12:00 28/12/2010

Bí ẩn về một vụ án mạng ở Đức - Kỳ I: Tự sát hay bị sát hại?

12 giờ 43 phút ngày 11/10/1987, phóng viên tạp chí "Stern" Sebastian Knauer đã phớt lờ tấm biển "Không quấy rầy!", tự động mở cửa và bước vào căn phòng 317 của khách sạn "Beau-Rivage" tại Geneve (Thụy Sĩ).

Kỳ I: Tự sát hay bị sát hại?


12 giờ 43 phút ngày 11/10/1987, phóng viên tạp chí "Stern" Sebastian Knauer đã phớt lờ tấm biển "Không quấy rầy!", tự động mở cửa và bước vào căn phòng 317 của khách sạn "Beau-Rivage" tại Geneve (Thụy Sĩ).


Anh rất sốt ruột vì tòa soạn đang chờ đợi bài phỏng vấn của anh với Uwe Barschel, người vừa từ chức Thủ hiến bang Schleswig-Holstein tuần trước. Căn phòng tối mờ vì rèm đóng kín. Anh nhìn thấy ở hành lang một chiếc giày đàn ông màu đen, trên giường một bộ pyjama và một cuốn sách tiếng Đức tập hợp những chuyện kể của Jean-Paul Sartre.

Barschel bị phát hiện nằm chết trong bồn tắm của khách sạn "Beau-Rivage" tại Geneve.


Với một chiếc máy ảnh nhỏ trong tay, Knauer mở cửa phòng tắm. Người đàn ông mà anh nhìn thấy trong bồn tắm đầy nước mắt nhắm nghiền. Knauer thoáng nhìn quanh và bấm máy.

Một lúc sau, tiếng chuông điện thoại trong tòa soạn tạp chí "Stern" reo lên. Knauer thông báo một tin giật gân: "Uwe Barschel xem chừng đã chết. Tôi vừa ở trong phòng ông ta. Ông ta nằm bất động trong bồn tắm".

Cái chết của Uwe Barschel, nguyên Thủ hiến bang Schleswig-Holstein là đỉnh cao của một vụ bê bối chính trị độc nhất vô nhị cho tới nay trên chính trường CHLB Đức. Chỉ mấy ngày trước đó, Barschel không chỉ mất chức Thủ hiến bang, mà còn bị mất hết uy tín. Ông bị coi là chủ mưu trong chiến dịch bôi nhọ đối thủ chính trị Bjoern Engholm.

Điều này đã được chính Reiner Pfeiffer, cố vấn báo chí của Barschel khẳng định với tạp chí "Tấm gương" bằng lời thề danh dự. Một ngày trước cuộc bầu cử nghị viện bang vào tháng 9/1987, tạp chí "Tấm gương" đã đăng bài viết về "Những mánh khóe bẩn thỉu của Barschel". Bài báo này hoàn toàn dựa vào lời nói của Pfeiffer.

Reiner Pfeiffer, người loan tin Barchel là chủ mưu trong chiến dịch bôi nhọ đối thủ chính trị Bjoern Engholm.


Barschel phủ nhận những lời tố cáo và đưa ra lời hứa danh dự là không dính lứu gì tới chiến dịch bôi nhọ bẩn thỉu đó cả. Nhưng điều này chỉ làm tăng thêm sự hoài nghi của dư luận đối với vị chính trị gia của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), người nổi tiếng là tham lam quyền lực và tham vọng tới mức bệnh hoạn. Thêm vào đó, việc Barschel bị phụ thuộc vào loại thuốc an thần Tavor, một loại thuốc làm biến đổi ý thức, là một bí mật mà ai cũng biết.

Sau khi tin tức về cái chết của Uwe Barschel được công bố, các phương tiện truyền thông nhanh chóng nhất trí với nhau là Barschel đã tự sát. Luận điểm này cũng dựa vào kết quả điều tra của cảnh sát Geneve. Họ không thể tìm ra dấu hiệu nào về tác động từ bên ngoài. Nhưng sự hoài nghi vẫn tồn tại, khi những bức ảnh do cảnh sát chụp không sử dụng được, do không thể xác định dấu vân tay cũng như dấu vết của bàn tay.

