11:22 30/11/2011

Bí mật đằng sau mối quan hệ Mỹ- Cuba. Kỳ 4:Thông điệp của Kennedy tới Fidel

Cùng thời gian đó, Tổng thống Kennedy nhận được thông tin nhà báo người Pháp, Jean Daniel, đang có mặt tại Mỹ và chuẩn bị tới Cuba để phỏng vấn Chủ tịch Fidel Castro.

Cùng thời gian đó, Tổng thống Kennedy nhận được thông tin nhà báo người Pháp, Jean Daniel, đang có mặt tại Mỹ và chuẩn bị tới Cuba để phỏng vấn Chủ tịch Fidel Castro.

Nhà báo người Pháp Jean Daniel (trái) trong cuộc gặp với Chủ tịch Fidel Castro tại Cuba năm 1963.


Ngay lập tức, ông Daniel đã được mời tới Nhà Trắng để nói chuyện về một số đề tài mà Tổng thống Kennedy muốn nhà báo này thảo luận khi tiếp xúc với Fidel Castro. Theo lời kể của chính Daniel thì trong cuộc gặp gỡ đó, Tổng thống Kennedy đã thừa nhận nước Mỹ đang phải trả giá cho những lỗi lầm đã phạm phải trong thời kỳ chế độ độc tài Batista còn cầm quyền ở Cuba và rằng trước đó ông đã từng đồng tình với những định hướng ban đầu của cách mạng Cuba. Tuy nhiên quan điểm này đã thay đổi bởi vì “Cuba đã chấp nhận trở thành tiền tiêu của Liên Xô tại Mỹ Latinh” và “vì lỗi của họ mà thế giới đã đứng bên bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân tháng 10/1962”.

Tổng thống Kennedy cũng tâm sự rằng, sau những gì xảy ra hồi tháng 10/1962, dường như người Liên Xô đã hiểu về những phản ứng của nước Mỹ nhưng ông không rõ Fidel nhìn nhận vấn đề này như thế nào và Tổng thống đề nghị ông Daniel thăm dò ý của nhà lãnh đạo Cuba. Tổng thống Mỹ cũng khẳng định, "giờ đây nước Mỹ có cơ hội để làm những gì tốt hơn cho Mỹ Latinh". Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, Mỹ không thể cho phép phong trào cách mạng cộng sản lan rộng ra các nước khác ở Mỹ Latinh. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng, có hai phương án để ngăn chặn sự ảnh hưởng của Liên Xô: bao vây cấm vận và nỗ lực hướng tới tiến bộ xã hội, đồng thời thừa nhận đây là hai cuộc chiến vô cùng khó khăn.

Vụ ám sát Tổng thống Kennedy tại Dallas ngày 22/11/1963 xảy ra đúng vào thời điểm ông đang mong muốn cải thiện quan hệ với Cuba.

Theo nhà báo Daniel, cuối cuộc gặp, Tổng thống Kennedy kết luận rằng, việc Mỹ có tiếp tục cuộc bao vây cấm vận Cuba hay không còn tùy thuộc vào sự ủng hộ của Cuba đối với các phong trào cách mạng ở Tây Bán cầu. Trên tinh thần đó, ngày 18/11, trong một bài phát biểu tại Miami, Tổng thống Kennedy đã phát đi một thông điệp nhấn mạnh nếu hai bên giải quyết được những vấn đề còn vướng mắc thì chính phủ Mỹ sẵn sàng hợp tác với nhân dân Cuba vì mục tiêu tiến bộ mà vài năm trước đó đã đem lại niềm tin và sự ủng hộ của dư luận khu vực.

Tuy nhiên, chỉ 4 ngày sau đó, ngày 22/11/1963, Tổng thống Kennedy đã bị ám sát trong khi đi vận động tranh cử ở Dallas. Sự kiện làm rung động chính trường Mỹ đó lại xảy ra đúng vào ngày mà nhà báo Jean Daniel, theo đề nghị của Tổng thống Kennedy, đang có cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Fidel Castro tại La Habana để tìm kiếm một sự thỏa hiệp giữa hai nước.

Về cuộc gặp với nhà báo Daniel, sau này Chủ tịch Fidel Castro nhớ lại: “Sau khi nhận được tin nhà báo Daniel đã có mặt ở La Habana và mang theo một thông điệp của Tổng thống Kennedy, tôi đã mời ông ta đến Varadero gặp gỡ và trao đổi. Trên thực tế, những gì mà Daniel chuyển tải không hẳn là một thông điệp mà chỉ là những suy nghĩ của Kennedy về cuộc khủng hoảng tháng 10/1962, về hiểm họa nổ ra một cuộc chiến tranh và hậu quả của nó. Tổng thống Mỹ muốn Daniel nói chuyện với tôi và tìm hiểu xem tôi nhận thức đến đâu về mối hiểm nguy đó. Mục đích chính trong “thông điệp” của Tổng thống Kennedy là muốn Daniel nói chuyện thật nhiều với tôi về những vấn đề trên và sau đó quay lại Mỹ thông báo cho ông ta về nội dung cuộc gặp. Chính vì vậy nhà báo Daniel suy luận rằng đó là một cử chỉ mong muốn thiết lập mối liên hệ giữa hai nước và khai thác xem chúng tôi suy nghĩ như thế nào về tất cả những việc đã xảy ra. Tuy nhiên, khi Daniel vẫn còn chưa trình bày hết tất cả những gì ông ấy muốn nói thì chúng tôi nhận được thông tin về vụ ám sát Kennedy”.

Sau những gì đã trao đổi với nhà báo Daniel, Chủ tịch Fidel cho rằng chính quyền của Tổng thống Kennedy thực sự mong muốn thiết lập một kênh liên lạc hay một sự trao đổi nào đó, bởi vì với quyền lực và uy tín tạo được sau cuộc khủng hoảng tháng 10/1962, Kennedy có thể làm những việc mà trước đó ông ta chưa bao giờ làm. Theo nhận xét của Fidel thì Tổng thống Mỹ có ý chí và quyết tâm để thực hiện điều đó bởi vì phải rất dũng cảm thì Kennedy mới dám đối mặt với những ý kiến trái ngược nhau về những vấn đề liên quan đến quan hệ Cuba - Mỹ.

Hoài Nam (Theo Rebelion)

Đón đọc kỳ 5: Kế hoạch đảo lộn sau cái chết của Kennedy