Hàng nghìn tân binh Ukraine ra chiến tuyến chỉ sau vài tuần huấn luyện sơ sài. Tình trạng này đang đẩy họ vào vòng xoáy thương vong cao và làm lung lay sức mạnh phòng thủ của Kiev.
Binh sĩ Ukraine tham gia buổi huấn luyện ở ngoại ô Kiev ngày 21/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Cuộc xung đột kéo dài hơn 3 năm với Nga đã đặt ra những thách thức chưa từng có cho Ukraine, đặc biệt là trong việc duy trì lực lượng chiến đấu. Theo báo Kyiv Independent (Ukraine) ngày 7/4, với thương vong ngày càng tăng và nhu cầu bổ sung quân số cấp thiết, Ukraine đang phải đối mặt với một cuộc chạy đua khốc liệt để đào tạo thêm tân binh. Tuy nhiên, những câu chuyện từ tiền tuyến và các trung tâm huấn luyện cho thấy một bức tranh đáng lo ngại về sự chuẩn bị thiếu sót và những hệ lụy nghiêm trọng mà nó gây ra.
Câu chuyện của Vitalii Yalovyi, một tân binh 37 tuổi, là một ví dụ điển hình. Sau một tháng huấn luyện quân sự, anh nhận ra mình hoàn toàn không sẵn sàng cho chiến đấu trên chiến trường. Thể lực yếu kém khiến anh bỏ lỡ nhiều buổi đào tạo, và những cơn đau ở chân sau những cuộc hành quân dài ngày vẫn đeo bám. Thay vì được kiểm tra y tế theo kế hoạch, Yalovyi bất ngờ được đưa thẳng đến vùng Kursk của Nga, nơi Ukraine từng tiến hành một cuộc tấn công xuyên biên giới. Hoảng sợ khi phải đối mặt với tiền tuyến ngay lập tức, anh đã cảnh báo các chỉ huy về việc thiếu kỹ năng cơ bản và không sử dụng súng thành thạo.
Tiết lộ của Yalovyi và nhiều tân binh khác cho thấy các trại huấn luyện đang quá tải, nhưng tân binh không có đủ thời gian thực hành các kỹ chiến thuật quân sự cần thiết. Điều này khiến họ không chắc chắn về khả năng chiến đấu thực tế của mình. Ngay sau khi đến Kursk, Yalovyi đã phải đối mặt với trận chiến ác liệt. Ba tuần sau, anh kể lại mình là người cuối cùng còn trụ lại sau khi hàng chục đồng đội rút lui vì một cuộc tấn công từ các lực lượng Nga. May mắn thay, anh được giải cứu và đưa trở lại Ukraine, nhưng không phải ai cũng có cơ hội như vậy.
Sau hơn 3 năm chiến tranh, quân đội Ukraine đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng. Các chỉ huy trên mặt đất ngày càng lo ngại khi phải tiếp nhận những binh sĩ gần như chưa được huấn luyện. Theo lời kể của hơn một chục sĩ quan được Kyiv Independent phỏng vấn, những tân binh thiếu các kỹ năng sinh tồn cơ bản, như cách sử dụng chăn chống nhìn ban đêm để tránh bị thiết bị bay không người lái (UAV) phát hiện, thường "bị thiệt mạng hoặc bị thương" trong những tuần đầu tiên ra trận.
Tình huống "tử trận hoặc sinh tồn", nơi tân binh phải tự vận động để sống sót hoặc đối mặt với thương vong, đang gây ra những tổn thất nghiêm trọng. Điều này không chỉ dẫn đến việc mất quyền kiểm soát những vị trí đã phải trả giá bằng nhiều tháng hoặc nhiều năm để bảo vệ mà còn làm suy yếu tinh thần của những người lính dày dạn kinh nghiệm.
Glen Grant, Trung tá quân đội Anh đã nghỉ hưu, người từng cố vấn cho Bộ Quốc phòng Ukraine, nhận định rằng không ai chịu trách nhiệm khi tân binh phải đối mặt với thương vong nặng nề ban đầu. Ông chỉ trích hệ thống huấn luyện của Ukraine là "tùy cơ ứng biến" và thiếu một hệ thống đảm bảo chất lượng độc lập.
