12:18 07/12/2017

Bệnh nhân tố triệt sản vẫn mang thai, bệnh viện Bạch Mai phủ nhận

Đại diện lãnh đạo bệnh viện Bạch Mai cho biết: Sau khi kiểm tra hồ sơ, bệnh án bệnh viện khẳng định chưa từng thực hiện triệt sản cho bệnh nhân S sau khi nhận được thông tin triệt sản nhưng vẫn mang thai.

Bác sĩ Nguyễn Dư Dậu trả lời báo chí chiều 7/12.

Chiều 7/12, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin cho báo chí sau khi xảy ra sự việc bệnh nhân L.T.N.S (Hà Nội) tố bác sĩ Nguyễn Dư Dậu đã giúp triệt sản khi chị sinh mổ lần 3 theo yêu cầu vào ngày 15/2/2016, tại khoa Sản, Bệnh viện Bạch Mai, nhưng chị vẫn có thai lại và phải bỏ thai.


Tại buổi họp báo, TS.BS. Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, bệnh viện Bạch Mai cho biết: Sau khi nhận được thông tin phản ánh từ bệnh nhân, bệnh viện đã kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ bệnh án của bệnh nhân trước đó và khẳng định sản phụ S. chưa được triệt sản trong ca mổ đó.


“Nếu đúng là bệnh nhân có thai lại như lời chị S., thì bệnh viện khẳng định bệnh nhân chưa được triệt sản và điều này hoàn toàn logic với bệnh án lưu tại bệnh viện”, ông Hùng cho biết.


Theo đó, với trường hợp bệnh nhân S. là gia đình đã có cam kết trước khi triệt sản. Tuy nhiên, trong quá trình mổ đẻ, bác sĩ Dậu đã không thực hiện triệt sản. Điều này đã thể hiện rõ trong cách thức mổ. Trước khi ra viện, bệnh nhân được cấp hai loại giấy là: Giấy ra viện và cách thức mổ. Trong giấy cách thức mổ cũng đã không thấy ghi nội dung triệt sản trong đó. Mà theo quy đinh, trong giấy cách thức mổ bác sĩ sẽ ghi lại toàn bộ những thủ thuật đã thực hiện trên cơ thể bệnh nhân.


Giải thích về việc bệnh nhân đã có cam kết triệt sản nhưng lại không thực hiện triệt sản cho bệnh nhân, BS. Nguyễn Dư Dậu, người trực tiếp mổ lấy thai cho chị S. vào ngày 15/2/2016 cho biết: "Khi mổ cho bệnh nhân tôi đã phát hiện thấy vết mổ rất dính nên tôi đã không thực hiện triệt sản. Vì vậy trong cách thức phẫu thuật cũng không ghi là đã triệt sản”.


Ông Dậu cũng cho biết, đối với những bệnh nhân chỉ cần mổ đẻ một lần đã xảy ra tình trạng dính bụng, trong khi bệnh nhân S. đã mổ đẻ tới 2 lần trước đó nên để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, ông đã không thực hiện biện pháp triệt sản như yêu cầu của bệnh nhân.


Về việc bệnh nhân không hay biết việc mình chưa được triệt sản nên để mang thai trở lại, ông Dậu khẳng định đã thông báo cho bệnh nhân biết việc không thể triệt sản, nhưng có thể bệnh nhân quên. Thường khi phát hiện thấy vết mổ dính là bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân, đó là điều hết sức cần thiết.


Theo BS. Dương Đức Hùng: Triệt sản là một biện pháp tránh thai thường được thực hiện theo yêu cầu của bệnh nhân kết hợp khi mổ đẻ hoặc trong các trường hợp bệnh nhân có bệnh lý cần can thiệp. Việc triệt sản sẽ được thực hiện bằng cách các bác sĩ sẽ cắt hai vòi trứng của hai đầu, sau đó thắt hai đầu lại. Sau khi thực hiện cắt hai đầu vòi trứng, chắc chắn người phụ nữ sẽ không thể có thai vì trứng không thể đi vào tử cung làm tổ được. Việc triệt sản phải được thống nhất của phía bệnh nhân và gia đình người bệnh, có giấy tờ cam kết trước khi thực hiện triệt sản.


BS. Hùng cho biết, trường hợp của bệnh nhân S., Bệnh viện sẽ có công văn để báo cáo Bộ Y tế, Vụ Sức khỏe Bà mẹ- trẻ em.


Trước đó, gia đình chị L.T.N.S (Hà Nội) cho biết, ngày 15/2/2016, chị S. sinh con thứ 3 bằng phương pháp đẻ mổ tại khoa Sản, Bệnh viện Bạch Mai. Bác sĩ Nguyễn Dư Dậu là người trực tiếp mổ đẻ cho chị. Trước khi mổ, gia đình chị đã ký giấy yêu cầu được triệt sản kết hợp với mổ đẻ. Yên tâm vì đã được triệt sản nên chị không dùng biện pháp tránh thai, tuy nhiên tháng 11 vừa qua chị phát hiện đã có thai trở lại, vì đã mổ đẻ 3 lần nên chị không thể giữ mà phải bỏ thai. Khi chị gọi điện cho bác sĩ Dậu thì bác sĩ lại nói đã triệt sản cho chị rồi.


Tạ Nguyên/báo Tin tức