05:10 07/05/2011

“Bệnh nan y” của phim truyền hình Việt Nam - Bài cuối: Già hóa phim vì... lời thoại

Đạo diễn Lê Hoàng từng nói: “Những bộ phim truyền hình làm cho teen của Việt Nam xem xong thấy mắc cười, lời thoại dở, dài dòng, khi thì quá hàn lâm, lúc lại quá ngu ngơ. Các bạn trẻ không cảm được nhân vật nên luôn cố gồng mình lên để diễn…”.

Đạo diễn Lê Hoàng từng nói: “Những bộ phim truyền hình làm cho teen của Việt Nam xem xong thấy mắc cười, lời thoại dở, dài dòng, khi thì quá hàn lâm, lúc lại quá ngu ngơ. Các bạn trẻ không cảm được nhân vật nên luôn cố gồng mình lên để diễn…”. Đó dường như là một nhận xét đúng không chỉ trong trường hợp những bộ phim được thực hiện dành riêng cho tuổi teen của Việt Nam, mà còn đúng với cả những bộ phim có sự tham gia diễn xuất của diễn viên nhí.

Nhìn lại một số phim truyền hình Việt dường như các nhà biên kịch, đạo diễn đã bỏ qua việc đầu tư cho diễn xuất, phần thoại của nhiều nhân vật nhỏ tuổi. Các diễn viên nhí của màn ảnh Việt luôn bị già hóa trong các câu thoại đầy người lớn, thậm chí già nua gấp đôi, gấp ba số tuổi của mình.

Vì lời thoại không phù hợp nên các em diễn bị “đơ”, gương mặt không thoải mái để biểu lộ thần thái, khiến người xem có cảm giác giả tạo. Rõ nhất trong “Cuồng phong” - Bùi Huy Thuần, hễ khi nào đến cảnh con gái của Phượng đối thoại với mẹ là khán giả được chiêm ngưỡng gương mặt không chút biểu cảm, dường như chỉ là đọc thoại. Hơn nữa đạo diễn còn khiến diễn viên nhí này vào vai một bà già mang gương mặt trẻ thơ khi để em thể hiện cái gì cũng biết, cũng lo và cũng nghĩ… toàn những điều không phù hợp với độ tuổi của mình. Màn diễn của diễn viên nhí trong phim như màn trả bài của cả hai nhân vật khi đối thoại với nhau chứ không phải là khắc họa tình cảm mẹ con đang trong hoàn cảnh nguy hiểm. Trường hợp già hóa thoại nhân vật nhí không chỉ xảy ra với riêng trường hợp của “Cuồng phong” mà gần như nó đã bị kiềm tỏa trong tất cả những phim có nhân vật trẻ em tham gia.

Một cảnh trong phim “Cuồng phong”.


Không cảm xúc, gồng mình để diễn cho xong, cố gắng để ép trẻ em nói cảm xúc của người lớn là điều người xem vẫn nhận xét về khả năng nhập vai của một số diễn viên nhí và sự thiếu cẩn trọng của các nhà làm phim khi để “đất” của những diễn viên này bị “xâm lấn”. Lỗi bắt diễn viên nhí phải già trước tuổi, không được sống đúng với tuổi thơ… đang trở thành căn bệnh trầm kha của phim truyền hình Việt Nam.

Và điều cuối cùng cần phải bàn là chuyện nhạc phim. Nhạc sĩ Huy Tuấn từng nói “Viết nhạc cho phim cũng chính là làm đạo diễn lần thứ hai”. Điều đó cho thấy sức mạnh, sự lan tỏa mà bản thân âm nhạc với sứ mệnh của mình đã chắp cánh cho một số bộ phim. Nhiều trường hợp phim bị rơi vào quên lãng nhưng ca khúc chủ đề của tác phẩm ấy lại có một đời sống riêng dài lâu. Với quy trình sản xuất phim nhanh như hiện nay việc dành thời gian đầu tư một cách dụng công và kỹ càng cho phần nghe (âm nhạc) của một số nhà làm phim cũng thực sự khó khăn. Việc sử dụng nhạc không chuẩn thậm chí bừa bãi, thiếu nhất quán với trường đoạn, cảnh phim… vẫn diễn ra đều đặn trong một số phim truyền hình. Đó là còn chưa nói đến việc đạo nhạc nước ngoài, lấy nhạc nền trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật để lồng ghép vào phim… khiến nhạc phim không đi theo một mô típ cụ thể nào và tất nhiên không có sự dung hòa với các yếu tố khác trong phim.

Bài hát “Vệt nắng cuối trời” trong bộ phim cùng tên được nhiều khán giả yêu thích bởi giai điệu dễ nghe, hòa hợp với tâm trạng nhân vật… nhưng đôi khi nó cũng được vang lên rất vô lý khi không ăn nhập với diễn biến của phim. Trường đoạn Tuệ Lâm đau đớn trong cơn say, trong nỗi buồn chia ly, mất mát hay đơn giản chỉ là những đoạn nhân vật đi dạo, vui chơi rất lãng mạn… ca khúc này cũng vang lên như chỉ minh họa nhạc chạy đua theo hình. Một tập phim bài hát này sử dụng tới ba, bốn lần làm người xem bội thực...

Hương Giang