Một trong những thách thức lớn nhất trong việc huấn luyện tân binh trong bối cảnh giao tranh liên tục thay đổi là các kỹ năng sinh tồn trên chiến trường nhanh chóng trở nên lỗi thời. Sự phát triển của UAV góc nhìn thứ nhất (FPV) và các chiến thuật tấn công mới của Nga đòi hỏi phải có sự trao đổi thông tin liên tục giữa tiền tuyến và các trung tâm huấn luyện. Tuy nhiên, việc điều chỉnh chương trình huấn luyện quân sự chính thức để phản ánh tình hình thực tế đang gặp nhiều khó khăn do tình trạng quan liêu.
Theo nghị sĩ Ukraine Ruslan Gorbenko, sau khóa huấn luyện kéo dài 1,5 tháng, tân binh được cho là sẽ có hai tuần ở tuyến hai hoặc hậu phương để thích nghi trước khi triển khai ra tuyến "số không" (tuyến đầu). Nhưng điều này hiếm khi diễn ra trên thực tế. Nhiều chỉ huy đại đội của quân đội Ukraine ở Donetsk cho biết tổn thất nhân sự quá lớn khiến họ buộc phải gửi quân tiếp viện ra tiền tuyến ngay lập tức, bất chấp sự thiếu chuẩn bị của các tân binh. Những người lính mới, không quen với điều kiện khắc nghiệt dưới sự tấn công liên tục của UAV, bom và pháo binh, phải đối mặt với tỷ lệ thương vong cao hơn nhiều.
Oleksii, một sĩ quan của Lữ đoàn Phòng thủ Lãnh thổ số 109, chua xót nói: "(Những người lính mới) tiêu hao rất nhanh, thậm chí trước khi họ đến được tuyến đầu". Những người sống sót sau giai đoạn đầu tiên thường mất động lực và đôi khi từ chối quay trở lại tiền tuyến. Bohdan, một chỉ huy đại đội, lo ngại về tình trạng tinh thần và thể chất của những tân binh, đặc biệt là những người trên 45 tuổi, nhóm tuổi chiếm phần lớn lực lượng mới.
Một sĩ quan Ukraine kỳ cựu nhấn mạnh rằng quân đội nước này cần coi trọng mạng sống của mọi người lính, cho rằng toàn bộ quá trình, từ tuyển dụng đến huấn luyện, phải phản ánh nguyên tắc này. Sự thiếu phối hợp giữa các đơn vị tiền tuyến do binh lính không được huấn luyện đầy đủ cũng làm tăng nguy cơ xảy ra hỏa lực nhầm (quân ta bắn quân mình).
Tuy nhiên, giới lãnh đạo quân đội Ukraine không đồng tình với những đánh giá trên. Đại tá Yevhen Mezhevikin, Phó Giám đốc Cục Huấn luyện của Bộ Tổng tham mưu Ukraine, cho rằng trách nhiệm của các chỉ huy là đảm bảo tân binh có thời gian thích nghi và sẵn sàng cho chiến đấu. Ông Mezhevikin nói thêm rằng có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ sống sót ngoài chất lượng huấn luyện.
Bất chấp những phản bác từ giới lãnh đạo, chỉ huy, binh lính và sĩ quan trên thực địa vẫn nhấn mạnh sự cần thiết của việc cập nhật thông tin từ chiến trường đến các trung tâm huấn luyện. Tân binh thường thiếu những kiến thức quan trọng như cách đối phó với các cuộc tấn công bằng UAV hay cách sống sót trong chiến hào.
Bộ Tổng tham mưu Ukraine đã kéo dài thời gian huấn luyện từ một tháng lên 1,5 tháng vào cuối năm 2024, nhưng vẫn chỉ bằng một nửa so với trước xung đột. Các huấn luyện viên tại các trung tâm huấn luyện cho biết họ có vòng phản hồi với các quân nhân có kinh nghiệm và lữ đoàn chiến đấu để liên tục điều chỉnh chương trình.
