04:15 08/04/2011

“Bị bán”

Tác giả Patricia McCormick đã trực tiếp nghe những phụ nữ, những em gái Nêpan là nạn nhân của những vụ buôn người kể về những ngày tháng kinh hoàng mà họ đã trải qua để rồi những lời kể ấy cứ ám ảnh bà khiến bà viết ra tiểu thuyết “Bị bán”.

Tác giả Patricia McCormick đã trực tiếp nghe những phụ nữ, những em gái Nêpan là nạn nhân của những vụ buôn người kể về những ngày tháng kinh hoàng mà họ đã trải qua để rồi những lời kể ấy cứ ám ảnh bà khiến bà viết ra tiểu thuyết “Bị bán”.

 

Không ai biết “Bị bán” là câu chuyện thứ bao nhiêu về những bé gái bị bán làm nô lệ tình dục trên thế giới này, chỉ biết rằng nó là câu chuyện có một không hai, chuyện riêng của em bé Lakshmi. Từ khi sinh ra đến năm mười hai tuổi, Lakshmi sống cùng gia đình trong ngôi nhà xiêu vẹo nằm chênh vênh trên sườn núi Himalaya. Em chưa từng nhìn thấy một chiếc tivi, chưa từng được xem một bộ phim, và lần đầu tiên khi nhìn thấy một chiếc xe gắn máy em đã gọi nó là “một con thú sắt, biết phun khói và đánh rắm”.

Mong muốn gia đình mình có một mái nhà bằng tôn để mùa mưa không bị dột, mong muốn mẹ có áo ấm, em trai có đủ thức ăn để khỏi khóc vì đói, Lakshmi đã đồng ý lên thành phố làm người giúp việc để kiếm tiền gửi về cho gia đình.


Em đâu ngờ gã bố dượng ham mê cờ bạc đã bán em cho một người đàn bà lạ để rồi sau đó bà ta bán em lại cho một nhà chứa ở bên kia biên giới. Cái nhà chứa ấy có tên là “Ngôi nhà Hạnh phúc”, nhưng thực ra nó là một địa ngục trần gian. Chủ nhà, cũng giống như những mụ tú bà khác, đã dùng mọi thủ đoạn để ép buộc Lakshmi phải tiếp khách. Dụ dỗ em không được, mụ ta quay ra dọa nạt. Dọa nạt không xong, mụ dùng đòn roi. Dùng đòn roi không ăn thua, mụ sử dụng con bài bẩn thỉu nhất; mụ cho Lakshmi uống thuốc ngủ để khách hãm hiếp em.

Buộc phải làm gái điếm trong nhà chứa, cuộc đời của Lakshmi chìm trong đau đớn, khổ nhục. Khao khát duy nhất của em là được trở về nhà. Em nhớ nhà đến nỗi hàng ngày em vùi mặt vào đám quần áo cũ để ngửi mùi khói bếp từ những nếp gấp của chiếc váy, để cảm nhận mùi không khí ban đêm của dãy Himalaya trong tấm khăn. Niềm hy vọng ấy liệu có khiến em có thêm nghị lực để sống và thực hiện được khát vọng của mình?

Để cho Lakshmi tự kể câu chuyện của mình, tác giả Patricia McCormick đã khiến người đọc không kìm nổi những giọt nước mắt xúc động trước sự bé bỏng, ngây thơ của em, trước những nỗi đau mà em dường như còn chưa biết đủ ngôn từ để mô tả, trước niềm khát khao được sống an toàn của một đứa trẻ. Và cũng chính vì thế mà dẫu kết thúc có hậu của câu chuyện nhưng vẫn không thể xóa bỏ được nỗi day dứt cứ đeo đuổi người đọc…

Patricia McCormick sinh năm 1956 tại Washington DC. Bà từng là giảng viên khoa Báo chí của Đại học California, giảng viên khoa Sáng tác của Đại học New School, và từng có nhiều năm tác nghiệp với tư cách là nhà báo tự do. Bà là tác giả của các tiểu thuyết viết về tuổi mới lớn gây tiếng vang ở Mỹ, trong đó có tiểu thuyết Purple Heart, Cut, My Brother’s Keeper, Sold (Bị bán).

Nhật Hạ