùng một vật nhọn như cây kim để mở chúng.


FBI cho rằng cuối cùng họ đã phát hiện ra mạng lưới gián điệp của Liên Xô là chủ nhân của đồng xu mạ kền rỗng ruột in hình Tổng thống Jefferson. Tuy nhiên, mới chỉ có một nửa bí mật được hé lộ kể từ khi nó được phát hiện vào tháng 6/1953. Trong các buổi làm việc với FBI, Hayhanen bị hỏi cặn kẽ về hệ thống khóa mã mà anh ta đã sử dụng trong cơ quan tình báo Liên Xô kể từ khi tham gia lực lượng này năm 1939. Thông tin mà anh ta cung cấp đã được các chuyên gia tại Phòng kỹ thuật của FBI áp dụng để giải mã tấm vi ảnh tìm được trong đồng xu mạ kền in hình Tổng thống Jefferson.


 

Công viên Prospect Park, một trong những địa điểm mà Hayhanen và “Mark” thường xuyên liên lạc.

 

Với dữ liệu thu được này, phòng kỹ thuật của FBI đã thành công trong việc vén tấm màn bí ẩn bao quanh bức điện được mã hóa này. Ngày 3/6/1957, nội dung của toàn bộ tấm vi ảnh được hé lộ. Bức điện này được chuyển tới Hayhanen và đã được gửi đi từ Liên Xô ngay sau khi anh ta đặt chân đến Mỹ.


Từ lời khai của Hayhanen, FBI đã giải được bí ẩn của đồng xu mạ kền, nhưng “Mikhail” là ai thì vẫn là câu hỏi đầy thách thức đối với FBI. “Mikhail”, người mà Hayhanen liên lạc từ mùa xuân năm 1952 đến tận đầu năm 1954, vẫn chưa bị phát hiện. Và khi “Mikhail” ngừng làm công việc này vào năm 1954, Hayhanen được chuyển sang liên lạc với một điệp viên khác của Liên Xô mà anh ta chỉ biết tên là “Mark”. Hayhanen cảm nhận rằng “Mark” vẫn đang hoạt động gián điệp ở Mỹ.


Theo nhận định của Hayhanen, “Mikhail” là một quan chức ngoại giao của Liên Xô, có thể làm việc ở Đại sứ quán hay Liên hợp quốc. Anh miêu tả “Mikhail” trạc 40 - 50 tuổi; có vóc người trung bình; mũi dài; tóc sẫm màu; và cao khoảng 1 mét 73. Mô tả này trùng với đặc điểm của nhiều đại diện của Liên Xô ở Mỹ trong giai đoạn từ năm 1952 đến 1954. Từ việc xem xét một danh sách dài những người tình nghi, FBI chọn ra “ứng viên” Mikhail Nikolaevich Svirin.


Svirin đã từng nhập cảnh rồi lại xuất cảnh khỏi nước Mỹ vài lần trong khoảng từ năm 1939 đến 1956. Từ cuối tháng 8/1952 đến tháng 4/1954, người này giữ cương vị Bí thư thứ nhất phái đoàn Liên Xô tại Liên hợp quốc ở New York.


Ngày 16/5/1957, các đặc vụ FBI đưa một số tấm ảnh cho Hayhanen xem. Ngay khi nhìn thấy bức ảnh chụp Mikhail Nikolaevich Svirin, Hayhanen đã đứng bật dậy và nói: “Chính người này. Không nghi ngờ gì nữa. Đó là ‘Mikhail’”.


Luật pháp Mỹ không thể động chạm tới Svirin vì anh đã trở về Liên Xô từ tháng 10/1956.


Nhiệm vụ tiếp theo của FBI là tìm ra “Mark”, một điệp viên Liên Xô thay thế “Mikhail” để liên lạc với Hayhanen. Hayhanen không biết “Mark” đang ở đâu cũng như tên thật của người này là gì; tuy nhiên, anh ta lại có thể cung cấp nhiều chi tiết khác liên quan đến điệp viên này.


Theo lời khai của Hayhanen, “Mark” là một đại tá KGB và đã bắt đầu hoạt động gián điệp kể từ năm 1927. Anh đến Mỹ trong khoảng năm 1948 hoặc năm 1949, bằng cách vượt biên trái phép qua biên giới Canađa.


Dựa vào hướng dẫn trong một bức điện mà Hayhanen nhận được từ Liên Xô, “Mark” bắt liên lạc với Hayhanen tại một rạp chiếu phim ở Flushing, Long Island, vào cuối mùa hè năm 1954. Đặc điểm nhận dạng, Hayhanen sẽ đeo một chiếc cà vạt kẻ xanh đỏ và hút tẩu.


Sau lần “giới thiệu” ở rạp chiếu phim này, Hayhanen và “Mark” đã gặp gỡ thường xuyên trong công viên Prospect Park, trên các con phố đông đúc và ở những nơi kín đáo khác trong địa bàn New York. Họ cũng cùng nhau tiến hành những chuyến đi ngắn đến các thành phố Atlantic, Philadelphia, Albany, Greenwich và các nơi khác ở miền đông nước Mỹ.


“Mark” cũng cử Hayhanen đi làm nhiệm vụ một mình. Chẳng hạn, vào năm 1954, “Mark” yêu cầu anh ta tìm hiểu thông tin về một trung sĩ thuộc lực lượng lục quân Mỹ, người mà trước đây được cử đến làm việc tại Đại sứ quán Mỹ ở Mátxcơva. Đến lúc Hayhanen cung cấp cho các đặc vụ FBI thông tin này vào tháng 5/1957, Hayhanen không thể nhớ nổi tên của viên trung sĩ Mỹ. “Tuy nhiên, tôi nhớ rằng trung sĩ này đã sử dụng mật danh “Quebec” và được tình báo Liên Xô tuyển dụng trong thời gian ở Mátxcơva”.


Đình Vũ (tổng hợp)

 

Đón đọc kỳ cuối: Điệp viên mang mật danh “Mark”

1