04:22 21/04/2020

Bỉ bắt đầu sản xuất bộ xét nghiệm phát hiện nhanh kháng thể virus SARS-CoV-2

Ngày 21/4, Công ty công nghệ sinh học ZenTech có trụ sở tại Liege (Bỉ), đã bắt đầu sản xuất các bộ xét nghiệm nhằm phát hiện nhanh kháng thể chống lại sự lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Đây một phần trong nỗ lực của nhiều quốc gia nhằm xác định được những người miễn dịch với COVID-19.

Chú thích ảnh
Bỉ bắt đầu sản xuất bộ xét nghiệm phát hiện nhanh kháng thể. Ảnh minh họa: Getty Images/TTXVN

ZenTech cho biết đã bắt đầu sản xuất hàng chục nghìn bộ xét nghiệm được chính phủ chứng nhận, đồng thời lên kế hoạch đẩy mạnh công suất để có thể sản xuất được 3 triệu bộ/tháng.

Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành ZenTech Jean-Claude Havaux khẳng định việc chẩn đoán bằng bộ xét nghiệm này chỉ mất khoảng 10 - 15 phút với độ nhạy là 100%. Điều này đồng nghĩa với việc tất cả các bệnh nhân có kháng thể chống COVID-19 đều sẽ có kết quả chính xác với bộ xét nghiệm.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng các bộ xét nghiệm này sẽ chỉ dùng cho các chuyên gia y tế, trước hết là ở Bỉ, tiếp đó là những nước khác trong Liên minh châu Âu (EU) và xa hơn. Bộ dụng cụ này không dành cho người dân sử dụng tại nhà, bởi việc tiến hành và đọc kết quả là khá phức tạp.

Việc xét nghiệm kháng thể được xem là một công cụ quan trọng trong việc xác định những người mắc COVID-19, đặc biệt là những người không có biểu hiện mắc bệnh, có thể miễn dịch với căn bệnh nguy hiểm này, ít nhất là trong một khoảng thời gian.

Việc triển khai các xét nghiệm này mở ra triển vọng giúp người dân có thể quay lại làm việc, trong bối cảnh một số quốc gia đang cân nhắc nới lỏng các biện pháp phong tỏa trên diện rộng.

Bộ xét nghiệm này cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với các nhân viên chống dịch ở tuyến đầu. Do đó, không chỉ riêng Bỉ, các phòng thí nghiệm tại một số quốc gia cũng đang chạy đua với thời gian để đẩy nhanh việc sản xuất các bộ xét nghiệm như vậy.

Dù hoan nghênh các xét nghiệm này, song Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng lưu ý rằng sự hiện diện của kháng thể đối với COVID-19 không phải là bằng chứng rằng người đó thực sự miễn dịch. Kể cả khi người đó miễn dịch thì cũng chưa rõ là sẽ kéo dài trong bao lâu.

Tại Pháp, các nghị sĩ dự kiến vào tuần tới sẽ bỏ phiếu về việc liệu có cho phép sử dụng ứng dụng theo dõi người lây nhiễm qua điện di động hay không, trong bối cảnh chính phủ nước này đang chuẩn bị dỡ bỏ dần lệnh phong tỏa từ ngày 11/5 tới.

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe nêu rõ việc bỏ phiếu sẽ diễn ra sau cuộc tranh luận tại Quốc hội trong bối cảnh còn nhiều lo ngại rằng sáng kiến sử dụng ứng dụng theo dõi này sẽ vi phạm quyền riêng tư.

Các chuyên gia y tế cho rằng những công nghệ trên, vốn đã được áp dụng tại một số nước châu Á, là cần thiết để ngăn chặn nguy cơ COVID-19 bùng phát trở lại, một khi người dân được phép tự do rời khỏi nhà trong khi các trường học và doanh nghiệp được mở cửa.

Đa số các nghị sĩ Pháp hiện ở nhà do lệnh phong tỏa, song khoảng 75 nghị sĩ trong số này được cho là sẽ xuất hiện trong cuộc tranh luận bắt đầu vào ngày 28/4 tới.

Đặng Ánh (TTXVN)