01:09 26/01/2022

Bệnh viện duy nhất tại TP Hồ Chí Minh điều trị bệnh nhân biến thể Omicron tất bật ngày cuối năm

Những ngày cuối năm, khi khắp phố phường TP Hồ Chí Minh đang rộn rã vào Xuân thì tại Bệnh viện Dã chiến số 12, bệnh viện duy nhất tại TP tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân COVID-19 biến thể Omicron, vẫn tất bật với công việc tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân.

Trước sự xuất hiện của biến thể mới Omicron, đầu tháng 12/2021, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh giao cho Bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh tái khởi động lại Bệnh viện dã chiến số 12 (thành phố Thủ Đức) để tiếp nhận, cách ly, điều trị, chăm sóc những trường hợp nghi mắc hoặc đã mắc COVID-19 biến chủng Omicron. Theo đó, những trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam sau khi có kết quả test nhanh dương tính tại sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được đưa vào bệnh viện Dã chiến số 12.

Chú thích ảnh
Hiện Bệnh viện dã chiến số 12 đang điều trị cho hơn 300 bệnh nhân mắc COVID-19 là người nhập cảnh. Tính đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho 88 bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron.

BS. CK2 Đoàn Văn Lợi Em, Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh kiêm Phó giám đốc Bệnh viện dã chiến số 12 cho biết, bệnh viện được chia làm hai khu, gồm một khu dành cho bệnh nhân nhập cảnh có kết quả dương tính với SARS- CoV-2 và một khu dành cho bệnh nhân có kết quả giải trình tự gene nhiễm biến thể Omicron.

Chú thích ảnh
Chỉ cần điện thoại rung lên báo có ca nhập cảnh chuyển tới, các nhân viên y tế nhanh chóng mặc đồ bảo hộ, xuống tiếp nhận bệnh nhân bất kể ngày hay đêm.

Vào những ngày cuối năm, số chuyến bay nhập cảnh về sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất ngày càng nhiều, đồng nghĩa với số bệnh nhân mắc COVID-19 được chuyển về Bệnh viện dã chiến số 12 ngày càng tăng. Lúc này, các nhân viên y tế và lực lượng dân quân tham gia hỗ trợ tại Bệnh viện dã chiến số 12 lại càng bận rộn hơn. Chỉ cần điện thoại rung lên báo có ca nhập cảnh chuyển tới, các nhân viên y tế nhanh chóng mặc đồ bảo hộ, xuống tiếp nhận bệnh nhân bất kể ngày hay đêm.

Chú thích ảnh
Ngoài điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, nhân viên y tế còn phải làm rất nhiều công việc khác.

Theo BS. CK 2 Đoàn Văn Lợi Em, mỗi một biến chủng hay một giai đoạn của dịch, nhân viên y tế đều có một áp lực khác nhau. Thời điểm này, bệnh viện không gặp áp lực về số lượng bệnh nhân nhưng lại gặp phải áp lực về rào cản ngôn ngữ, văn hóa, đặc biệt là trong vấn đề ăn uống của bệnh nhân. Bởi bệnh viện không chỉ tiếp nhận người Việt mà còn có cả bệnh nhân nhập cảnh đến từ các quốc gia khác nhau như Mỹ, Ấn Độ, Bangladesh…

“Trước đây, dù có nhiều bệnh nhân nhưng chỉ khi nào có những biểu hiện bệnh chuyển nặng, bệnh nhân mới gọi điện thoại cho nhân viên y tế. Còn bây giờ, dù ít bệnh nhân nhưng mỗi ngày nhân viên y tế phải trả lời rất nhiều thắc mắc, hầu hết các thắc mắc này lại không liên quan đến chuyên môn của bác sĩ. Bên cạnh đó, không phải bệnh nhân nào cũng biết tiếng Anh, vì vậy nhiều khi chúng tôi phải đến tận nơi sử dụng ngôn ngữ cơ thể và mọi phương pháp để giải thích cho bệnh nhân”, bác sĩ Đoàn Văn Lợi Em kể.

