05:10 28/05/2025

Bí mật đằng sau các trận đấu võ gay cấn của robot Trung Quốc

Các công ty chế tạo robot hình người của Trung Quốc đang tìm cách hạ gục đối thủ và những gì họ học được trên võ đài hứa hẹn sẽ thúc đẩy ngành robot tiến những bước dài.

Chú thích ảnh
Hai robot hình người đấu võ. Ảnh: SCMP

Theo tờ SCMP ngày 28/5, những robot này biết nhảy, biết chạy, biết tung cú đấm nhưng không bao giờ toát mồ hôi hay nhăn mặt vì đau đớn trên võ đài.

Robot hình người của Trung Quốc ngày càng tiến sâu vào các sân chơi của con người, tham gia các cuộc thi thể thao ngoài đời thực, đối mặt với môi trường phức tạp và khó lường. Các nhà phân tích nhận định những trải nghiệm này giúp tạo ra dữ liệu quý giá để thúc đẩy phát triển công nghệ.

Ngày 25/5 vừa qua, cuộc thi kickboxing đầu tiên trên thế giới dành cho robot hình người đã diễn ra tại thành phố Hàng Châu ở miền Đông Trung Quốc. Bốn robot Unitree G1 đội mũ bảo hiểm và mang găng tay đấm bốc như võ sĩ thực thụ đã tung ra hàng loạt cú đánh với tốc độ và độ chính xác cao, thực hiện thuần thục các động tác như đá xoay và thúc cùi chỏ.

Cuộc thi này diễn ra chỉ một tháng sau khi robot hình người tham gia cuộc thi chạy marathon tại Bắc Kinh, nơi chúng chạy với dáng dấp của một vận động viên con người, vung tay nhịp nhàng và duy trì những bước chạy ngắn, nhanh.

Theo nhà phân tích Jacqueline Du tại ngân hàng Goldman Sachs trong một bản ghi chú nghiên cứu công bố ngày 22/5: “Trong khi Trung Quốc vẫn dẫn đầu về phần cứng và chuỗi cung ứng, thì các công ty khởi nghiệp đã bắt đầu tập trung phát triển phần ‘bộ não’ cho robot hình người”. Báo cáo này nhấn mạnh rằng dữ liệu ngoài đời thực ngày càng quan trọng để đạt được tính nhất quán với thế giới vật lý và độ chính xác trong thực hiện nhiệm vụ.

Giữa lúc cạnh tranh công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng gay gắt, trong lĩnh vực robot hình người, các công ty ở cả hai quốc gia đang chạy đua nhằm củng cố niềm tin của nhà đầu tư, tìm cách thuyết phục thị trường rằng công nghệ này đang tiến bộ nhanh hơn dự đoán và thương mại hóa không còn xa nữa.

Theo các nhà phân tích, các cảnh tượng ngoạn mục gần đây như robot chạy và chiến đấu như người thật không chỉ mang tính trình diễn, mà còn nhằm thu thập dữ liệu thực tế để tăng tốc phát triển khả năng linh hoạt, phối hợp và thích ứng của robot. Đây là một phần trong cuộc chạy đua rộng hơn nhằm thu hút đầu tư trước khi thương mại hóa.

Giới chuyên môn trong ngành hiện nhất trí rằng trí tuệ có khả năng khái quát và ứng dụng thực tế là yếu tố then chốt đối với robot hình người vốn dựa trên bốn trụ cột chính: thuật toán, dữ liệu, sức mạnh tính toán và phần cứng. Theo báo cáo của Goldman Sachs, các công ty Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào nhà máy dữ liệu để thu thập dữ liệu tương tác thực tế của robot ở quy mô lớn.

Robot hình người được huấn luyện qua ba giai đoạn: học các nhiệm vụ cơ bản từ video về công việc của con người; tinh chỉnh qua dữ liệu điều khiển từ xa hoặc mô phỏng; cuối cùng là triển khai trong môi trường thực tế để hoàn thiện hành vi và khả năng ra quyết định. Để vận hành tự động dựa trên cảm biến tích hợp và khả năng thích ứng theo thời gian thực, cần khoảng 10 triệu giờ dữ liệu ngoài đời thực.

