10:07 30/10/2015

Bi kịch xã hội từ chính sách một con tại Trung Quốc

Sau 4 ngày diễn ra Hội nghị toàn thể lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương khóa 18, chính phủ Trung Quốc cũng đã nhất trí với chủ trương thực thi toàn diện chính sách sinh con thứ hai.


Tất cả các cặp vợ chồng tại Trung Quốc từ giờ đều được sinh 2 con.

Theo đó, từ nay mỗi cặp vợ chồng Trung Quốc được sinh hai con, nhằm thúc đẩy phát triển cân bằng, kiên trì quốc sách căn bản về kế hoạch hoá gia đình, hoàn thiện chiến lược phát triển dân số, tích cực triển khai ứng phó hành động dân số già hoá.


Chính sách một con lần đầu tiên được áp dụng kể từ năm 1980 nhưng sau Hội nghị Trung ương 3 hồi cuối năm 2013, Trung Quốc cũng đã nới lỏng chính sách kế hoạch hóa gia đình, cho phép hàng triệu gia đình được có 2 con trong trường hợp cặp vợ chồng có bố hoặc mẹ là con duy nhất.


Với tổng tỉ xuất sinh 1,4 con trên một phụ nữ - một con số thấp so với Mỹ và nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã dẫn đến xã hội Trung Quốc già hóa nhanh chóng đi kèm với nhu cầu chương trình an sinh xã hội và dịch vụ chăm sóc y tế cho người già tăng cao. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ trong tương lai cho nền kinh tế đang đứng thứ 2 trên thế giới và có tham vọng lật đổ Mỹ. 


Theo số liệu của chính phủ, số người trong độ tuổi lao động năm nay đã giảm 3,7 triệu người so với năm 2014, xuống còn 916 triệu lao động, và dự đoán xu hướng giảm này sẽ còn tiếp tục trong vài năm tới. Trong khi đó, theo tính toán của các chuyên gia Mỹ, số người già trên 60 tại nước này sẽ chạm mốc 400 triệu người, tương đương ¼ dân số Trung Quốc trong những năm 2030. Hiện lượng người già chiếm 1/7 số dân cả nước.


Một trong những hệ lụy khác mà việc thực hiện chính sách một con tại Trung Quốc kéo theo đó chính là gia tăng tệ nạn tham nhũng tại giới quan chức địa phương trong 35 năm qua. Rất nhiều vụ hối lộ, lót tay diễn ra để lách luật. Bên cạnh đó, chính sách này cũng làm tăng tỉ lệ nạo phá thai và triệt sản tại các bệnh viện.


Trước đó, chuyên gia dân số, giáo sư Wang Feng đang làm việc tại trường Đại học California ở Irvine (Mỹ) cảnh báo chính sách một con là nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi kết cấu nhân khẩu của nước này. Giáo sư Wang cho rằng việc dỡ bỏ chính sách này là một "tin vui", mặc dù phải mất đến nhiều năm, thậm chí cả một thế hệ, sự thay đổi mới diễn ra một cách rõ ràng và có ảnh hưởng tới xu hướng thay đổi kết cấu nhân khẩu hiện nay. Ông bày tỏ, “mặc dù quyết định này được đưa ra quá muộn, song nó vẫn là một cú huých lịch sử chấm dứt các chính sách lãng phí và gây tranh cãi tại Trung Quốc”.


Ngược lại, giáo sư Peng Xizhe nghiên cứu dân số tại trường Đại học Fudan lại nhận định: “Việc cải cách này chỉ có tác dụng làm chậm lại quá trình già hóa dân số của xã hội Trung Quốc, chứ không thể nào đảo ngược lại xu thế. Nó có thể tạm thời đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực, nhưng sau đó, theo kế hoạch dài hạn, việc thiếu hụt lao động vẫn sẽ xảy ra do phụ nữ lại nghỉ việc ở nhà sinh con".


Nhiều chuyên gia đề nghị việc thay đổi chính sách cho phép các gia đình sinh 2 con nên đi kèm với các biện pháp cải thiện các dịch vụ an sinh xã hội, chăm sóc y tế cho bà mẹ, trẻ em, hay xây dựng cơ sở nuôi dạy, trông trẻ, cũng như làm giảm áp lực kinh tế cho các gia đình.


Tuy nhiên, không dự tính sâu xa như các chuyên gia, hạnh phúc nhất vẫn là các gia đình ở đất nước này. Việc dỡ bỏ chính sách một con của Trung Quốc đã được phần lớn người dân nước này hưởng ứng nhiệt liệt. Các diễn đàn tranh luận trên mạng trực tuyến sôi nổi các bài viết, bày tỏ sự vui mừng. Thậm chí có người còn hài hước bình luận “Cuối cùng, chúng ta đã không phải đến Mỹ để sinh con thứ hai”. Tạm gác lo lắng gánh nặng kinh tế có thể ảnh hưởng tới việc sinh con, nhiều người bày tỏ mong ước có thêm thành viên mới cho gia đình.


Hồng Hạnh (theo Washington Post)