03:18 10/03/2016

Bêu tên cơ sở “chặt chém” du khách

Đây là một trong những biện pháp mà chính quyền tỉnh Khánh Hòa đang triển khai thực hiện nhằm ngăn chặn tình trạng bắt chẹt khách du lịch đang làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của “ngành công nghiệp không khói” không chỉ của tỉnh, mà của cả nước.

Cách làm của Khánh Hòa nhận được sự đồng tình của dư luận, bởi hành động chụp giật trong kinh doanh du lịch đang là nỗi nhức nhối, tồn tại nhiều năm tại nhiều điểm du lịch nổi tiếng trong nước, mà chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả.

Tuy chưa có con số thống kê chính thức các trường hợp khách du lịch bị “chặt chém”, nhưng nếu tiếp tục xem nhẹ và không quy rõ trách nhiệm, thì hậu quả của nó sẽ không nhỏ.

Thường vào dịp cao điểm của mùa du lịch, lãnh đạo một số địa phương cam kết rằng, sẽ không để du khách bị “chặt chém”, nghiêm cấm các nhà hàng, khách sạn lên giá, kiểm tra giá niêm yết. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu như tình hình ở nhiều nơi không kiểm soát nổi, các dịch vụ liên quan tha hồ nâng giá, du khách đành phải chấp nhận dù bực mình. Cứ vào các dịp lễ hội, Festival, mùa du lịch cao điểm, là mặc nhiên giá phòng thuê khách sạn, giá dịch vụ đều tăng lên đến chóng mặt, bình quân tăng từ 20 - 30%, có thời điểm tăng tới 50%. Có quy luật bất thành văn, khách càng đông các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch càng “tăng giá”, khách càng nhiều, chặt chém càng mạnh hơn.

Ngay tại những trung tâm du lịch lớn, như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, việc chèo kéo, ép khách mua hàng vẫn thường xảy ra. Hình ảnh thường thấy là tại các trung tâm, các điểm du lịch, những người bán hàng bu lấy du khách ngay cửa xe. Có công ty du lịch than phiền trung bình mỗi tháng họ tiếp nhận khiếu nại của gần chục khách du lịch nước ngoài bị các chủ nhà hàng “móc túi”. Trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch thừa nhận tình trạng nêu trên không phải bây giờ mới có nhưng gần đây đã rộ lên, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Thực tế, hành vi chèo kéo, "chặt chém", bám khách, ăn xin, giá cả niêm yết không công khai... xảy ra như cơm bữa tại nhiều điểm du lịch nổi tiếng trong cả nước.

Đã có không ít khách du lịch trở thành nạn nhân của tình trạng này. Nhẹ thì bị ép giá, mua phải hàng rởm, hàng giả; nặng thì bị lừa gạt, bị móc túi tiền bạc, tư trang… Cách đây chưa lâu, hai du khách bị một nhà hàng hải sản trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Nha Trang) bắt chẹt khi phải trả 150.000 đồng cho một đĩa cơm rang kèm vài miếng mực chiên. Khi khách phản ứng thì lập tức bị chủ nhà hàng ép đóng hộp mang về; nghiêm trọng hơn, họ còn bị nhân viên nhà hàng hất đồ ăn vào người. Dù nhà hàng này sau đó đã bị đình chỉ hoạt động, nhưng nó đã để lại vết nhơ, làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Có rất nhiều giải pháp được đưa ra, như sự nỗ lực, phối hợp giữa chính quyền địa phương và ngành du lịch để tạo môi trường thân thiện cho du khách. Tuy nhiên, để môi trường du lịch thật sự trong sạch, có lẽ chỉ hô hào thôi chưa đủ. Ðã đến lúc, các cơ quan chức năng phải có những biện pháp đồng bộ, kiên quyết và triệt để nhằm làm thay đổi căn bản ý thức làm du lịch chộp giật.

Trước hết là phải gạt bỏ thói kiếm tiền bất chính, trục lợi ngay tại cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Việc làm trong sạch, lành mạnh môi trường du lịch, góp phần xây dựng Việt Nam thành điểm đến an toàn, hấp dẫn cho du khách phải từ những chuyện nhỏ như một nụ cười thân thiện, bán đúng giá, nhà vệ sinh đạt chuẩn... Muốn thế cần sự quan tâm thật sự, dốc lòng, dốc sức của nhiều ngành, nhất là các địa phương và sự cộng tác của mỗi người dân. Làm sao để người dân ý thức được rằng cần phải có một môi trường sống trong lành cho chính họ và mọi người xung quanh, trong đó có du khách.

Không huy động được người dân vào cuộc thì khó lòng có được một môi trường du lịch an toàn cho du khách.
Yến Nhi