12:10 07/12/2010

Bí mật đằng sau cái chết của Martin Luther King (kỳ 4)

Trước những dấu hiệu bất thường của phiên tòa, cùng với lời cầu cứu có vẻ oan ức và tuyệt vọng của thủ phạm James Earl Ray, nhà báo Douglas Valentine cảm thấy có những uẩn khúc đằng sau vụ ám sát King và ông đã âm thầm tiến hành một cuộc điều tra độc lập

Kỳ 4: Nghi vấn từ lời phản cung

Trước những dấu hiệu bất thường của phiên tòa, cùng với lời cầu cứu có vẻ oan ức và tuyệt vọng của thủ phạm James Earl Ray, nhà báo Douglas Valentine (sau này trở thành nhà nghiên cứu về dòng họ Martin Luther King) cảm thấy có những uẩn khúc đằng sau vụ ám sát King và ông đã âm thầm tiến hành một cuộc điều tra độc lập.

Ban đầu, những thông tin mà Douglas thu thập được vô cùng hạn chế bởi các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong vụ việc đều từ chối cung cấp tài liệu với lý do vụ án đã kết thúc, kẻ phạm tội đã bị kết án. Tuy nhiên, những nỗ lực tìm hiểu vụ việc của Douglas cuối cùng đã được đền đáp khi thông qua các mối quan hệ cá nhân, ông đã bí mật tiếp cận được với một phần hồ sơ của vụ án. Sau khi nghiên cứu các tài liệu này, Douglas phát hiện ra có tới hai kết quả khám nghiệm viên đạn được sử dụng để ám sát King, trong đó một kết luận (đã được đưa ra làm bằng chứng tại tòa) khẳng định đã được bắn ra từ khẩu súng (được cho là của Ray) thu được gần hiện trường vụ án và một kết luận khác cho rằng nó được bắn ra từ một khẩu súng khác. Vậy kết luận nào đáng tin cậy hơn? Và tại sao kết quả khám nghiệm có tính chống lại Ray lại được đưa ra làm bằng chứng tại tòa trong khi cái còn lại thì không? Ngoài ra, lời khai của một số nhân chứng cũng bị “ỉm đi” và không được đưa vào hồ sơ vụ án, trong đó đáng chú ý là việc một nhân chứng đứng gần hiện trường vụ ám sát nói rằng tiếng súng phát ra từ “một bụi rậm gần khu nhà trọ” chứ không phải từ “khu nhà trọ” như kết luận trong hồ sơ.

James E. Ray trong thời gian thụ án tù vào những năm 1980.

Trong khi đó, từ trong tù Ray đã nhiều lần gửi thư kháng án và một mực cho rằng mình không phải là người trực tiếp bắn King. Tên này khẳng định trong thời gian sinh sống ở Montreal (Canađa) hắn đã quen một người có biệt hiệu là Raul và đây mới chính là nhân vật dàn dựng toàn bộ vụ ám sát người đứng đầu các phong trào đấu tranh vì quyền lợi của người da màu tại Mỹ. Theo lời thú nhận của Ray thì hắn được thuê tới trọ tại tòa nhà đối diện với khách sạn Lorraine và làm theo toàn bộ kịch bản đã được lên kế hoạch từ trước để đánh lạc hướng cơ quan điều tra và dư luận, trong khi tên sát thủ thực sự lại thực hiện hành vi ám sát từ một vị trí khác. Ray cũng cho rằng hắn buộc phải thú tội trước sức ép từ nhiều phía, cũng như lời đe dọa rằng nếu không nhận tội hắn sẽ phải lĩnh án tử hình. Tuy nhiên, cơ quan điều tra lại cho rằng đây thực ra chỉ là một câu chuyện do chính Ray tự dựng lên nhằm giảm nhẹ tội và họ cũng không tiến hành điều tra xem liệu nhân vật có biệt hiệu Raul kia có tồn tại thật hay không. Trong quá trình điều tra, nhà báo Douglas cũng phát hiện ra rằng Charles Stephens, một nhân chứng quan trọng từng nói trước tòa rằng anh ta nhìn thấy Ray tại hiện trường, thực ra vào thời điểm đó Stephens đang say khướt ở một quán rượu và những miêu tả nhận dạng của anh này về thủ phạm cũng luôn mâu thuẫn trong mỗi lần nói chuyện.

Ít phút sau khi King bị trúng đạn, các cộng sự vừa sơ cứu cho ông vừa chỉ về hướng phát ra tiếng súng.

Ngoài ra, Douglas cũng thu thập được những thông tin cho thấy dường như ngay cả cảnh sát thành phố Memphis và quân đội Mỹ cũng có dính líu tới vụ ám sát King. Theo nhà báo này, nhóm cảnh sát có nhiệm vụ bảo vệ khu vực khách sạn nơi King dừng chân ở Memphis bất ngờ được lệnh rút khỏi mục tiêu bảo vệ chỉ vài giờ trước khi ông này bị ám sát. Trong khi đó, một số điệp vụ da đen làm ở phòng trọng án, từng được cử tới bảo vệ cho King trong những chuyến thăm trước đó tới thành phố Memphis, lần này lại được cho nghỉ phép một cách bất thường. Có phải đây là những sự trùng hợp ngẫu nhiên hay đã được ai đó nhúng tay vào để lên kế hoạch từ trước? Chưa hết, cũng vào chiều ngày 4/4 định mệnh đó, tại trạm phòng cháy chữa cháy Memphis ở gần khách sạn Lorraine xuất hiện hai người đàn ông mang thẻ sỹ quan quân đội Mỹ xin phép được lên nóc tòa nhà này. Hai người này đem theo một chiếc túi khá to nói rằng đó là máy móc chụp ảnh các hoạt động của King và các cộng sự. Tuy nhiên điều gì xảy ra với những tấm ảnh mà hai người đàn ông này chụp (nếu có) vẫn là một bí mật vì chưa ai nhìn thấy một bức ảnh nào chụp từ trạm phòng cháy chữa cháy Memphis cả. Hai nhân vật này cũng không bao giờ được cơ quan chức năng triệu tập trong quá trình điều tra vụ án.

Vụ ám sát M.L.King được đưa nổi bật trên trang nhất tờ New York Times ngày 5/4/1968.

Trước những tình tiết mới của vụ ám sát gây chấn động dư luận mà Douglas thu thập được, gia đình King đã thông qua nhà lãnh đạo dân quyền nổi tiếng và cũng là một người bạn thân thiết của King, ông Ralph Abernathy, để hoàn tất các thủ tục yêu cầu lật lại vụ án. Ông Abernathy đã thuê luật sư William Pepper tham gia tìm hiểu vụ việc và đại diện cho Ray trong quá trình kháng án này. Từ đây vụ án sát hại Martin Luther King lại chuyển sang một hướng mới với những tiết lộ “động trời”.

Minh Hương (Tổng hợp)

Đón đọc kỳ 5: Chủ nhà hàng Jim Grill đóng vai trò gì trong vụ ám sát?