Nhưng việc kéo dài thời gian huấn luyện mà không cải thiện hiệu quả sẽ không mang lại nhiều thay đổi. Theo các sĩ quan Ukraine, một trong những nguyên nhân chính khiến tân binh thiếu động lực và các bãi huấn luyện quá tải là do thiếu kiến thức. Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng đã thừa nhận tình trạng thiếu cơ sở đào tạo.
Tính đến cuối tháng 2 năm nay, có khoảng 30.000 tân binh tại các trung tâm huấn luyện trên khắp Ukraine. Số lượng tân binh quá lớn khiến các bãi tập và đội ngũ huấn luyện viên hiện có bị quá tải. Tân binh thường phải chờ đợi trong hàng dài để thực hành hoặc chỉ đơn giản là quan sát, ít có cơ hội đặt câu hỏi hoặc được sửa lỗi kỹ chiến thuật.
Các nhà nghiên cứu tại Come Back Alive Foundation chỉ ra rằng các vấn đề chính bao gồm huấn luyện viên thiếu động lực và kiệt sức, thiếu kinh nghiệm thực chiến, thiếu kiểm tra độc lập và điều kiện cơ sở vật chất kém. Serhii Bahlai, nhà nghiên cứu cấp cao của tổ chức trên, gọi đây là một "vấn đề phức tạp" và cho biết ban chỉ huy quân sự Ukraine vẫn chưa muốn thay đổi cách tiếp cận.
Đại tá Valentyn Khomenko, Phó Giám đốc trung tâm đào tạo Rivne, bác bỏ những phàn nàn về khía cạnh thực tế của chương trình và tình trạng quá tải. Ông cho rằng thách thức lớn nhất là thái độ của tân binh, ước tính rằng ít nhất 50% đến mà không có động lực. Về phần mình, các giảng viên tại nhiều trung tâm cho biết phần khó nhất là thay đổi "tư duy dân sự" của tân binh sang tư duy quân sự. Điều này đặc biệt khó khăn đối với những người bị động viên trái với ý muốn.
Vấn đề hậu cần cũng là một thách thức lớn. Tân binh thường phải đi bộ nhiều km mỗi ngày giữa bãi huấn luyện và doanh trại tập trung, gây lãng phí thời gian và sức lực. Các trung tâm huấn luyện cũng trở thành mục tiêu tấn công của Nga, gây ra thương vong và thiệt hại cơ sở vật chất. Điều kiện sống trong các trại thường quá đông đúc và thiếu vệ sinh.
Trong bối cảnh những yếu kém trong huấn luyện tân binh ngày càng lộ rõ, một số sáng kiến nhỏ đã được thực hiện. Một số trung tâm đã sử dụng kính thực tế ảo để mô phỏng tình hình tiền tuyến. Các tình nguyện viên cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thêm huấn luyện. Magnus Ek, một huấn luyện viên người Thụy Điển, nhận thấy nhiều binh lính thiếu những kỹ năng cơ bản, bao gồm cả kỹ năng bắn súng và tự sơ cứu.
Kyrylo Berkal, Phó Tư lệnh Quân đoàn 3, người giám sát việc đào tạo, nhấn mạnh rằng vấn đề chính là "gốc rễ Liên Xô" vẫn tồn tại ở hầu hết các trung tâm, ngay cả khi chương trình của họ có vẻ hiện đại hơn. Vị sĩ quan này cho biết vấn đề còn nằm ở việc thiếu cường độ tại các trung tâm đào tạo, đặc biệt là khi so sánh với điều kiện chiến trường thực tế, và động lực thấp ở các huấn luyện viên, có thể là do mức lương thấp và khối lượng công việc quá lớn.
Roman Donik, người đứng đầu Trung tâm Huấn luyện tư nhân 151 tại vùng Kharkov được quân đội Ukraine cấp phép kết luận: "Khả năng chiến đấu của một lữ đoàn bị ảnh hưởng trực tiếp bởi quá trình chuẩn bị tân binh. Chúng tôi đang mất rất nhiều thời gian và con người".