02:09 14/02/2017

Bệnh đau mắt đỏ gia tăng bất thường

Đau mắt đỏ là bệnh thường gặp vào mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa,độ ẩm không khí cao… Tuy nhiên, từ sau Tết đến nay, lượng bệnh nhân đã tăng hơn so với thường lệ.

Khám điều trị cho người đau mắt đỏ tại khoa Khám,Bệnh viện Mắt Trung ương. Ảnh:Dương Ngọc/TTXVN

Có thể tái nhiễm bệnh sau vài tháng

Theo TS.BS Lê Xuân Cung, Phó trưởng khoa Kết giác mạc (Bệnh viện Mắt Trung ương), trong những ngày gần đây, bệnh nhân bị viêm kết mạc hay còn gọi là đau mắt đỏ tăng hơn so với ngày thường, nhưng chưa đến mức bùng phát thành dịch.


Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận khoảng 150 - 200 bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám và điều trị, tăng 10% so với dịp trước Tết Nguyên đán. Bệnh nhân chủ yếu ở Hà Nội và các tỉnh lân cận.


Tuy chưa thể nói là bùng phát thành dịch, nhưng theo chuyên gia ngành nhãn, số lượng bệnh nhân gia tăng dịp đầu năm mới cũng có thể gọi là là “bất thường”, bởi bệnh này vốn thường gặp vào mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩmkhông khí cao…


Đây cũng là điều đáng lo ngại vì trong điều kiện thời tiết thất thường như hiện nay, virút gây bệnh đau mắt đỏ dễ phát triển mạnh lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Trong khi, đến nay, bệnh này chưa có vắcxin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.


Nguyên nhân chủ yếu của bệnh đau mắt đỏ là do Adenovirus, hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra. Bệnh có khả năng điều trị khỏi và không để lại di chứng nếu bệnh nhân đi khám kịp thời và điều trị đúng. Tuy nhiên, bệnh lại rất dễ nhầm với các bệnh viêm màng bồ đào cấp, bệnh glôcôm cấp. Do đó, các chuyên gia ngành nhãn đều khuyến cáo, người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám chữa bệnh, tránh biến chứng đáng tiếc.


Thực tế, các bác sĩ đã tiếp nhận không ít trường hợp bị đau mắt đỏ nhưng tự ý mua thuốc điều trị. Điều trị mãi không khỏi thì mới đến bệnh viện khám, hậu quả là bệnh đã biến chứng, gây giảm chức năng thị giác, thậm chí dẫn tới mù lòa.


Bệnh đau mắt đỏ được biểu hiện chính bằng mắt đỏ và có ghèn. Người bệnh thường đỏ một mắt trước, sau đó lan sang mắt thứ hai. Triệu chứng thường gặp là người bị bệnh cảm thấy khó chịu ở mắt, sau đó cộm như có cát trong mắt, mắt nhiều dử, buổi sáng ngủ dậy hai mắt khó mở do nhiều dử dính chặt, dử mắt có thể có màu xanh hoặc màu vàng tùy tác nhân gây bệnh.


Một số trường hợp viêm kết mạc có giả mạc (giả mạc là lớp màng dai trắng khi lật mi lên mới thấy) thường lâu khỏi hơn các trường hợp khác. Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh cũng có thể có thêm các triệu chứng như mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, xuất hiện hạch ở tai.


Sau 1 tuần khỏi bệnh có thể vẫn lây bệnh cho người khác


Theo khuyến cáo của Cục Y tế Dựu phòng, Bộ Y tế, mầm bệnh đau mắt đỏ có khả năng sống ở môi trường bình thường trong vài ngày và người bệnh vẫn có thể là nguồn lây bệnh sau khi đã khỏi bệnh một tuần. Vì vậy, cách phòng bệnh tốt nhất là thực hiện triệt để các biện pháp vệ sinh và cách ly với người bệnh.


Khi có người bị bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ, người bệnh cần lau rửa ghèn, dử mắt ít nhất 2 lần một ngày bằng khăn giấy ẩm hoặc bông; lau xong vứt bỏ khăn, không sử dụng lại. Không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn. Người bệnh cần được nghỉ ngơi, cách ly, dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc. Đặc biệt, không tự ý mua thuốc nhỏ mắt hoặc dùng  thuốc nhỏ mắt của người khác.

Những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đau mắt đỏ cần phải đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị. Tuyệt đối không đắp các loại lá vào mắt như là trầu, lá dâu...


Để phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang… Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nước súc họng thông thường. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ.

Phương Liên