Nhưng từ năm 1994 tới năm 1998, khi các công tố viên ở Luebeck điều tra lại vụ việc này, vì nghi ngờ Barschel bị sát hại, họ mới tập hợp những dấu hiệu tội phạm.


Theo đánh giá của nhà độc dược học Hans Brandenberger ở Zuerich, Barschel có lẽ đã không còn khả năng hành động, khi loại độc dược chết người cyclobarbitals thâm nhập vào cơ thể. Theo luận điểm của ông, Barschel đã bị nhiều loại dược chất khác gây mê tới mức ông không còn có thể tự uống loại thuốc ngủ mạnh dẫn tới chết người được nữa. Thực tế là người ta không tìm ra vỏ hộp thuốc ngủ.

Có một số dấu hiệu khác hỗ trợ cho luận điểm Barschel bị sát hại là vào thời điểm tử vong, Barschel không ở một mình trong phòng. Báo cáo tổng thể cho biết, trong chai rượu whisky được tìm thấy ở trong phòng là rượu đã được pha loãng.


Như vậy, có thể rượu đã được đổ ra. Ngoài ra, trong chai còn có loại thuốc diphenhydramin là loại cũng có trong xác chết. Theo hồ sơ, trên trán bên phải của Barschel có vết máu bầm tím, dấu hiệu của việc sử dụng vũ lực.

Tại hành lang, người ta tìm thấy một chiếc cúc áo sơmi bị đứt. Các nhà điều tra cho rằng không thể có việc Barschel tự mình làm đứt cúc áo khi muốn nới lỏng nút cravat.


Trên tấm thảm trước bồn tắm, người ta còn nhìn thấy vết kéo lê. Loại thuốc ngủ tìm thấy trong người Barschel là loại pyrithyldion, mà vào thời điểm Barschel tử vong thì từ nhiều năm trước đã không còn bán ở CHLB Đức, Thụy Sĩ hay Tây Âu nữa, nhưng vẫn còn bán ở CHDC Đức và Đan Mạch.

Chiếc máy bay gặp tai nạn tháng 5/1987, Barschel là người duy nhất sống sót.


Tuy nhiên, luận điểm cho rằng Barschel tự sát vẫn có vẻ thắng thế cho tới ngày nay. Theo Tổng công tố viên bang Schleswig-Holstein Erhard Rex, những dấu hiệu trước hết cho thấy đó là tự sát. Ông không tin vào luận điểm cho rằng Barschel đã không còn khả năng hành động khi loại thuốc chết người cyclobarbital được đưa vào người ông.

Không thể xác định được thứ tự các loại thuốc được đưa vào cơ thể Barschel. Về luận điểm cho rằng Barschel bị giết ngày càng được chú trọng hơn trên các phương tiện truyền thông trong hơn 20 năm qua, Rex cho rằng đối với báo chí thì một vụ tự sát không hấp dẫn độc giả bằng một vụ giết người, nên có thể báo chí muốn nhấn mạnh rằng đây là một vụ giết người để bán báo.

Tuy nhiên, trái với Rex, Công tố viên cao cấp Heinrich Wille, người đứng đầu cuộc điều tra cho rằng, các cuộc điều tra đã làm tăng nghi ngờ về đây là một vụ giết người. Ông hình dung ra rằng phải có hai người tham gia, dùng thuốc gây mê Barschel, sau đó đặt ông vào bồn tắm và đổ loại thuốc gây chết người vào miệng ông. Nhưng Tổng công tố viên Rex đã cấm ông không được công bố một cuốn sách về vụ án này.

Trước đó, tháng 7/1987, Thủ hiến bang Barschel là người duy nhất sống sót trong một vụ tai nạn máy bay. Hai viên phi công chết ngay tại chỗ, vệ sĩ của ông bị chết sau đó vài ngày. Liệu vụ tai nạn máy bay và cái chết sau này của Barschel có liên quan với nhau hay không?

Vũ Long (Tổng hợp theo báo chí Đức)

>>> Đón đọc kỳ II: Ai có thể là thủ phạm?