Những hình ảnh phóng viên Báo Tin tức ghi lại tại Bệnh viện dã chiến số 12 trong những ngày cận Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022:

Chú thích ảnh
Quá 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp, tại khu hành chính khoa lâm sàng Bệnh viện dã chiến số 12, hàng chục nhân viên y tế vẫn say sưa làm việc,  hầu hết họ vẫn chưa được ăn trưa.  
Chú thích ảnh
Mỗi người một công việc như nhập số liệu bệnh nhân, kê giấy xuất viện, trả lời các thắc mắc của bệnh nhân hay gọi điện thoại thông báo cho bệnh nhân chuẩn bị xuất viện.
Chú thích ảnh
Em Lăng Thị Nguyệt (22 tuổi), sinh viên năm 5 Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh cho biết, trước tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, em đã tình nguyện tham gia chống dịch, được chuyển đến Bệnh viện dã chiến số 12 trực chiến. Đã nhiều tháng qua chưa được về nhà, nhưng Nguyệt vẫn rất nhiệt tình với công việc.
Chú thích ảnh
Mỗi ngày, ngoài công việc chuyên môn khám, điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ Bùi Minh Tân, Bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh, còn trả lời hàng chục cuộc điện thoại để tư vấn cho bệnh nhân đến từ các quốc gia khác nhau.
Chú thích ảnh
Còn ở trên các khoa phòng, nơi đang điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, các nhân viên y tế và lực lượng dân quân cũng đang làm việc quên mất giờ cơm trưa. Điều dưỡng Nguyễn Quang Nhựt, bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh cho biết, anh đã bị mắc COVID-19 khi tham gia vào công tác chống dịch với nhiều công việc khác nhau như lấy mẫu cộng đồng, tiêm vaccine, làm việc tại bệnh viện dã chiến.
Chú thích ảnh
Điều dưỡng Nguyễn Quang Nhựt chia sẻ thêm: "Đối với những người làm ngành y như chúng tôi, niềm vui lớn nhất là nhìn thấy bệnh nhân khỏe mạnh xuất viện và mong muốn dịch bệnh qua mau".
Chú thích ảnh
Là một trong 16 bệnh nhân được xuất viện đúng vào ngày 23 tháng Chạp (ngày đưa tiễn ông Công, ông Táo) bà Phan Thị Nga, Việt kiều Mỹ (sinh năm 1969) không giấu được vui mừng nói: “Sáng nay nhận được thông báo của bác sĩ tôi đã có kết quả âm tính và được xuất viện trong ngày mà tôi mừng đến nỗi, lúc soạn đồ đạc chuẩn bị về tay còn run run. Gọi điện thoại về báo cho cả nhà mà ai cũng mừng, nhà tôi cũng chuẩn bị sẵn phòng cách ly khi tôi về nhà và hết thời gian cách ly theo dõi tại nhà sẽ vào đúng ngày Mùng một Tết”.
Chú thích ảnh
 Hơn một giờ trưa, anh Nguyễn Minh Thắng, thuộc Ban chỉ huy Quân sự xã Bà Điểm huyện Hóc Môn, vẫn chưa được ăn trưa và vẫn cần mẫn mang cơm đến từng phòng cho bệnh nhân. 
Chú thích ảnh
Anh Nguyễn Minh Thắng cho biết, bây giờ không nhiều bệnh nhân như trước, nhưng công việc vẫn rất nhiều, có những thời điểm đến 14 giờ mới được ăn cơm trưa, nhiều khi mệt quá cũng không muốn ăn.
Chú thích ảnh
Theo anh Nguyễn Minh Thắng, khó khăn nhất đối với anh đó là rào cản về ngôn ngữ khi giao tiếp với bệnh nhân. Anh cũng tham gia trực chiến ở bệnh viện xuyên Tết.
Chú thích ảnh
Không khí Tết cũng đang đến với nhân viên y tế và các chiến sỹ tham gia công tác hỗ trợ tại Bệnh viện dã chiến số 12. Những cành đào, bông mai cũng đang được các bác sĩ chuẩn bị đón một năm mới mạnh khỏe và mong dịch bệnh qua mau. 

 

Bài và chùm ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức