05:09 15/05/2012

Bệnh ung thư và sự kỳ thị trong xã hội Nhật Bản

Bảy năm trước, chị Naomi Sakurai được chẩn đoán bị ung thư vú và chỉ còn 60% cơ hội sống thêm được 5 năm. Tuy nhiên, người phụ nữ 45 tuổi này đã đẩy lùi bệnh tật và trở lại với công việc kiến trúc yêu thích của mình,...

Bảy năm trước, chị Naomi Sakurai được chẩn đoán bị ung thư vú và chỉ còn 60% cơ hội sống thêm được 5 năm. Tuy nhiên, người phụ nữ 45 tuổi này đã đẩy lùi bệnh tật và trở lại với công việc kiến trúc yêu thích của mình, bất chấp những cơn đau dày vò khiến chị khó có thể cầm nổi con chuột máy tính.


Mặc dù vẫn phải tiếp tục liệu trình điều trị nhưng thật may là sức khỏe của Sakurai đã có tiến triển khả quan. Tuy vậy, chị không đủ may mắn để giữ được việc làm. “Ông chủ của tôi nói rằng họ không thể tuyển dụng mãi một ai đó mà không thể cam kết làm việc lâu dài với công ty. Vậy là tôi đã quyết định nghỉ việc còn hơn là đợi đến lúc công ty sa thải”, chị tâm sự.


 

Chị Naomi Sakurai (ngoài cùng bên trái) và ba nhân viên khác đang nghỉ giữa giờ tại văn phòng của Cansol, Tôkyô, ngày 23/4. Ảnh: Internet

 

Theo cuộc khảo sát đối với các bệnh nhân ung thư ở Nhật Bản do Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Gia đình của Mỹ (Aflac) tiến hành hồi tháng 12/2011, khoảng 30% trong số 362 bệnh nhân được hỏi cho biết họ tình nguyện xin thôi việc sau phẫu thuật, trong khi 11% bị sa thải. Ngoài ra, khoảng 30% bệnh nhân nói rằng lương hàng năm của họ bị cắt và 60% trong số này khẳng định mức lương bị cắt tới 70% và họ bị buộc phải giảm hoặc từ bỏ quá trình điều trị vì không còn đủ khả năng chi trả viện phí.


Chị Sakurai cho biết: “Nhiều người không hiểu rằng bệnh nhân ung thư có thể tiếp tục được điều trị mà không cần phải nhập viện”. Không coi mình là một nạn nhân của sự kỳ thị, Sakurai thành lập công ty mang tên Cansol vào năm 2008 để "bán kinh nghiệm của các bệnh nhân ung thư".


Cansol, có 4 nhân viên đều là những người từng mắc ung thư, đào tạo những người sống sót sau ung thư cách thức chia sẻ kinh nghiệm của họ cho các công ty bảo hiểm nhân thọ muốn tìm hiểu nhu cầu của các bệnh nhân, nhằm điều chỉnh chính sách bảo hiểm cho phù hợp với tình hình thực tế. Những người được công ty đào tạo sẽ đi thuyết trình khoảng 100 bài giảng mỗi năm tại các hãng bảo hiểm nhân thọ. Ngoài ra, công ty của chị Sakurai cũng giới thiệu những bệnh nhân ung thư với các doanh nghiệp sẵn sàng nhận họ vào làm việc. Tuy nhiên, việc này cũng tạo ra không ít thách thức.


Chị Hisako Fujita - một nhân viên tư vấn lao động có bảo hiểm xã hội tại Cansol, từng mắc ung thư vú - cho biết, chị phải đi cùng với các bệnh nhân tới nơi phỏng vấn để đảm bảo rằng các công ty tuyển dụng đồng ý nhận bệnh nhân ung thư thấu hiểu hoàn cảnh và những yêu cầu trong điều trị đối với người bệnh.


Có một thực tế là các công ty hiện không có bất kỳ hỗ trợ tài chính nào để tuyển dụng các bệnh nhân ung thư vào làm việc. Trong khi đó, khủng hoảng kinh tế kéo dài khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tuyển dụng hoặc giữ lại các bệnh nhân ung thư, bởi doanh nghiệp khó có thể gánh khoản chi phí tối thiểu 50% bảo hiểm y tế ban đầu cho người lao động theo quy định pháp luật.


Tháng 3/2012, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã xây dựng Kế hoạch cơ bản thúc đẩy Chương trình kiểm soát ung thư (BPPCCP). Theo bộ này, bản dự thảo trên sẽ được nội các thông qua vào cuối tháng 6 tới.


Kế hoạch trên - lấy dữ liệu từ Cansol và khoảng 30 tổ chức đấu tranh vì quyền lợi của bệnh nhân ung thư - xây dựng mục tiêu rõ ràng là tạo dựng một xã hội mà người bệnh có thể sống và làm việc không lo ngại bị sa thải hay phải đối mặt với bất cứ sự phân biệt đối xử nào trong xã hội. Một quan chức Bộ Y tế cho biết: “Bên cạnh điều trị về y tế, kế hoạch mới cũng sẽ bao quát hàng loạt những vấn đề mà bệnh nhân ung thư phải đối mặt, như bất ổn trong công việc, khó khăn về kinh tế và ít có cơ hội được đào tạo”.


Đối với những người mới bắt đầu công việc, bộ có kế hoạch điều tra về sự phân biệt đối xử nơi làm việc, tương tự như các cuộc điều tra mà Aflac tiến hành. Đây là lần đầu tiên chính phủ Nhật Bản tiến hành một biện pháp như vậy. Các giải pháp khác bao gồm xúc tiến đào tạo kiến thức về ung thư cho các doanh nghiệp và trường học nhằm xua tan những hiểu lầm về bệnh ung thư, cũng như làm thay đổi những quan niệm tiêu cực của xã hội đối với căn bệnh nan y này.


Hữu Thắng (P/v TTXVN tại Nhật Bản)