Ông Liang Yan, Giáo sư kinh tế tại Đại học Willamette (Mỹ), nhận định rằng tham gia các cuộc thi thể thao là nền tảng để thử nghiệm và xác thực công nghệ cho các công ty chế tạo robot. Bà nói: “Các công ty kiểm tra hệ thống thay pin, vật liệu chịu mài mòn, cùng độ ổn định, sức bền và hiệu suất hoạt động của robot trong môi trường thực tế phức tạp – như địa hình, gió, độ ẩm, nhiệt độ”.

Xem video robot hình người đấu võ tại Trung Quốc (nguồn: The Independent):

Qua ví dụ từ cuộc thi đối kháng có thể thấy rằng để chiến thắng, robot hình người phải đánh trúng đầu và thân đối thủ bằng cả tay lẫn chân. Đây là một thử thách đòi hỏi khả năng giữ thăng bằng, phối hợp khớp nối và hệ thống truyền động mạnh mẽ. Các chuyển động nhanh, dứt khoát tạo ra lực tác động và mô-men xoắn lớn, cần nguồn năng lượng ổn định để duy trì di chuyển và chức năng.

Theo ông Li Gaofeng, nhà nghiên cứu tại Đại học Chiết Giang, một số màn trình diễn của robot hình người đã vượt qua kỳ vọng của nhà phát triển, nhưng vẫn còn khoảng cách giữa tiến bộ công nghệ và năng lực sản xuất thực tế.

Dù sản xuất hàng loạt và ứng dụng quy mô lớn chưa bắt đầu, lĩnh vực robot hình người vẫn đang ở giai đoạn sơ khai, song các nhà đầu tư đã bắt đầu chuyển từ kỳ vọng sang các khoản đầu tư sớm vào ngành này, dự báo ngành này sẽ tăng trưởng trước khi thương mại hóa hoàn toàn.

Sự quan tâm này đã phản ánh qua biến động giá linh kiện. Ví dụ như trục vít bi – thành phần then chốt giúp robot di chuyển tay chân trơn tru – đã có mức tăng giá mạnh nhất. Các bộ phận như bàn tay linh hoạt để robot cầm nắm và thao tác với vật thể, bộ giảm tốc để robot điều chỉnh chính xác tốc độ và mô-men xoắn cũng tăng giá đáng kể.

Ngày 28/5, công ty chế tạo robot hình người Trung Quốc Agibot thông báo chính thức triển khai chương trình tuyển đối tác cho mẫu robot hai chân Lingxi X2. Công ty này cho biết: “Chúng tôi hy vọng sẽ tận dụng những tiến bộ công nghệ trước đây và kinh nghiệm sản xuất hàng loạt để thương mại hóa vào năm 2025, giúp robot mang lại giá trị thực trong các tình huống đời thực”.

Theo công ty nghiên cứu thị trường TrendForce, 6 trong số 11 nhà sản xuất robot hình người Trung Quốc, bao gồm Unitree Robotics, AgiBot, Galbot, Engine AI và Leju Robotics, đang lên kế hoạch sản xuất hơn 1.000 robot trong năm nay.

Trong khi đó, nhiều cuộc thi thể thao dành cho robot hình người đang được chuẩn bị. Đại hội thể thao robot hình người thế giới – sự kiện thể thao tổng hợp đầu tiên cho robot hình người – dự kiến diễn ra tại Bắc Kinh vào tháng 8.

Ông Mark Natkin, Giám đốc điều hành công ty nghiên cứu thị trường Marbridge Consulting (Hong Kong), nhận định các cuộc thi như vậy giúp thúc đẩy tiến bộ công nghệ bằng cách khuyến khích cạnh tranh giữa các nhà phát triển. Ông nói: “Tổ chức các cuộc thi giữa các robot là cách tuyệt vời để tạo ra sự ganh đua tích cực giữa các nhà phát triển, đồng thời nâng cao niềm tự hào quốc gia”.

Thùy Dương/Báo Tin tức và Dân tộc