10:19 26/10/2019

Bi kịch trên đường tha hương

39 thi thể chết thảm trong chiếc xe đông lạnh ở Essex (Anh). Đó là những con người đã phải lao động cật lực, thậm chí chạy vạy để có đủ khoản tiền lớn tới hàng trăm triệu đồng nộp cho những băng nhóm buôn người, rồi đánh cược cả sinh mạng để tìm kiếm một cơ hội nơi miền đất mới. Cái chết của họ đã để lại nỗi đau nhức nhối cho gia đình, người thân đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo về viễn cảnh nhập cư trái phép.

Rạng sáng ngày 23/10, cơ quan dịch vụ cứu thương hạt Essex, phía Đông Bắc thủ đô London, Anh, nhận được cuộc gọi trình báo về một phát hiện kinh hoàng bên trong thùng xe container đông lạnh của chiếc xe tải đỗ tại khu công nghiệp Waterglade, thị trấn Grays. Khi cảnh sát và các nhân viên y tế mở cửa thùng xe, họ phát hiện thi thể của 38 người lớn và một thiếu niên, được cho là những người đang tìm cách nhập cư trái phép vào Anh.

Trong lúc các cơ quan chức năng của Anh vẫn đang khẩn trương điều tra vụ việc cũng như tìm cách xác định danh tính những người thiệt mạng, thì vụ việc đã gây rúng động dư luận và trở thành một bài học đau lòng về những hiểm họa trên hành trình nhập cư trái phép vào Anh và châu Âu nói chung.

Theo số liệu của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) thuộc Liên hợp quốc, kể từ khi cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu bùng nổ năm 2014, trên 25.000 người đã thiệt mạng trên đường tha hương, phần lớn nằm lại dưới đáy biển hoặc chết thảm trong các thùng xe tải như 39 nạn nhân mới được phát hiện.

Trước thảm kịch ở Essex, năm 2015, cảnh sát Áo từng phát hiện thi thể của 71 người di cư trong thùng lạnh của một chiếc xe tải bị bỏ lại trên đường cao tốc gần biên giới với Hungary. Những người này đã chết vì ngộp thở sau khi thùng xe bị niêm kín. Ngay tại Anh, năm 2000, dư luận cũng từng rúng động bởi cái chết của 58 di dân Trung Quốc trong một xe container chở cà chua được phát hiện tại thị trấn Dover.

Trong ký ức đen tối của những người sống sót trên đường tha hương tới châu Âu, việc nhiều ngày liền không có thức ăn, ngồi bẹp lên nhau trong những thùng hàng hay trong container đông lạnh, chỉ là một phần trong vô vàn khó khăn mà người di cư trái phép phải trải qua trong những hành trình dài nguy hiểm. “Tôi thấy kinh sợ khi đọc tin tức về những xác chết trong thùng xe tải. Nó khiến tôi nhớ lại những giây phút tưởng chết khi kẹt cứng trong những thùng thịt hay gà đông lạnh”, anh Ahmad al-Rashid, một người Syria đến Anh năm 2015 kể lại với phóng viên đài BBC. Rashid được các băng nhóm buôn người đưa từ Syria tới Anh trong hành trình dài 55 ngày. Sau khi rời khỏi Calais, vùng đất hỗn loạn ở Pháp, Rashid được nhét vào thùng đông lạnh sau xe tải để vượt biên vào Anh. Một người di cư khác là Adam, 45 tuổi, đã phải rời Sudan tìm đường đến Anh tị nạn cũng kể lại: “Tôi từng ở Calais trong 5 tháng. Gần như ngày nào tôi cũng tìm cách chui vào xe tải để trốn sang Anh. Đến khi tìm được một chiếc xe tải, tôi phải chui lủi trong đói khát ở đó suốt 15 tiếng đồng hồ”.

Sau khi cuộc khủng hoảng nhập cư bùng phát năm 2014, nhiều chính phủ các nước châu Âu đã áp dụng một chính sách nhập cư cứng rắn, buộc các băng nhóm buôn người phải tìm nhiều biện pháp tinh vi hơn để qua mặt nhà chức trách. Theo Cơ quan Tội phạm quốc gia Anh (NCA), kể từ khi Pháp đóng cửa các trại tị nạn trong năm 2016-2017, số người vượt biên vào Anh theo cách riêng lẻ giảm đi nhiều, thay vào đó những vụ vượt biên quy mô do các băng đảng tội phạm tổ chức lại tăng vọt. Đáng lo ngại là các đường dây buôn người ngày càng sử dụng nhiều biện pháp mạo hiểm hơn, bất chấp tính mạng của người di cư, trong đó có việc nhồi nhét hàng chục người trong thùng xe đông lạnh để vô hiệu hóa các thiết bị quét tầm nhiệt của an ninh biên giới, như trong vụ Essex vừa qua.

Hoàn cảnh dẫn đến cái chết thương tâm của 39 nạn nhân nói trên cũng như danh tính của họ vẫn chưa được xác định, nhưng họ chắc chắn không phải là dòng người cùng quẫn chạy khỏi những cuộc nội chiến, hay xung đột bạo lực ở châu Phi và Trung Đông – những người không còn lựa chọn nào khác ngoài dấn thân vào con đường di cư bất hợp pháp. Động cơ mà họ dấn bước nhiều khả năng là lý do kinh tế, khi họ được mách bảo, hứa hẹn để rồi tin tưởng về những cơ hội đổi đời tại vùng đất mới.

Nhưng trên thực tế, ngay cả khi sống sót sau những hành trình vượt biên nguy hiểm, cũng không có gì bảo đảm người nhập cư trái phép sẽ có một cuộc sống bình yên ở Anh. Họ có thể bị các băng nhóm bán vào nhà thổ, ép lao động chui lủi trong các nhà hàng, tiệm nail, tiệm massage… với thù lao rẻ mạt. Không ít người nhập cư lậu bị đưa đẩy đến những khu vực trồng “cỏ” (cần sa) trái phép, hay sa chân vào những băng đảng tội phạm và đối mặt với nhiều nguy hiểm đến thân thể, tính mạng cũng như rủi ro pháp lý nếu bị bắt. Và ngay cả khi họ có may mắn tìm được việc làm và thu nhập ổn định ở Anh thì nguy cơ bị bắt giữ và trục xuất cũng có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Đó là chưa kể theo luật pháp sở tại, những người nhập cư không có giấy tờ hợp lệ sẽ không thể tiếp cận với các dịch vụ cơ bản trong đời sống, từ chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội cho tới nhà ở…

Khi không lường hết những rủi ro nơi đất khách quê người và ảo tưởng vào viễn cảnh đổi đời, những người di cư trái phép đã chấp nhận đặt cược số tài sản lớn, có khi lớn hơn cả gia sản của họ bằng cách đi vay mượn, và giao cả sinh mạng mình cho các băng buôn người. Và ngay cả khi trót lọt trên những hành trình vượt biên nguy hiểm, thì việc phải sống những năm tháng tiếp theo trong chui lủi, rủi ro, liệu có khiến họ hạnh phúc hơn là ở lại, kiên cường vượt qua những khó khăn dẫu còn đó trên mảnh đất bình yên của quê hương?

Thu Hằng