11:01 27/11/2013

Bí ẩn hài cốt hoàng gia (tiếp)

Trước thời điểm qua đời vào năm 1227, Thành Cát Tư Hãn, từ vị thế là kẻ bị đuổi khỏi một bộ tộc nhỏ của người Mông Cổ đã trở thành nhà lãnh đạo của một trong những đế chế hùng mạnh nhất trong lịch sử, khiến cho vó ngựa Mông Cổ vang danh từ Trung Quốc đến vùng biển Caspi

Thành Cát Tư Hãn - người sáng lập đế chế Mông Cổ (trị vì từ năm 1206 - 1227 sau Công nguyên)



Trước thời điểm qua đời vào năm 1227, Thành Cát Tư Hãn, từ vị thế là kẻ bị đuổi khỏi một bộ tộc nhỏ của người Mông Cổ đã trở thành nhà lãnh đạo của một trong những đế chế hùng mạnh nhất trong lịch sử, khiến cho vó ngựa Mông Cổ vang danh từ Trung Quốc đến vùng biển Caspi (giáp Nga ở phía bắc, Iran ở phía nam).


Cho đến ngày nay, Thành Cát Tư Hãn vẫn được người Mông Cổ tôn thờ như là một người anh hùng dân tộc. Nhưng địa điểm nơi di hài của ông được chôn cất vẫn chìm trong màn sương bí ẩn. Theo các nguồn tin sử học của Trung Quốc và Ba Tư, Thành Cát Tư Hãn qua đời trong một cuộc chiến ở Trung Quốc. Có khả năng ông qua đời sau cú ngã ngựa trong một cuộc đi săn, và các con trai của ông mang thi thể của cha mình quay về Mông Cổ để chôn cất.


Nhiều người có cùng chung quan điểm rằng, cỗ quan tài của ông được đặt trong một cái hang dưới lòng đất và lớp đất bên trên đã được ngụy trang. Theo một nguồn tin khác, đã có 10.000 người cưỡi ngựa giẫm trên mảnh đất, nơi chôn cất Thành Cát Tư Hãn, để làm cho nó bằng phẳng.


Bắt đầu từ những năm 1960, nhiều cuộc tìm kiếm đã được tổ chức nhưng chưa có nỗ lực nào thành công. Ngày nay, nhiều học giả nhận định rằng Thành Cát Tư Hãn có thể đã được chôn cất đâu đó ở dãy núi Khentii (phía đông bắc Mông Cổ), không quá xa nơi ông được sinh ra.


Hiện Viện Khoa học Mông Cổ, trường Đại học California, San Diego (UCSD) và Hội Đại lý quốc gia Mỹ đang sử dụng các kĩ thuật xác định từ xa để tìm kiếm ngôi mộ của Thành Cát Tư Hãn. Nhóm nghiên cứu hy vọng kết quả của cuộc tìm kiếm sẽ giúp lấp đầy một khoảng trống trong dữ liệu lịch sử về người Mông Cổ nói riêng và về thế giới nói chung.


“Thành Cát Tư Hãn đã thay đổi hành tinh này. Nhưng thậm chí là người Mông Cổ còn không có một tấm hình vẽ ông ấy. Yếu tố ngoại hình trong di sản của Thành Cát Tư Hãn đang bị mất tích, việc tìm thấy vị trí nơi ông được chôn cất sẽ trao cho người Mông Cổ một mối liên kết quan trọng với vị anh hùng của họ”, ông Albert Lin, kĩ sư của UCSD nói. Theo dự kiến, chính phủ Mông Cổ có thể tuyên bố kết quả đầu tiên của nhóm tìm kiếm vào cuối năm nay.


Atahuallpa - vị đế vương cuối cùng của Inca (trị vì từ năm 1532 - 1533 sau Công nguyên)



Sau khi trải qua một cuộc nội chiến đẫm máu chống lại người em trai của mình, hoàng tử Atahuallpa trở thành nhà lãnh đạo duy nhất của Inca vào năm 1532. Nhưng vị đế vương cuối cùng của Inca này đã không có nhiều thời gian để cai quản vùng đất của mình. Trong khi di giá đến thủ đô Cuzco để tuyên bố đăng quăng, Atahuallpa bị một nhóm quân đội Tây Ban Nha do Francisco Pizarro lãnh đạo bắt giữ.


Truyền thuyết kể lại rằng, Atahuallpa đã đề nghị tặng một căn phòng đầy vàng và bạc để đổi lấy tự do cho mình, nhưng Pizarro không đồng ý và xử tử ông vào năm 1533. Người Tây Ban Nha đã tổ chức một buổi chôn cất theo nghi thức Thiên Chúa giáo cho vị đế vương ở Cajamarca (thành phố nằm ở vùng cao nguyên phía bắc của Peru), nhưng nhiều nguồn tin cho rằng thi thể của ông đã được những người sùng kính đào lên và tiến hành ướp xác.


Nhà sử học người Ecuador Tamara Estupiñán tại Viện nghiên cứu Andean đã tìm hiểu các dữ liệu từ thời kì đó trong hơn một thập kỉ qua. Dựa trên việc phân tích các tài liệu, bà cho rằng một trong những vị tướng dưới trướng của Atahuallpa, Ruminahui, đã mang xác ướp của ông đến một địa điểm mà ngày nay là Ecuador để cất giữ an toàn. Bà xác định địa điểm được phát hiện gần đây ở Maiqui-Machay là nơi an nghỉ cuối cùng của Atahuallpa.


David Brown, nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm nghiên cứu khảo cổ Texas, là một trong số các chuyên gia tiến hành công việc khảo cổ tại địa điểm trên. “Không còn nghi ngờ về những chứng cứ do Tamara thu thập chỉ ra khả năng xác ướp có thể đã được mang tới Maiqui-Machay chôn cất”. Nhưng theo ông, ngành khảo cổ học vẫn còn nhiều việc cần phải làm để có được kết quả nghiên cứu chính thức.


Có vẻ như, xác ướp của Atahuallpa ở Maiqui-Machay đã không thể chống lại sự phá hủy trong hàng thế kỉ qua. Với các nhà khảo cổ học, vào thời điểm hiện tại, tất cả những gì họ có thể làm là tiếp tục tiến hành kiểm tra kĩ lưỡng khu khảo cổ và hy vọng sẽ tìm thấy di hài vị đế vương cuối cùng của Inca.


(Còn tiếp)


Anh Minh (Theo Archaeology)